Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Linh mục với những chủ quan

Gm. Gioan B. Bùi Tuần 

Mỗi linh mục có những khác biệt riêng. Những khác biệt riêng đó làm nên một số chủ quan nơi mỗi linh mục. Có những chủ quan tốt. Có những chủ quan vô hại. Có những chủ quan đáng ngại. Ở đây, tôi xin chia sẻ suy nghĩ của tôi về một số chủ quan đôi khi gây ảnh hưởng bất ngờ đáng ngại cho chức vụ linh mục. Tôi dựa vào Phúc Âm. 


1/ Chủ quan, khi nghĩ quá tốt về mình 

Phúc Âm thánh Matthêu ghi lại chi tiết sau đây về thánh Phêrô: “Hát thánh vịnh xong, Đức Kitô và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu. Bấy giờ Đức Kitô nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy.” Ông Phêrô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.” Đức Giêsu bảo ông: “Thầy bảo thật anh: Nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông Phêrô lại nói: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,30-35). 
Quả quyết của thánh Phêrô là rất chân thành. Nhưng ngài chỉ thấy một, mà không thấy mười. Ngài không thấy tình hình bên ngoài đang xấu đi một cách bi đát. Quyền đạo nhất định loại trừ Chúa Giêsu một cách quyết liệt. Đang khi đó, các môn đệ Chúa, trong đó có thánh Phêrô, đang tới lúc mệt mỏi, không còn muốn cầu nguyện và thức nổi với Thầy. Tất cả đều là sự thực. Nhưng thánh Phêrô không nhận ra. Ngài chủ quan. Ngài nghĩ quá tốt về mình. Chủ quan đó là tai hại. Bởi vì nó dẫn tới việc Phêrô chối Chúa. Đó là một bất ngờ đau đớn. Nguyên do là quá chủ quan về mình, cho mình là vững mạnh, mà thực ra là quá yếu. 
Chủ quan trên đây của thánh Phêrô cũng có thể xảy ra cho bất cứ linh mục nào. Đôi khi sự suy sụp vấp ngã không do những chủ quan lớn, nhưng do những chủ quan nhỏ. 

2/ Chủ quan, khi tưởng ý muốn của mình là hợp ý Chúa 

Phúc Âm thánh Matthêu kể: “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy.” Nhưng Đức Kitô quay lại bảo ông Phêrô rằng: “Satan, lui lại đàng sau Thầy. Anh cản lối Thầy. Và tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16,21-23). 
Chúa Giêsu nặng lời với thánh Phêrô. Chúa cho ngài biết tư tưởng của ngài coi như tốt, nhưng thực sự không tốt vì không hợp ý Chúa. Không hợp ý Chúa xem ra không có gì quá tệ, thế mà Chúa Giêsu mắng Phêrô là Satan. Thiết tưởng đó là một cách Chúa dùng, để dạy thánh Phêrô nhận ra rằng: Không gì nguy hiểm cho bằng chủ quan nghĩ rằng: tư tưởng của mình là tư tưởng của Chúa. 
Chủ quan nguy hiểm trên đây cũng có thể xảy ra cho các linh mục. Chủ quan đó dễ làm an tâm chính bản thân linh mục, đồng thời cũng dễ trấn an thuyết phục người khác, khi thực hiện các chương trình do linh mục đề xướng. 

3/ Chủ quan, khi dùng những cách không xứng để bảo vệ Chúa 

Phúc Âm thánh Matthêu kể: “Bấy giờ, họ tiến đến, tra tay bắt Đức Kitô. Và kia, một trong những kẻ theo Đức Giêsu liền vung tay tuốt gươm của mình ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. Đức Giêsu bảo người ấy: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cầu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn 12 đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được.” (Mt 26,50-54). 
Theo các vị cắt nghĩa Kinh Thánh, thì người tuốt gươm bảo vệ Chúa Giêsu chính là thánh Phêrô. Lại một lần nữa, ngài chủ quan, tưởng rằng dùng vũ lực để bảo vệ Chúa là việc phải làm. Nhưng lại một lần nữa, Chúa Giêsu cho ngài biết: Việc ngài làm như thế là sai. Chúa Giêsu không những không khen, mà còn trách. 
Chủ quan trên đây của thánh Phêrô cũng có thể xảy ra nơi các linh mục. Các ngài phản ứng trước những xúc phạm đến Chúa, đến Hội Thánh Chúa, bằng nhiều cách. Đôi khi cũng bằng bạo lực, bạo ngôn và mưu lược bất xứng. Những chủ quan như thế đều không được Chúa Giêsu chấp nhận. 

4/ Chủ quan, khi giới thiệu Chúa một cách sai lầm 

Thời Chúa Giêsu, các người lãnh đạo tôn giáo hay giới thiệu Thiên Chúa như một Thiên Chúa nghiêm khắc, xa cách, hay kết án, luận phạt. Ý thức điều đó, Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô:“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3,17). 
Với lời trên đây, Chúa Giêsu đã đưa hình ảnh Thiên Chúa xót thương ra, để đẩy lùi mọi thứ hình ảnh chủ quan, sai lạc về Thiên Chúa. Thời nay linh mục cũng có thể đôi khi rơi vào thứ chủ quan nguy hại đó. 

5/ Để tránh các chủ quan nguy hiểm 

Thời nay, những thứ chủ quan trong lãnh vực tu đức, mục vụ, truyền giáo xem ra càng ngày càng nhiều. Rất cần phân định những chủ quan nào là vô hại và những chủ quan nào là nguy hiểm. Phân định không dễ. Nhưng chúng ta có hy vọng tránh được nhiều chủ quan nguy hiểm, nếu chúng ta cầu nguyện hằng ngày. Cầu nguyện không dừng lại ở đọc kinh, mà còn đi vào chiêm niệm. Để những hiểu biết về Chúa Giêsu thấm sâu vào tâm tình của ta, đến mức dung mạo sống động Chúa Giêsu dần dần thay đổi tâm hồn ta. 
Việc tự đào tạo thường xuyên đó nên được kèm với việc bồi dưỡng trình độ văn hoá trí thức đạo đời. Bởi vì trình độ văn hoá trí thức cao và sâu, cũng giúp con người bớt được nhiều thứ chủ quan nguy hại. 

Lời bàn của Tâm linh vào đời 

1/ Chủ quan, khi nghĩ quá tốt về mình 

Người bình thường ai cũng nghĩ mình tốt huống chi là Linh mục được giáo hội xếp vào hàng “Thánh hiến” và thường được giáo dân coi như “mẫu mực” trong xứ đạo. Vì thế một linh mục đã từng mạnh dạn tuyên bố với Tamlinhvaodoi:“Bản thân tôi làm đúng 100% vì lợi ích cho cộng đoàn” 

2/ Chủ quan, khi tưởng ý muốn của mình là hợp ý Chúa 

Đây là lỗi phổ biến và có vẻ tự nhiên của các “bậc khanh tướng”. Tất cả những gì linh mục sáng kiến ra đều hợp ý Chúa. Tất nhiên là bề dưới buộc phải tuân hành 100% trong tinh thần “vâng phục tối mặt”. Ai có ý kiến khác lập tức sẽ bị kết tội “không vâng phục” nặng hơn nữa sẽ bị mang tội “quấy rối sự ổn định của cống đoàn, đáng bị loại trừ ra ngoài” dù ý kiến này còn có lợi cho cộng đoàn gấp mấy lần đi nữa – nhưng đơn giản chỉ vì khác với ý bề trên!! – mà ý bề trên đìch thị là ý Chúa!!!! 
Chuyện xảy ra ở một xứ đạo hẻo lánh trong giáo phận Vinh, chỉ vì một giáo dân vì kẹt chuyện gia đình nên không thể cúng một mét đất theo chiều dài dẫn vào nhà thờ với những lý do lúc nói thế này, lúc nói thế khác, lập tức bị kết án là không thật thà với giáo xứ và nhất là không thật thà với cha xứ. Cha xứ rộng lượng cho 3 tuần để xin lỗi!!! hết hạn, ngài liền tuyên án vạ tuyệt thông chỉ vì dám làm khác ý cha xứ - mà ý cha xứ là ý Chúa!!!! 

Trong Bộ Giáo luật hiện hành, có bảy hành vi (hay tội) mà khi một người Công giáo vi phạm sẽ bị Vạ Tuyệt thông tiền kết (latae sententiae). Tôi xin liệt kê sau đây: 
* Những hành vi (hay tội) mà một người giáo dân có thể vi phạm: 
1. Qui định của điều 1364, §1: Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết. 
2. Qui định của điều 1367: Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. 
3. Qui định của điều 1370, §1: Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. 
4. Qui định của điều 1398: Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết. 
* Những hành vi hay tội mà một Tư tế hay một Giám Mục có thể vi phạm: 
5. Qui định của điều 1378, §1: Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. 
6. Qui định của điều 1388, §1: Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. 
7. Qui định của điều 1382: Giám Mục nào không có ủy nhiệm thư Giáo hoàng mà phong chức Giám Mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do Giám Mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. 
Trong bảy qui định Vạ trên đây, ta có thể thấy năm loại Vạ Tuyệt thông chỉ được giải do chính Tòa Thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại Vạ kia (1 và 4) có thể được giải do Giám Mục Giáo phận hay những linh mục được các Ngài ủy thác. 
Chiếu theo giáo luật tội người giáo dân trên không rơi vào bất cứ điều khoản nào; vì vậy lệnh ra “vạ tuyệt thông” của linh mục quản xứ vừa hà lạm quyền hành vừa bất công, bất nhân, vừa bất hợp pháp. 

3/ Chủ quan, khi dùng những cách không xứng để bảo vệ Chúa 

Đôi khi cũng bằng bạo lực, bạo ngôn và mưu lược bất xứng. Những chủ quan như thế đều không được Chúa Giêsu chấp nhận. 
Linh mục thượng không dùng bạo lực theo kiểu mafia hay bọn đầu gấu nhưng rất thừong dùng bạo ngôn ngay trên tòa giảng, biến tòa giảng thành tỏa chửi, bêu riếu, hạ nhục giáo dân đặc biệt là nhưng giáo xứ vùng sâu vùng xa..Kể cả mưu lược bất xứng như vu khống giáo dân, khép giáo dân vào những tội rất nặng mà linh mục thừa biết là không được phép kết án và ra hình phạt năng nế, bất công như thế, nhưng lại thoải mái làm để thỏa mãi cái tôi khanh tướng lớn hơn cái đình làng của mình. 
Xin được nhắc lại lệnh ra “vạ tuyệt thông” của linh mục quản xứ vừa bất công, bất nhân vừa bất hợp pháp. Đây quả là trường hợp linh mục quản xứ đã dùng những cách không xứng để bảo vệ cộng đoàn, bảo vệ Chúa. 

4/ Chủ quan, khi giới thiệu Chúa một cách sai lầm 

Thiên Chúa là tình yêu mà linh mục quản xứ thích mang hình ảnh hỏa ngục ra để thị uy. Linh mục đã biến Thiên Chúa nhân lành thành một ông quản lý trại giam lạnh lùng khủng khiếp với lửa cháy bừng bừng và hình phạt tàn khốc!!!! 
Đây là một lời hăm dọa điển hình: Dồn con chiên vào chỗ chết!!! 

Từ ngày hôm nay trở đi, tôi và giáo xứ không có trách nhiệm gì đối với các người này, COI NHƯ QUÝ VỊ ĐÃ CHẾT TRONG ĐỨC TIN, CHẾT VỚI CHÚA NHƯNG QUÝ VỊ KHÔNG ĐƯỢC SỐNG LẠI VÀ CHẾT CHO RỒI, đối với những con người này từ nay trở đi, bà con đi lễ không có chỗ ngồi mà lại thấy họ ngồi thì hãy nói rằng: các anh không có quyền gì vào đây mà ngồi, mời các anh ra ngoài kia ngồi, các anh không có chỗ ngồi ở đây đâu, thôi ở nhà tập thể dục, nói chuyện, ngủ cho khỏe, đi đến nhà thờ chật ghế mà thôi. Từ nây không có quyền gì. Rồi à.. khi nào mà THẬP TỬ NHẤT SINH mà chết thì à đi vô hỏa ngục mà xức dầu he. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét