Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

 

For a Synodal Church: Communion, Participation, and Mission

Vì Một Giáo Hội Đồng Nghị: Hiệp Thông, Tham Gia, và Sứ Mạng

(Lê Hải Nam chuyển ngữ)

Ghi chú của tác giả Lê Hải Nam: Tất cả mọi người có thể sử dụng và phổ biến (vì tôi chẳng những cho phép mà còn năn nỉ nữa) trên các phương tiện truyền thông bản dịch này của tôi dưới bất cứ hình thức nào. Nhưng sự liêm chính trong học thuật đòi buộc việc ghi tên dịch giả.

SỔ TAY CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH ĐỒNG NGHỊ

Cuốn Sổ Tay Chính Thức cho việc Lắng Nghe Và Biện Phân tại các Giáo Hội Địa Phương: Giai đoạn thứ nhất [10/2021-4/2022] trong các giáo phận và các Hội Đồng Giám Mục, dẫn đến Hội Nghị Giám Mục tại Thượng Hội Đồng vào 10/2023.

 

Các từ viết tắt

DV                  Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum (18/11/1965)

EC                   Đức Phan-xi-cô, Tông hiến Episcopalis communio (15/9/2018)

FT                   Đức Phan-xi-cô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020)

GS                   Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes (7/12/1965)

ITC, Syno      Ủy ban Thần Học Quốc Tế, Tính Đồng Nghị trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội (2/3/2018)

LG                  Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium (21/11/1964)

PD                   Tài liệu chuẩn bị

RM                 Đức Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris Missio (7/12/1990)

Lời cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng: Adsumus Sancte Spiritus

Mỗi khóa họp của Công Đồng Vatican II bắt đầu bằng kinh nguyện Adsumus Sancte Spiritus, là từ đầu tiên trong nguyên bản tiếng La-tinh, có nghĩa là “Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con đứng trước mặt Ngài,” là lời kinh được dùng trong suốt dòng lịch sử trong các Công Đồng, Thượng Hội Đồng và các hội nghị Giáo Hội khác trong hàng trăm năm, và nó gắn liền với thánh Isidore thành Seville (560-4/4/636). Khi chúng ta ấp ủ Tiến Trình Đồng Nghị này, lời nguyện này kêu mời Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, để chúng ta có thể là một cộng đoàn và một dân tộc của ơn sủng. Với hành trình đồng nghị từ 2021 đến 2023, chúng tôi đề nghị phiên bản đơn giản sau đây,[1] để bất kỳ nhóm hay cộng đoàn phụng vụ nào cũng có thể nguyện kinh này cách dễ dàng hơn.

Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con đứng trước mặt Ngài khi tụ họp nhau nhân danh Ngài.

Chỉ có Ngài dẫn dắt chúng con, xin hãy ngự vào lòng chúng con;

Xin dạy chúng con con đường chúng con phải đi và cách theo đuổi con đường đó.

Chúng con yếu đuối và tội lỗi; xin đừng để chúng con cổ xúy sự hỗn loạn.

Xin đừng để vô minh dẫn chúng con đi con đường sai lạc, hay để tính phe phái ảnh hưởng hành động của chúng con.

Xin cho chúng con tìm thấy nơi Ngài sự hiệp nhất, để chúng con có thể cùng đi đến sự sống đời đời và không lạc xa con đường sự thật và những gì đúng đắn.

Chúng con cầu xin tất cả những điều này nơi Ngài, Đấng hoạt động mọi nơi và mọi lúc, trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con muôn đời. Amen.

Mục Lục

Tài Liệu Sổ Tay Vademecum

1. Dẫn nhập

1.1 Mục đích cuốn sổ tay Vademecum này là gì?

1.2 Tính đồng nghị là gì? Bối cảnh cho Thượng Hội Đồng này

1.3 Mục đích của Thượng Hội Đồng này là gì? Những mục tiêu của Tiến Trình Đồng Nghị

1.4 Chủ đề của Thượng Hội Đồng này: Hướng tới một Giáo Hội Đồng Nghị: Hiệp Thông, Tham Gia, và Sứ Mạng

1.5 Trải nghiệm ở cấp độ địa phương

2. Những nguyên tắc của Tiến Trình Đồng Nghị

2.1 Ai có thể tham gia?

2.2 Một tiến trình thực sự đồng nghị: Lắng nghe, Biện phân và Tham gia

2.3 Những thái độ để tham gia vào Tiến Trình Đồng Nghị

2.4 Tránh xa các cạm bẫy

3. Tiến Trình Thượng Hội Đồng

3.1 Giai đoạn giáo phận

3.2 Vai trò của các Hội Đồng Giám Mục và các Thượng Hội Đồng Giáo Hội Đông Phương

3.3 Giai đoạn hoàn vũ

3.4 Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục

4. Đi con đường đồng nghị trong các giáo phận

4.1 Tóm tắt những gì được dự kiến trong giai đoạn giáo phận

4.2 Vai trò của giám mục trong tiến trình đồng nghị

4.3 Vai trò của linh mục và phó tế trong Tiến Trình Đồng Nghị

4.4 Lộ trình (Những bước đi mẫu cho giai đoạn giáo phận)

4.5 Những thành tố cơ bản của Trải Nghiệm Đồng Nghị

5. Tài nguyên để tổ chức Tiến Trình Đồng Nghị

5.1 Phương pháp luận cho Tiến Trình Đồng Nghị Giáo Phận

5.2 Chiều kích không chính thức của Tiến Trình Đồng Nghị

5.3 Câu hỏi chính cho việc tham vấn

Lời Cảm Tạ

Ghi chú: Cuốn sổ tay này nhằm sử dụng cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Do đó từ “giáo hội địa phương” luôn chỉ một giáo phận, một giáo khu, một giáo hạt tòng nhân, hay bất kỳ một thực thể giáo hội tương đương. Như thế, khi cuốn sổ tay này dùng từ “hội nghị giám mục” thì là tương ứng với tổ chức đồng nghị thích hợp của mỗi giáo hội theo thẩm quyền.

Các Phụ Lục

(A) Những người hay đội ngũ liên lạc của giáo phận

a. Vai trò và trách nhiệm của những người hay đội ngũ liên lạc của giáo phận

b. Phẩm chất của những người liên lạc của giáo phận

(B) Hướng dẫn gợi ý để tổ chức một Hội Nghị Tham Vấn Đồng Nghị

(C) Hội Nghị Tham Vấn Tiền Đồng Nghị

a. Giới thiệu

b. Các mục tiêu

c. Những người tham dự

d. Chương trình nghị sự và hình thức

e. Khả năng tiến hành các hội nghị đồng nghị trực tuyến hay hỗn hợp (hội nghị điện tử)

f. Vai trò cùa giới trẻ trong hội nghị trực tuyến hay hỗn hợp (hội nghị điện tử)

(D) Chuẩn bị bản tổng kết của giáo phận

a. Loại phản hồi hay phản ứng nào được mong đợi trong bản tổng kết của giáo phận? Việc gởi đi những thành quả và sự đa dạng của trải nghiệm đồng nghị

b. Những câu hỏi gợi ý để hướng dẫn bản tổng kết của giáo phận

c. Thực hiện những thành quả của bản tổng kết giáo phận tại Giáo Hội địa phương

NHỮNG TÀI NGUYÊN ĐỂ TỔ CHỨC TIẾN TRÌNH ĐỒNG NGHỊ

I. Các Từ Vựng Chuyên Dùng

II. Thêm Những Câu Hỏi Tham Vấn Để Hướng Dẫn Tiến Trình Đồng Nghị

III. Các Nhóm Đa Dạng Có Liên Quan Trong Tiến Trình Đồng Nghị

IV. Hướng Dẫn Và Gợi Ý Cho Việc Lắng Nghe Trong Tiến Trình Đồng Nghị

V. Tài Nguyên Kinh Thánh

VI. Tài Nguyên Phụng Vụ

VII. Các Đoạn Trích Từ Các Văn Bản Giáo Hội Có Liên Quan

VIII. Ý Nghĩa Của Sự Đồng Thuận Trong Tiến Trình Đồng Nghị

Những Câu Hỏi Người Ta Thường Hỏi Về Thượng Hội Đồng

 

 

1. Dẫn Nhập

1.1 Mục đích cuốn Vademecum này là gì?

Cuốn Vademecum này được thiết kế làm cuốn sổ tay đi kèm theo Tài Liệu Chuẩn Bị để phục vụ hành trình đồng nghị. Hai văn bản này bổ sung cho nhau và phải được đọc sánh đôi với nhau. Đặc biệt cuốn Sổ Tay Vademecum cung cấp hỗ trợ thực tiễn cho những người hay đội ngũ liên lạc giáo phận, được giám mục giáo phận chỉ định, để chuẩn bị và quy tụ Dân Thiên Chúa, để họ có thể lên tiếng về trải nghiệm của họ tại Giáo Hội địa phương. Lời mời gọi toàn cầu này với mọi tín hữu là giai đoạn đầu tiên của Tổng Hội Nghị Thường Kỳ của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, có chủ đề là “Vì một Giáo Hội Đồng Nghị: hiệp thông, tham gia và sứ mạng.”

Khi tạo ra cơ hội lắng nghe và đối thoại ở cấp độ địa phương nhờ Thượng Hội Đồng này, Đức Phan-xi-cô kêu gọi Giáo Hội tái khám phá bản chất đồng nghị sâu xa của giáo hội. Việc tái khám phá cội rễ đồng nghị của Giáo Hội này sẽ cho phép một tiến trình học hỏi lẫn nhau cách khiêm tốn về cách thức Thiên Chúa mời gọi chúng ta tồn tại như là Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba.

Cuốn Sổ Tay này được đưa ra như một hướng dẫn để hỗ trợ nỗ lực của từng giáo hội địa phương, chứ không phải như sách quy định. Những người chịu trách nhiệm tổ chức tiến trình lắng nghe và đối thoại ở cấp độ địa phương được khuyến khích nên tế nhị với văn hóa và bối cảnh của mình, với các tài nguyên và những giới hạn, và nên biện phân cách thức thực hiện giai đoạn đồng nghị giáo phận này, do giám mục giáo phận hướng dẫn. Chúng tôi khuyến khích quý vị lấy những ý tưởng hữu ích từ hướng dẫn này, nhưng cũng hãy lấy hoàn cảnh địa phương của quý vị làm điểm bắt đầu. Có thể tìm thấy những lối đi sáng tạo và mới mẻ để làm việc chung với nhau giữa các giáo xứ và giáo phận, để đưa tiến trình đồng nghị này đến chỗ sinh hoa trái. Không cần phải xem tiến trình đồng nghị này như một gánh nặng quá sức, cạnh tranh với việc chăm sóc mục vụ địa phương. Đúng hơn đó là một cơ hội nuôi dưỡng sự hoán cải mục vụ và đồng nghị của mỗi giáo hội địa phương để trở nên sinh hoa kết trái hơn trong sứ mạng (rao giảng).

Nhiều khu vực đã thiết lập các tiến trình để kết nối với người tín hữu ở cấp độ giáo xứ, phong trào và giáo phận. Chúng tôi biết rằng có một số quốc gia mà giáo hội địa phương đã khởi xướng đối thoại đồng nghị của riêng mình, bao gồm Hội Nghị Giáo Hội ở Mỹ La-tinh và Vùng Ca-ri-bê, Công Nghị Toàn Thể tại nước Úc, và các hành trình đồng nghị tại Đức và Ái-Nhĩ-Lan. Cũng có nhiều thượng hội đồng giáo phận diễn ra trên khắp thế giới, bao gồm nhiều thượng hội đồng hiện đang diễn ra. Những khu vực và giáo phận này được mời gọi phát biểu cách sáng tạo về các tiến trình công nghị diễn ra cùng với các giai đoạn của Thượng Hội Đồng hiện nay trên toàn thể Giáo Hội. Với một số khu vực khác, trải nghiệm Tiến Trình Đồng Nghị này là lĩnh vực mới mẻ chưa từng thám hiểm. Ý định của chúng tôi là những tài nguyên được đưa ra trong tập Sổ tay Vademecum này có thể cung cấp các công cụ hữu ích phục vụ cho mọi người, bằng cách đề nghị những thực hành tốt và hữu ích có thể được thích nghi trên con đường chúng ta cùng đi. Ngoài cuốn sổ tay này, tập Sổ Tay Vademecun bao gồm: a) tài nguyên cầu nguyện, kinh thánh và phụng vụ trực tuyến, cũng như b) các gợi ý và công cụ có phương pháp chi tiết hơn, c) ví dụ từ các thao luyện đồng nghị mới đây, và d) các từ vựng chuyên dùng cho Tiến Trình Đồng Nghị.

Đặc biệt quan trọng là tiến trình lắng nghe này phải diễn ra trong một bối cảnh tôn giáo hỗ trợ cho sự cởi mở trong chia sẻ cũng như lắng nghe. Vì lý do này, chúng tôi khuyến khích các bạn để cho trải nghiệm địa phương của Tiến Trình Đồng Nghị đâm rễ trong suy niệm kinh thánh, phụng vụ và cầu nguyện. Theo cách này, hành trình lắng nghe nhau của chúng ta có thể là một trải nghiệm đích thực của sự biện phân tiếng nói của Thần Khí. Biện phân đích thực chỉ có thể được ở nơi đâu dành thời gian cho suy tư sâu lắng và một tinh thần tin tưởng lẫn nhau, niềm tin chung và một mục đích được chia sẻ.

Tài liệu chuẩn bị nhắc chúng ta về bối cảnh mà Thượng Hội Đồng này diễn ra – một cơn đại dịch toàn cầu, các xung đột địa phương và quốc tế, hậu quả ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, việc di dân, nhiều hình thức khác nhau của bất công, phân biệt chủng tộc, bạo lực, bách hại, và bất bình đẳng gia tăng nơi nhân loại, chỉ là kể tên vài cái. Trong Giáo Hội, bối cảnh cũng được ghi dấu là nỗi khổ đau mà trẻ vị thành niên và người dễ bị tổn thương trải nghiệm do “lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực, và lạm dụng lương tâm mà một số đáng kể các giáo sĩ và tu sĩ gây ra.”[2] Khi nói lên tất cả những điều này, chúng ta thấy mình đang ở vào thời khắc cốt lõi trong đời sống Giáo Hội và thế giới. Đại dịch Covid-19 đã làm bộc phát những bất bình đẳng hiện hữu. Đồng thời cơn khủng hoảng toàn cầu này đã hồi sinh cảm nhận của chúng ta rằng tất cả chúng ta cùng chung một con thuyền, và “vấn đề của một người là vấn đề của tất cả” (Fratelli tutti, 32). Bối cảnh đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai Tiến Trình Đồng Nghị. Đại dịch toàn cầu này tạo ra những thách thức hậu cần thực sự, nhưng cũng cung cấp một cơ hội để cổ vũ việc tái sinh Giáo Hội vào thời điểm then chốt của lịch sử nhân loại, khi mà nhiều giáo hội địa phương đang đối mặt với nhiều nghi vấn khác nhau về con đường phía trước.

Giữa bối cảnh này, tính đồng nghị đại diện cho con đường mà theo đó Giáo Hội có thể đổi mới nhờ tác động của Thần Khí, cùng nhau lắng nghe những gì Thiên Chúa phải nói với Dân của Ngài. Tuy nhiên cuộc hành trình với nhau này không chỉ hiệp nhất chúng ta với nhau cách sâu sắc hơn như Dân Thiên Chúa, mà còn sai chúng ta đi theo đuổi sứ mạng của mình như một chứng nhân ngôn sứ ôm ấp toàn thể gia đình nhân loại, cùng với các giáo phái Ki-tô bạn hữu của chúng ta và các truyền thống niềm tin khác.

1.2 Tính đồng nghị là gì? Bối cảnh cho Thượng Hội Đồng này

Khi triệu tập Thượng Hội Đồng này, Giáo Hoàng Phan-xi-cô mời gọi toàn thể Giáo Hội suy tư về một chủ đề mang tính quyết định cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội: “Đó chính xác là con đường đồng nghị mà Thiên Chúa kỳ vọng nơi Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba.”[3] Đi theo sự thức tỉnh đổi mới của Giáo Hội mà Công Đồng Vatican II đề nghị, cuộc hành trình cùng nhau này vừa là ơn sủng vừa là nhiệm vụ. Bằng việc cùng nhau suy tư về quãng đường đã đi cho đến nay, các thành phần khác nhau của Giáo Hội sẽ có thể học hỏi từ kinh nghiệm và tầm nhìn của nhau, nhờ Thần Khí dẫn dắt (Tài liệu chuẩn bị, 1). Được Lời Chúa soi sáng và hiệp nhất trong cầu nguyện, chúng ta sẽ có thể biện phân các tiến trình để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và theo đuổi những nẻo đường mà Ngài mời gọi chúng ta đi – đến với sự hiệp thông sâu xa hơn, tham gia trọn vẹn hơn, và cởi mở rộng rãi hơn đề hoàn thành sứ mạng của chúng ta trên thế giới. Ủy ban Thần Học Quốc Tế mô tả tính đồng nghị như thế này:

“Synod” là một từ cổ xưa và tôn kính trong Truyền Thống của Giáo Hội, và nghĩa của nó được rút ra từ các chủ đề sâu xa nhất của mạc Khải […] Nó chỉ con đường mà Dân Thiên Chúa cùng nhau bước đi. Cũng thế, nó chỉ Chúa Giê-su, Đấng tự nhận mình “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14:6), và nó cũng chỉ việc các Ki-tô hữu đi theo Ngài ban đầu được gọi là “người đi theo Con Đưởng” (xem Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22).

Trước tiên và trên hết, tính đồng nghị biểu thị cái phong cách đặc thù là phẩm chất của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, diễn đạt bản chất của Giáo Hội là Dân Thiên Chúa hành trình cùng nhau và tụ họp thành cộng đoàn, được Chúa Giê-su triệp tập trong quyền năng của Thần Khí để rao giảng Tin Mừng. Tính đồng nghị nên được biểu lộ trong cách sống và làm việc bình thường của Giáo Hội.

Theo nghĩa này, tính đồng nghị làm cho toàn thể Dân Thiên Chúa có thể cùng nhau bước tới, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, tham gia vào sứ mạng cùa Giáo Hội trong sự hiệp thông mà Đức Ki-tô thiết lập giữa chúng ta. Cuối cùng, con đường đi cùng nhau này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa đang lữ hành và truyền giáo (Tài liệu chuẩn bị, 1).

Toàn thể Dân Thiên Cháu chia sẻ phẩm giá và ơn gọi chung qua bí tích rửa tội. Tất cả chúng ta được kêu gọi nhờ bí tích rửa tội để tham gia tích cực vào đời sống của Giáo Hội. Trong các giáo xứ, các cộng đoàn Ki-tô nhỏ, các phong trào giáo dân, các cộng đoàn tu trì, và những hình thức hiệp thông khác, nam và nữ, giới trẻ và người già, tất cả chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau, để nghe thấy những dấu chỉ của Thần Khí, Đấng đến để dẫn dắt các nỗ lực của con người, thổi sự sống và sinh khí vào Giáo Hội, và dẫn chúng ta đến sự hiệp thông sâu xa hơn cho sứ mạng của chúng ta trên thế giới. Khi Giáo Hội bắt đầu hành trình đồng nghị này, chúng ta phải phấn đấu đặt nền tảng trên trải nghiệm của lắng nghe đích thực và sự biện phân trên con đường trở thành kiểu Giáo Hội mà Chúa kêu gọi chúng ta trở thành.

1.3 Mục đích của Thượng Hội Đồng này là gì? Những mục tiêu của Tiến Trình Đồng Nghị

Giáo Hội thừa nhận rằng tính đồng nghị là là một phần tích hợp trong chính bản chất của Giáo Hội. Việc là một Giáo Hội đồng nghị được biểu lộ trong các công đồng đại kết, Thượng Hội Đồng Giám Mục, Thượng Hội Đồng giáo phận, và các hội đồng giáo xứ và giáo phận. Có nhiều cách thức theo đó chúng ta trải nghiệm các hình thức của “tính đồng nghị” trên khắp Giáo Hội. Nhưng việc là một Giáo Hội đồng nghị không giới hạn vào các thể chế hiện hữu này. Quả thực tính đồng nghị không hẳn là một sự kiện hay một khẩu hiệu cho bằng là một phong cách và một phương cách hiện hữu, theo đó Giáo Hội sống trọn sứ mạng của mình trong thế giới. Sứ mạng của Giáo Hội đòi hỏi toàn thể dân Thiên Chúa cùng đi với nhau, mỗi thành viên đóng vai trò then chốt của mình, hiệp nhất với nhau. Một Giáo Hội đồng nghị bước tới trong sự hiệp thông để theo đuổi một sứ mạng chung nhờ sự tham dự của mỗi và mọi thành viên của giáo hội. Mục tiêu của Tiến Trình Đồng Nghị này không phải là cung cấp một trải nghiệm tạm thời hay một lần của tính đồng nghị, mà là cung cấp một cơ hội cho toàn thể Dân Thiên Chúa cùng nhau biện phân cách để tiến bước tới trên con đường hướng tới việc trở thành một Giáo Hội đồng nghị hơn về lâu dài.

Một trong những hoa trái của Công Đồng Vatican II là việc thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục. Trong khi Thượng Hội Đồng Giám Mục đã diễn ra cho đến nay như việc tụ họp các giám mục với và dưới quyền bính của giáo hoàng, Giáo Hội không ngừng nhận thức rằng tính đồng nghị là con đường cho toàn thể Dân Thiên Chúa. Vì thế Tiến trình Đồng Nghị không còn chỉ là việc tụ họp các giám mục, mà là cuộc hành trình cho mọi tín hữu, trong đó mỗi giáo hội địa phương đóng một vai trò tích hợp. Công Đồng Vatican II tái củng cố cái cảm nhận rằng mọi người đã rửa tội, cả giáo sĩ lẫn giáo dân, đều được kêu gọi để tham gia tích cực vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội (Lumen Gentium, 32-33). Các tín hữu đã nhận lấy Thánh Thần trong bí tích rửa tội và thêm sức, và được ban cho những ơn sủng và đặc sủng khác biệt cho việc đổi mới và xây dựng Giáo Hội, như những chi thể của Thân Thể Đức Ki-tô. Như thế quyền giáo huấn của giáo hoàng và các giám mục nằm trong việc đối thoại với cảm thức đức tin, với tiếng nói sống động của Dân Thiên Chúa (xem Sensus Fidei in the Life of the Church: Cảm Nhận Đức Tin Trong Đời Sống Của Giáo Hội, 74). Con đường đồng nghị tìm cách đưa ra các quyết định mục vụ phản ảnh càng sát càng tốt thánh ý Thiên Chúa, dựa trên tiếng nói sống động của Dân Thiên Chúa (Ủy ban Thần Học Quốc Tế, Tính Đồng Nghị trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội, 68). Lưu ý là việc cộng tác với các nhà thần học – giáo dân, giáo sĩ hay tu sĩ – có thể là một hỗ trợ hữu ích trong việc nói lên tiếng nói của Dân Thiên Chúa, biểu hiện thực tại đức tin trên nền tảng trải nghiệm đã sống.

Trong khi các Thượng Hội Đồng gần đây khảo sát các chủ đề như tân phúc âm hóa, gia đình, giới trẻ, và vùng Amazon, thì Thượng Hội Đồng hiện nay tập trung vào chính đề tài tính đồng nghị.

Tiến Trình Đồng Nghị hiện nay mà chúng ta đang thực hiện được một câu hỏi cơ bản dẫn dắt: Bằng cách nào “chuyến cùng đi với nhau” diễn ra hôm nay trên những cấp độ khác nhau (từ địa phương đến hoàn vũ) cho phép Giáo Hội rao giảng Tin Mừng? Và Thần Khí mời gọi chúng ta có những bước đi nào để phát triển như một Giáo Hội Đồng Nghị? (Tài liệu chuẩn bị, 2)

Dưới ánh sáng này, mục đích của Thượng Hội Động hiện nay là lắng nghe, như toàn thể Dân Thiên Chúa, những gì Thần Khí đang nói với Giáo Hội. Chúng ta làm như thế bằng cách cùng nhau lắng nghe Lời Chúa trong kinh thánh và trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội, và rồi bằng cách lắng nghe nhau, đặc biệt là lắng nghe những người bên lề, biện phân những dấu chỉ thời đại. Thực ra, toàn bộ Tiến Trình Đồng Nghị là nhằm nuôi dưỡng một trải nghiệm đã sống về biện phân, tham gia và đồng trách nhiệm, nơi mà nhiều ơn sủng khác nhau được gom góp lại cho sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới.

Theo nghĩa này, rõ ràng là mục tiêu của Thượng Hội Đồng này không phải là sản sinh thêm các tài liệu. Đúng hơn nó nhằm gợi cảm hứng cho con người ước mơ về kiểu Giáo Hội chúng ta được kêu gọi trở thành, làm cho hy vọng của con người nở hoa, kích thích niềm tin tưởng, băng bó các vết thương, dệt nên các mối quan hệ mới và sâu xa hơn, học hỏi lẫn nhau, xây cầu, soi sáng đầu óc, sưởi ấm con tim, và phục hồi sức mạnh cho đôi tay cho sứ mạng chung của chúng ta (Tài liệu chuẩn bị, 32). Như thế mục đích của Tiến Trình Đồng Nghị này không phải là một loạt các thao luyện bắt đầu và ngừng lại, mà đúng hơn là hành trình phát triển đích thực đến với hiệp thông và sứ mạng mà Thiên Chúa mời gọi Giáo Hội sống thực trong thiên niên kỷ thứ ba.

Chuyến đi cùng nhau này sẽ kêu gọi chúng ta đổi mới tâm thức và cơ cấu giáo hội của chúng ta để sống thực ơn gọi của Thiên Chúa cho Giáo Hội giữa những dấu chỉ thời đại hiện nay. Việc lắng nghe toàn bộ Dân Thiên Chúa sẽ giúp Giáo Hội đưa ra quyết định mục vụ tương hợp càng sát càng tốt với thánh ý Thiên Chúa (Ủy ban Thần Học Quốc Tế, Tính Đồng Nghị trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội, 68). Viễn cảnh cuối cùng định hướng cho con đường đồng nghị này của Giáo Hội là để phục vụ cho cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại (Dei Verbum, 2), và để cùng nhau đi đến nước Thiên Chúa (Lumen Gentium, 9; Thông điệp Redemptoris Missio, 20). Cuối cùng, Tiến Trình Đồng Nghị này tìm cách tiến tới một Giáo Hội phục vụ có kết quả hơn nước trời đang đến.

 

1.4 Chủ đề của Thượng Hội Đồng này: Hướng tới một Giáo Hội Đồng Nghị: Hiệp Thông, Tham Gia, và Sứ Mạng

Trong lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10/2015, đức giáo hoàng Phan-xi-cô tuyên bố rằng “thế giới mà chúng ta đang sống, và chúng ta được kêu gọi yêu thương và phục vụ, ngay cả với những mâu thuẫn của nó, đòi hỏi rằng Giáo Hội củng cố sự hợp tác trong mọi lĩnh vực của sứ mạng của mình.” Lời kêu gọi hợp tác trong sứ mạng của Giáo Hội này được nói với toàn thể Dân Thiên Chúa. Đức giáo hoàng Phan-xi-cô làm rõ điều này khi ngài trực tiếp mời gọi tất cả Dân Thiên Chúa đóng góp vào nỗ lực của Giáo Hội hướng đến việc chữa lành: “mọi người đã được rửa tội phải cảm thấy được tham gia vào sự thay đổi của giáo hội và xã hội mà chúng ta hết sức cần có. Sự thay đổi này đòi hỏi hoán cải cá nhân và cộng đoàn, làm cho chúng ta nhìn sự việc như Chúa nhìn.” Tháng 4/2021, đức giáo hoàng Phan-xi-cô khởi xướng một hành trình đồng nghị của toàn thể dân Thiên Chúa, bắt đầu vào tháng 10/2021 tại mỗi giáo hội địa phương, và đỉnh điểm vào tháng 10/2023 trong Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục.

CÁC TỪ KHÓA CHO TIẾN TRÌNH ĐỒNG NGHỊ

Chủ đề của Thượng Hội Đồng là “Vì một Giáo Hội Đồng Nghị: Hiệp Thông, Tham Gia, và Sứ mạng.” Ba chiều kích của chủ đề là hiệp thông, tham gia, và sứ mạng. Ba chiều kích này có quan hệ với nhau cách sâu xa. Chúng là các trụ cột then chốt của một Giáo Hội Đồng Nghị. Không có thứ bậc giữa chúng. Đúng hơn là mỗi chiều kích làm phong phú và định hướng cho hai chiều kích kia. Có một mối quan hệ năng động giữa ba chiều kích phải được nói lên với cả ba trong tâm trí.

Hiệp Thông. Do thánh ý ân sủng của Ngài, Thiên Chúa quy tụ chúng ta như các dân tộc đa dạng cùng một đức tin, qua giao ước Ngài ban cho dân tộc của Ngài. Sự hiệp thông chúng ta chia sẻ tìm thấy cội rễ sâu xa nhất trong tình yêu và sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Đức Ki-tô hòa giải chúng ta với Chúa Cha và hiệp nhất chúng ta với nhau trong Thánh Thần. Cùng nhau, chúng ta lấy cảm hứng từ việc lắng nghe Lời Chúa, thông qua Truyền Thống sống động của Giáo Hội, và đặt nền tảng trên cảm thức đức tin mà chúng ta chia sẻ. Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc biện phân và sống thực ơn gọi của Thiên Chúa cho Dân của Ngài.

Tham Gia. Một ơn gọi dấn thân của tất cả những ai thuộc về dân Thiên Chúa – giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ – để thực hành việc lắng nghe nhau cách sâu xa và trân trọng. Việc lắng nghe này tạo ra không gian để chúng ta cùng nghe tiếng Thần Khí, và dẫn dắt khát vọng của chúng ta cho một Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba. Tham gia dựa trên thực tại rằng mọi tín hữu đều có tư cách và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau nhờ các ơn sủng mỗi người đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Trong một Giáo Hội đồng nghị, toàn thể cộng đoàn, đa dạng và phóng khoáng về thành viên, được mời gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, biện phân và đưa ra lời khuyên về việc đưa ra những quyết định mục vụ tương hợp càng sát càng tốt với thánh ý của Thiên Chúa (Ủy ban Thần Học Quốc Tế, Tính Đồng Nghị trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội, 67-68). Phải thực hiện các nỗ lực đích thực để bảo đảm việc bao gồm những người bên lể hay những người cảm thấy bị loại trừ.

Sứ Mạng. Giáo Hội tồn tại để rao giảng Tin Mừng. Chúng ta không bao giờ có thể lấy bản thân mình làm trung tâm. Sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại. Tiến trình Đồng Nghị này có một chiều kích truyền giáo sâu xa cho gia đình nhân loại. Tiến trình ấy nhằm làm cho Giáo Hội có thể làm chứng tốt hơn cho Tin Mừng, đặc biệt là với những ai sống ở ngoại vi tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị, địa lý và cuộc sống của thế giới chúng ta. Theo cách này, tính đồng nghị là con đường theo đó Giáo Hội có thể thực hiện một cách sinh hoa trái hơn sứ mạng rao giảng Tin Mừng trên thế giới, như thứ men phục vụ nước Thiên Chúa đang đến.

1.5 Trải nghiệm ở cấp độ địa phương

Giai đoạn đầu tiên của Tiến Trình Đồng Nghị là giai đoạn lắng nghe tại các giáo hội địa phương. Theo sau một cử hành khai mạc tại Rô-ma ngày thứ bày 9/10/2021, giai đoạn giáo phận của Thượng Hội Đồng sẽ bắt đầu vào ngày chúa nhật 17/10/2021. Để trợ giúp giai đoạn khởi xướng của hành trình đồng nghị, Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, hồng y Mario Grech, đã viết thư cho mỗi giám mục vào tháng 5/2021, mời gọi các ngài chỉ định một người hay đội ngũ tiếp xúc để lãnh đạo giai đoạn lắng nghe tại địa phương. Người hay đội ngũ này cũng là liên lạc viên giữa giáo phận và giáo xứ, cũng như giữa giáo phận và hội đồng giám mục. Các giáo hội địa phương được yêu cầu cung cấp phản hồi của mình cho hội đồng giám mục, để có thể tập hợp các ý tưởng trước thời hạn chót là tháng tư 2022. Theo cách này các hội đồng giám mục và thượng hội đồng các giáo hội đông phương có thể đến lượt mình cung cấp tổng hợp cho Thượng Hội Đồng Giám Mục. Chất liệu này sẽ được tổng hợp làm căn bản cho việc viết ra hai tài liệu làm việc (được gọi là Instrumentum Laboris: Công cụ làm việc). Cuối cùng Hội Nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ được tổ chức tại Rô-ma vào tháng 10/2023.

Như đã nói trong Tài Liệu Chuẩn Bị (số 31):

Mục đích của giai đoạn đầu tiên của hành trình đồng nghị là nuôi dưỡng một tiến trình tham vấn rộng rãi để thu thập nhiều trải nghiệm sống tính đồng nghị, trong những phát biểu và diện mạo khác nhau của nó, liên quan đến các mục từ và tín hữu của các giáo hội [địa phương] tại mọi cấp độ khác nhau, bằng những phương tiện thích hợp nhất theo thực tế đặc thù địa phương: việc tham vấn, được giám mục điều phối, được ngỏ lời “với linh mục, phó tế, giáo dân của các giáo hội [địa phương], vừa theo cá nhân vừa theo hội nhóm, mà không bỏ qua sự đóng góp quý báu mà các nam nữ tu sĩ có thể đưa ra” (Episcopalis communion, 7). Sự đóng góp của các thực thể tham gia giáo hội [địa phương] được yêu cầu cách đặc thù, đặc biệt là sự đóng góp của Hội Đồng Linh Mục và Hội Đồng Mục Vụ, để từ đó “một Giáo Hội đồng nghị [có thể thực sự] bắt đầu hình thành.”[4] Cũng có giá trị như thế là sự đóng góp của các thực thể giáo hội khác mà Tài Liệu chuẩn bị [và tập Sổ Tay Vademecum này] sẽ được gởi đến, cũng như đóng góp của những ai muốn gởi trực tiếp phần đóng góp của riêng họ. Cuối cùng, sẽ có tầm quan trọng cơ bản là tiếng nói của người nghèo và người bị loại trừ cũng tìm thấy chỗ đứng, chứ không chỉ là tiếng nói của những ai có vai trò hay trách nhiệm trong các giáo hội [địa phương].

Các dòng tu, phong trào giáo dân, hội đoàn tín hữu, và các nhóm giáo hội khác được khuyến khích tham gia vào Tiến Trình Đồng Nghị trong bối cảnh các giáo hội địa phương. Tuy nhiên, họ và bất kỳ nhóm hay cá nhân nào không có cơ hội tham gia ở cấp độ địa phương cũng có thể đóng góp trực tiếp cho Ban Tổng Thư Ký, như đã nói trong Tông Hiến Episcopalis Communio (mục 6 về việc Tham vấn của Dân Thiên Chúa):

§1. Việc Tham vấn của Dân Thiên Chúa diễn ra tại các giáo hội cụ thể, qua các Thượng Hội Đồng Giám Mục của các Giáo Hội Thượng Phụ và Tổng Giáo Khu Chính, các Hội Đồng Hàng Giáo Phẩm và Hội Nghị Hàng Giáo Phẩm của các giáo hội có thẩm quyền, và qua các Hội Đồng Giám Mục. Trong mỗi giáo hội đặc thù, các giám mục thực hiện việc tham vấn Dân Thiên Chúa bằng cách nhờ đến các thực thể tham gia được luật dự liệu, mà không loại trừ những phương pháp khác mà các ngài cho là thích hợp.

§2. Các Hiệp Đoàn, Hiệp Hội, và các Hội Nghị Dòng Tu Thánh Hiến và Tu Hội Đời Sống Tông Đồ nam và nữ tham khảo các Bề Trên Thượng Cấp, người đến lượt mình có thể tiếp cận các Hội Đồng của họ và các thành viên khác của các Đòng Tu và Tu Hội có liên quan.

§3. Cũng như thế, các Hiệp Hội Giáo Dân được tòa thánh công nhận tham vấn các thành viên của mình.

§4. Các thánh bộ của Giáo Triều Rô-ma đưa ra đóng góp của mình, có tính đến các lĩnh vực chuyên môn đặc thù tương ứng.

§5. Ban Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng có thể nhận diện các hình thức tham vấn khác của Dân Thiên Chúa.

Mỗi giai đoạn lắng nghe sẽ được thích nghi với hoàn cảnh địa phương. Người ở các cộng đoàn xa xôi tiếp cận Internet hạn chế có thể tham gia khác với người ở bối cảnh đô thị. Các cộng đoàn hiện bị đại dịch Covid-19 kiềm chế có thể tổ chức những cơ hội lắng nghe và đối thoại khác biệt so với các cộng đoàn có tỷ lệ hồi phục cao. Dù hoàn cảnh địa phương là gì, Người hay Đội Ngũ Tiếp Xúc của Giáo Phận được khuyến khích phải tập trung vào sự bao quát và tham gia tối đa, mở rộng tiếp xúc với nhiều người nhất có thể được, và đặc biệt là những người ở ngoại vi thường bị loại trừ và quên lãng. Việc khuyến khích tham gia rộng rãi hết sức có thể sẽ giúp bảo đảm rằng các tổng hợp ở cấp độ giáo phận, Hội Đồng Giám Mục, và toàn thể Giáo Hội sẽ nắm bắt được thực tại đích thực và trải nghiệm sống của Dân Thiên Chúa. Bởi vì sự dấn thân của Dân Thiên Chúa là nền tảng, và một nếm thử đầu tiên cái trải nghiệm tính đồng nghị cho nhiều người, điều then chốt là mỗi bài tập lắng nghe ở địa phương phải được dẫn dắt bởi các nguyên tắc hiệp thông, tham gia và sứ mạng, tạo cảm hứng cho con đường đồng nghị này. Việc triển khai Tiến Trình Đồng Nghị ở cấp độ địa phương cũng phải bao gồm:

• Sự biện phân nhờ lắng nghe, để tạo không gian cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

• Tính dễ tiếp cận, để bảo đảm rằng nhiều người hết sức có thể tham gia bất chấp địa điểm, ngôn ngữ, giáo dục, địa vị kinh tế xã hội, có khả năng hay thiểu năng, và tài nguyên nội dung.

• Tính bao gồm, làm mọi nỗ lực để bao gồm những người cảm thấy bị loại trừ hay bên lề.

• Tính đối tác dựa trên khuôn mẫu của một Giáo Hội đồng trách nhiệm.

• Sự tôn trọng các quyền, phẩm giá, và ý kiến của mỗi người tham gia.

• Các tổng hợp chính xác thực sự nắm bắt đủ mọi quan điểm phê phán và tán thưởng của mọi phản hồi, bao gồm cả những cách nhìn được bày tỏ chỉ bởi thiểu số những người tham gia.

• Minh bạch, bảo đảm rằng các tiến trình thư mời, tham gia, bao gồm, và quy tụ của nhập liệu là rõ ràng và được truyền đạt tốt.

• Công bằng, bảo đảm rằng việc tham gia vào tiến trình lắng nghe đối xử với từng người cách bình đẳng, để mọi tiếng nói có thể được nghe cách thích đáng.

Người Liên Lạc Giáo Phận được khuyến khích sử dụng sự phong phú các trải nghiệm sống của Giáo Hội trong bối cảnh địa phương của họ. Trong suốt giai đoạn giáo phận, cũng hữu ích khi ghi nhớ các nguyên tắc của Tiến Trình Đồng Nghị và nhu cầu có một cơ cấu nào đó cho việc trò chuyện, để nó có thể được tổng hợp và thông tin có hiệu quả cho việc viết các tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris). Chúng tôi nhắm đến chú tâm lắng nghe cách Thần Khí nói thông qua Dân Thiên Chúa.

2. Những Nguyên Tắc của Tiến Trình Đồng Nghị

2.1 Ai có thể tham gia?

Chúng ta nhìn toàn bộ các Tin Mừng cách Chúa Giê-su đến với mọi người. Ngài không chỉ cứu độ con người theo từng cá nhân mà còn như một dân tộc mà Ngài quy tụ lại với nhau, như một Chủ Chăn của cả đàn chiên (xem Ga 10:16). Sứ vụ của Chúa Giê-su cho chúng ta thấy rằng không ai bị loại trừ khỏi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Công cuộc rao giảng Tin Mừng và sứ điệp cứu độ không thể hiểu được nếu không có sự luôn cởi mở của Chúa Giê-su với nhiều khán thính giả nhất có thể được. Các Tin Mừng nói đến việc này như là đám đông, bao gồm mọi người đi theo Chúa Giê-su trên đường đi và mọi người Chúa Giê-su kêu gọi đi theo Ngài. Công Đồng Vatican II làm nổi bật lên rằng “tất cả con người được kêu gọi đến với Dân Tộc mới của Thiên Chúa” (Lumen Gentium, 13). Thiên Chúa thực sự hoạt động trong toàn thể dân tộc mà Ngài đã quy tụ với nhau. Đây là lý do tại sao “Toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu, không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi "từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết" đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa” (Lumen Gentium, 12). Công đồng chỉ ra thêm rằng sự biện phân như thế có sức sống nhở Chúa Thánh Thần và tiến hành qua việc đối thoại giữa các dân tộc, đọc những dấu chỉ của thời đại trong sự trunh thành với giáo huấn của Giáo Hội.

Dưới ánh sáng này, mục đích của giai đoạn giáo phận là tham vấn Dân Thiên Chúa để Tiến Trình Đồng Nghị được thực hiện qua việc lắng nghe tất cả những người đã được rửa tội. Bằng việc triệu tập Thượng Hội Đồng này, đức giáo hoàng Phan-xi-cô mời gọi tất cả những người đã rửa tội tham gia vào Tiến Trình Đồng Nghị này, bắt đầu từ cấp giáo phận. Các giáo phận được mời gọi ghi nhớ rằng tất cả chủ thể chính của trải nghiệm đồng nghị này là người đã rửa tội. Cần đặc biệt cẩn thận để bao gồm những người có thể có nguy cơ bị loại trừ: phụ nữ, người tàn tật, người tị nạn, di dân, người già, người sống trong nghèo khổ, người Công giáo nhưng hiếm khi hay không bao giờ thực hành đức tin, vân vân. Cũng cần phải tìm ra những phương cách sáng tạo để bao gồm trẻ em và giới trẻ.

Cùng với nhau, tất cả những ai đã rửa tội là chủ thể của cảm thức đức tin, tiếng nói sống động của Dân Thiên Chúa. Đồng thời, để tham gia trọn vẹn vào hành động biện phân, điều quan trọng cho những người đã rửa tội là nghe thấy tiếng nói của những người khác trong bối cảnh địa phương của mình, kể cả những người đã bỏ việc thực hành đức tin, những người thuộc truyền thống đức tin khác, không có niềm tin tôn giáo, vân vân. Vì như Công Đồng tuyên bố: Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium at Spes, 1).

Vì lý do này, trong khi tất cả những người đã rửa tội được mời gọi cách cụ thể tham gia vào Tiến Trình Đồng Nghị, thì không ai – bất kể hệ phái tôn giáo của họ - nên bị loại trừ khỏi việc chia sẻ quan điểm và trải nghiệm của họ, miễn là họ muốn giúp Giáo Hội trên con đường đồng nghị để tìm kiếm cái gì là tốt đẹp và đích thực. Điều này đặc biệt là đúng với những ai dễ tồn thương hay bên lề xã hội nhất.

2.2 Một tiến trình thực sự đồng nghị: Lắng nghe, biện phân và tham gia

Tiến Trình Đồng Nghị trước tiên và trên hết là một tiến trình tinh thần. Nó không phải là một thao tác thu thập dữ liệu cơ học hay một loạt các cuộc họp và tranh luận. Việc lắng nghe đồng nghị hướng đến sự biện phân. Nó đòi hỏi chúng ta học hỏi và tập luyện nghệ thuật biện phân cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta lắng nghe nhau, nghe truyền thống đức tin, và nghe dấu chỉ thời đại để biện phân những gỉ Chúa đang nói với tất cả chúng ta. Đức giáo hoàng Phan-xi-cô mô tả đặc điểm của hai mục tiêu liên quan với nhau của tiến trình lắng nghe này: “lắng nghe Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Dân của Ngài; lắng nghe Dân của Ngài cho đến khi chúng ta hòa quyện với ý chí mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta.[5]

Kiểu biện phân này không phải chỉ là thao tác có một lần, nhưng cuối cùng là một lối sống, có nền tảng trong Đức Ki-tô, theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, sống vì vinh quang to lớn hơn của Thiên Chúa. Biện phân cộng đoàn giúp xây dựng các cộng đoàn dẻo dai và nở hoa cho sứ mạng của Giáo Hội hôm nay. Biện phân là một ơn sủng từ Thiên Chúa, nhưng nó đòi hỏi sự dấn thân của con người theo những cách đơn giản: cầu nguyện, suy tư, chú ý đến tâm trạng nội tâm của mình, lắng nghe và nói chuyện với nhau một cách đích thực, đầy ý nghĩa và chào đón.

Giáo Hội cho chúng ta nhiều chìa khóa cho sự biện phân tinh thần. Theo nghĩa tinh thần, sự biện phân là nghệ thuật diễn giải theo chiều hướng nào mà khát vọng của trái tim dẫn dắt chúng ta, mà không để bản thân bị quyến rũ bởi cái gì dẫn chúng ta đến nơi không bao giờ chúng ta muốn đi. Sự biện phân bao gồm suy tư và gắn kết cả trái tim và cái đầu trong việc đưa ra quyết định trong cuộc sống cụ thể để tìm kiếm và tìm thấy thánh ý Thiên Chúa.

Nếu lắng nghe là phương pháp của Tiến Trình Đồng Nghị, và biện phân là mục tiêu, thì tham gia là con đường. Nuôi dưỡng sự tham gia dẫn chúng ta ra khỏi chính mình để gắn kết với những người khác có quan điểm khác với chúng ta. Lắng nghe những người có cùng quan điểm như chúng ta thường không sinh hoa trái. Đối thoại bao hàm việc đến với nhau xuyên qua những ý kiến khác biệt. Quả thực Thiên Chúa thường nói qua tiếng nói của những người mà chúng ta có thể dễ dàng loại trừ, ném qua một bên hay giảm giá trị. Chúng ta phải có nỗ lực đặc biệt để lắng nghe những người chúng ta có thể bị cám dỗ mà xem họ là không quan trọng và những người bắt buộc chúng ta xem xét những quan điểm mới có thể thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta.

2.3 Những thái độ để tham gia vào Tiến Trình Đồng Nghị

Vào nhiều dịp khác nhau, Đức Phan-xi-cô đã chia sẻ tầm nhìn về việc thực hành tính đồng nghị cụ thể trông giống như thế nào. Sau đây là những thái độ đặc thù làm cho việc lắng nghe và đối thoại đích thực là có thể được khi chúng ta tham gia Tiến Trình Đồng Nghị.

• Đồng nghị đòi hỏi thời gian để chia sẻ: Chúng ta được mời gọi lên tiếng với lòng can đảm và lương thiện (từ Hy lạp “parrhesia” có nghĩa là “nói hết và nói thẳng”) để tích hợp tự do, chân lý và bác ái. Mọi người có thể phát triển nhờ đối thoại.

• Khiêm tốn khi lắng nghe phải tương ứng với can đảm khi lên tiếng. Mọi người có quyền được nghe, cũng y như mọi người có quyền nói. Đối thoại đồng nghị tùy thuộc vào lòng can đảm khi nói và khi lắng nghe. Đó không phải là dấn thân tranh luận để thuyết phục người khác. Đúng hơn là chào đón những gì người khác nói như một cách theo đó Chúa Thánh Thần có thể lên tiếng vì lợi ích của tất cả (1 Cor 12:7).

• Đối thoại dẫn chúng ta đến sự mới mẻ: Chúng ta thường có thể kháng cự lại những gì Chúa Thánh Thần cố truyền cảm hứng để chúng ta thực hiện. Chúng ta được kêu gọi bỏ đi những thái độ tự mãn và dễ chịu dẫn chúng ta đưa ra quyết định thuần túy trên cơ sở sự việc đã được làm như thế nào trong quá khứ.

• Các thượng hội đồng là thao luyện của giáo hội trong việc biện phân: Biện phân dựa trên xác tín rằng Thiên Chúa hoạt động trên thế giới và chúng ta được kêu gọi lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần gợi ý cho chúng ta.

• Chúng ta là những dấu chỉ cùa một giáo hội lắng nghe và lữ hành: Bằng cách lắng nghe, Giáo hội theo gương của chính Thiên Chúa, Đấng lắng nghe tiếng kêu cứu của con người. Tiến Trình Đồng Nghị cung cấp cho chúng ta cái cơ hội cởi mở bản thân để lắng nghe một cách đích thực, mà không viện đến những câu trả lời có sẵn hay những phán đoán có công thức định trước.

• Hãy bỏ lại phía sau các thiên kiến và khuôn mẫu: Chúng ta có thể nặng trĩu những yếu đuối và tội lỗi. Bước đầu tiên hướng tới việc lắng nghe là giải thoát tâm trí chúng ta khỏi các thiên kiến và khuôn mẫu dẫn dắt chúng ta đi sai đường, đến với vô minh và chia rẽ.

• Hãy vượt qua sự tác hại cùa giáo sĩ trị: Giáo Hội là Thân Thể Đức Ki-tô, đầy những đặc sủng khác nhau, nơi mỗi chi thề đóng một vai trò độc đáo. Tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau và đều chia sẻ một phầm giá ngang bằng giữa Dân thánh của Thiên Chúa. Trong hình ảnh Đức Ki-tô, quyền lực đích thực là phục vụ. Tính đồng nghị đòi hỏi các mục tử chăm chú lắng nghe đàn chiên được phó thác cho họ chăm sóc, cũng như nó kêu gọi người giáo dân bày tỏ quan điểm của họ cách tự do và trung thực. Mọi người lắng nghe nhau vì tình yêu, trong tinh thần hiệp thông và sứ mạng chung của chúng ta. Như thế quyền năng của Chúa Thánh Thần được biểu lộ theo nhiều mặt trong và thông qua toàn thể dân Thiên Chúa.

• Hãy chữa lành con vi-rút tự mãn: Tất cả chúng ta ở trên một con thuyền. Chúng ta cùng nhau hình thành Thân Thể Đức Ki-tô. Khi bỏ qua một bên ảo tưởng tự mãn, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, đi cùng nhau, và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể bắc cầu vượt qua các bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta – tuổi tác, phái tính, giàu có, năng lực, giáo dục, vân vân.

• Vượt qua những ý thức hệ: Chúng ta phải tránh xa cái nguy cơ gán cho các ý tưởng tầm quan trọng lớn hơn so với thực tại của đời sống đức tin mà con người sống một cách cụ thể.

• Nâng cao niềm hy vọng: Việc làm cái đúng và thực không tìm kiếm thu hút sự chú ý hay tạo tiêu đề, mà là nhắm đến việc trung tín với Thiên Chúa và phục vụ Dân của Ngài. Chúng ta được kêu gọi làm đèn soi hy vọng, chứ không phải các tiên tri của diệt vong.

• Các thượng hội đồng là thời khắc để ước mơ và “dành thời gian với tương lai”: Chúng ta được khuyến khích tạo ra một tiến trình địa phương gây cảm hứng cho con người, mà không có ai bị loại trừ để tạo ra một tầm nhìn tương lai đầy niềm vui của Tin Mừng. Những tính khí sau đây sẽ giúp những người tham gia (xem Christus Vivit):

o Một viễn cảnh đổi mới: Phát triển những cách tiếp cận mới, với óc sáng tạo và đôi chút táo bạo.

o Bao dung con người: Một Giáo Hội tham gia và đồng trách nhiệm, có khả năng đánh giá cao sự đa dạng giàu có của mình, ôm ấp tất cả những người chúng ta thường lãng quên hay ngó lơ.

o Một đầu óc cởi mở: Chúng ta hãy tránh xa các nhãn ý thức hệ và xử dụng mọi phương pháp luận đã sinh hoa trái.

o Lắng nghe từng người và mọi người: Bằng cách học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể phản ảnh tốt hơn cái thực tại đa diện tuyệt vời mà Giáo Hội của Đức Ki-tô nhắm đến.

o Hiểu biết việc “đi cùng nhau”: Đi con đường mà Thiên Chúa kêu gọi Giáo Hội đi cho thiên niên kỷ thứ ba.

o Hiểu khái niệm một Giáo Hội đồng trách nhiệm: Đánh giá cao và bao gồm vai trò và ơn gọi độc đáo của mỗi chi thể của Thân Thể Đức Ki-tô, để đổi mới và xây dựng toàn thể Giáo Hội.

o Vươn tay ra qua đối thoại đại kết và liên tôn: Ước mơ cùng nhau và hành trình với nhau thong qua toàn thể gia đình nhân loại.

2.4 Tránh xa các cạm bẫy

Như trong bất cứ hành trình nào, chúng ta cần biết các cạm bẫy có thể có và có thể cản trở tiến bộ của chúng ta trong thời khắc này của tính đồng nghị. Sau đây là nhiều cạm bẫy phải tránh xa để cổ vũ cho sinh khí và việc sinh hoa trái của Tiến Trình Đồng Nghị.

1) Cơn cám dỗ muốn dẫn dắt bản thân thay vì được Chúa dẫn dắt. Tính đồng nghị không phải là thao luyện chiến lược của công ty. Đúng hơn nó là tiến trình thiêng liêng được Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Chúng ta có thể bị cám dỗ để quên rằng chúng ta là người hành hương và tôi tớ trên con đường Thiên Chúa đã đánh dấu cho chúng ta. Những nỗ lực khiêm tốn của chúng ta để tổ chức và phối hợp là phụng sự Thiên Chúa, Đấng dẫn dắt chúng ta trên con đường. Chúng ta là đất sét trên đôi bàn tay của Người Thợ Gốm Thiên Chúa (I-sa-i-a 64:8).

2) Cơn cám dỗ tập trung vào bản thân và những lo toan trước mắt. Tiến Trình Đồng Nghị là một cơ hội để mở lòng, nhìn quanh chúng ta, nhìn sự việc từ những quan điểm khác, và ra đi truyền giáo cho khu vực ngoại vi. Điều này đòi hỏi chúng ta suy nghĩ lâu dài. Nó cũng có nghĩa là mở rộng tầm nhìn đến những chiều kích của toàn thể Giáo Hội và hỏi các câu hỏi như là: Kế hoạch của Thiên Chúa cho Giáo Hội ở đây và bây giờ là gì? Chúng ta có thể thực hiện ước mơ của Thiên Chúa cho Giáo Hội ở cấp độ địa phương như thế nào?

3) Cơn cám dỗ chỉ nhìn thấy “vấn đề.” Những thách thức, khó khăn, và gian khổ đối mặt với thế giới và Giáo Hội của chúng ta là có nhiều. Nhưng việc bám sát các vấn đề ấy sẽ chỉ dẫn chúng ta đến choáng ngợp, nản chí và bi quan. Chúng ta có thể lỡ chuyến bay nếu chúng ta tập trung chỉ vào bóng tối. Thay vì tập trung chỉ vào những gì không suôn sẻ, chúng ta hãy đánh giá cao nơi đâu Thánh Thần sinh ra sức sống và nhìn thấy cách chúng ta để cho Thiên Chúa hoạt động đầy đủ hơn.

4) Cơn cám dỗ tập trung chỉ vào cơ cấu. Tiến Trình Đồng Nghị dĩ nhiên sẽ kêu gọi đổi mới cơ cấu ở những cấp độ khác nhau trong Giáo Hội, để nuôi dưỡng sự hiệp thông sâu xa hơn, tham gia đầy đủ hơn, và sứ mạng sinh hoa trái hơn. Đồng thời trải nghiệm tính đồng nghị không nên tập trung trước tiên và trên hết vào cơ cấu, nhưng vào trải nghiệm đi cùng nhau đến sự biện phân con đường bước tới, được Thánh Thần gây cảm hứng. Sự hoán cải và đổi mới cơ cấu sẽ đến chỉ thông qua sự hoán cải và đổi mới đang diễn ra của tất cả các chi thể của Thân Thể Đức Ki-tô.

5) Cơn cám dỗ không không nhìn xa hơn những giới hạn hữu hình của Giáo Hội. Khi biểu lộ Tin Mừng trong đời sống của chúng ta, giáo dân nam nữ tác động như men trong thế giới mà chúng ta sống và làm việc. Tiến Trình Đồng Nghị là thời khắc đối thoại với con người từ những thế giới kính tế và khoa học, chính trị và văn hóa, nghệ thuật và thể thao, truyền thông và sáng kiến xã hội. Đó sẽ là thời khắc để suy tư về sinh thái và hòa bình, vấn đề cuộc sống và việc di dân. Chúng ta phải giữ một bức tranh lớn hơn trong tầm nhìn để thực hiện sứ mạng của chúng ta trong thế giới. Đó cũng là cơ hội để đào sâu hành trình đại kết với các hệ phái Ki-tô khác và để đào sâu hiểu biết của chúng ta với các truyền thống tôn giáo khác.

6) Cơn cám dỗ đánh mất tiêu điểm của các mục đích của Tiến Trình Đồng Nghị. Khi chúng ta tiến bước trên hành trình Thượng Hội Đồng, chúng ta cần phải cẩn thận rằng mặc dù những thảo luận của chúng ta có thể rộng mở, Tiến Trình Đồng Nghị duy trì mục tiêu biện phân việc Thiên Chúa mời gọi chúng ta bước tới cùng nhau như thế nào. Không một Tiến Trình Đồng Nghị nào sẽ giải quyết mọi âu lo và vấn đề của chúng ta. Tính đồng nghị là một thái độ và một tiếp cận việc tiến lên một cách đồng trách nhiệm, mở ra với việc chào đón hoa trái của Thiên Chúa cùng với nhau theo thời gian.

7) Cơn cám dỗ xung đột và chia rẽ. “Xin cho tất cả chúng nên một” (Ga 17:21). Đây là lời cầu nguyện nồng cháy của Chúa Giê-su với Chúa Cha, cầu xin sự hiệp nhất cho các môn đệ của Ngài. Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta sâu hơn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Hạt giống chia rẽ không sinh hoa trái. Thật vô ích khi cố áp đặt tư tưởng của mình lên tất cả Thân Thể Đức Ki-tô thông qua áp lực hay làm mất uy tín (bôi xấu) những ai cảm nhận một cách khác biệt.

8) Cơn cám dỗ đối xử với Thượng Hội Đồng như một kiểu nghị viện. Cơn cám dỗ này làm lu mờ tính đồng nghị bằng một “trận chiến chính trị” mà trong đó, để quản trị thì một bên phải đánh bại phía bên kia. Nó trái nghịch với tinh thần đồng nghị khi biến người khác thành đối thủ hay khuyến khích những xung đột chia rẽ đe dọa sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo Hội.

9) Cơn cám dỗ lắng nghe chỉ những ai đã tham dự vào các hoạt động của Giáo Hội. Lối tiếp cận này có thể dễ dàng quản lý hơn, nhưng cuối cùng nó bỏ qua một tỷ lệ đáng kể của Dân Thiên Chúa.

3. Tiến Trình Thượng Hội Đồng

XVI Ordinary General Assembly of the Synod of Bishops: Tổng Hội Nghị Thường Lệ lần thứ XVI của Thượng Hội Đồng các Giám Mục

General Secretariat: Ban Tổng Thư Ký;

Preparatory Document: Tài Liệu Chuẩn Bị;

Local churches and other ecclesial bodies (*1): các giáo hội địa phương và các thực thể giáo hội khác;

Synthesis on the part of the Synods of Oriental Churches and Episcopal Conferences: Tổng hợp về phía Thượng Hội Đồng các Giáo Hội Đông Phương và Hội Đồng Giám Mục;

General Secretariat Instrumentum Laboris 1: Tài Liệu Làm Việc 1 của Ban Tổng Thư Ký;

Pre-synodal "Meetings of the International Meetings of Episcopal Conferences and similar bodies" (*2): Các Cuộc Họp Tiền Thượng Hội Đồng của các Hội Nghị Quốc Tế của các Hội Đồng Giám Mục và các thực thể tương tự;

Seven Final Documents from the Assemblies: Bảy Tài Liệu Đúc Kết từ các Hội Nghị ấy;

General Secretariat Instrumentum Laboris 2: Tài Liệu Làm Việc 2 của Ban Tổng Thư Ký;

Synod of Bishops: Thượng Hội Đồng

 

9/2021 → Preparatory Document + Vademecum

9/10 & 17/10/2021 → Celebration of the Opening (Rome + dioceses) Diocesan synodal phase

4/2022 → Synthesis

9/2022 → Instrumentum Laboris 1

Before 3/2023 → Continental / Regional Ecclésial Assemblies

3/2023 → Final Documents

6/2023 → Instrumentum Laboris 2

10/2023 → Rome - Final Document

 

 

Hình 1: Biểu đồ thông tin này hiển thị dòng chảy tổng quát của Tiến Trình Đồng Nghị. Ban Tổng Thư Ký xuất bản Tài Liệu Chuẩn Bị và Sổ tay Vademecum như các công cụ để các Giáo Hội địa phương thực hiện giai đoạn giáo phận của Thượng Hội Đồng. Hoa trái của giai đoạn giáo phận này sẽ được thu thập thành một tổng hợp cho mỗi Giáo Hội địa phương. Sau đó một bản tổng hợp sẽ được các Hội Đồng Giám Mục và Thượng Hội Đồng các Giáo Hội Đông Phương trình bày quy củ, trên cơ sở các tổng hợp nhận được từ các Giáo Hội địa phương. Các thực thể giáo hội khác cũng sẽ nhận được Sổ Tay Vademecum này và bảng câu hỏi (xem phần 5) để tham gia vào việc tham vấn và có thể soạn thào bản tổng hợp của riêng mình. Các thực thể này bao gồm các Thánh Bộ của Giáo Triều Rô-ma, Hiệp Hội Bề Trên Tổng Quyền (USG) và Hiệp Hội Quốc Tế Bề Trên Tổng Quyền (UISG), các Hiệp Hội và Liên Hiệp Đời Sống Thánh Hiến khác, các phong trào giáo dân quốc tế, các đại Học, và Phân Khoa Thần Học. Ban Tổng Thư Ký sẽ trình bày quy củ phiên bản đầu tiên của Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris), dựa trên các bản tổng hợp nhận được từ các hội đồng giám mục, thượng hội đồng các Giáo Hội Đông Phương và các thực thể giáo hội khác được Tông Hiến Episcopalis Communio nhắc đến. Tài Liệu Làm Việc thứ nhất này sau đó sẽ được thảo luận tại các hội nghị châu lục (xem Phần 3.3 bên dưới). Dựa trên các tài liệu được soạn thảo ở cấp độ châu lục, một phiên bản thứ hai của Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris) sẽ được tinh chỉnh để sử dụng cho Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10/2023 (Ban Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục).

3.1 Giai Đoạn Giáo Phận

Nhiều sự phong phú của giai đoạn lắng nghe này sẽ đến từ các thảo luận giữa các giáo xứ, phong trào giáo dân, trường học và đại học, dòng tu, các cộng đoàn Ki-tô lân cận, các phong trào hành động xã hội, đại kết và liên tôn, và các nhóm khác. Các giám mục khởi xướng tiến trình, do đó có khả năng là việc tham gia ở cấp độ giáo phận sẽ được điều phối thông qua các kênh giao tiếp thường xuyên của giám mục giáo phận. Các giáo xứ có Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, và các giáo phận có Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận, có thể sử dụng các thực thể “đồng nghị” hiện có này để tổ chức, tạo thuận lợi, và đem sức sống cho Tiến Trình Đồng Nghị ở cấp độ địa phương, miễn là những nỗ lực này được thực hiện để vươn tới vùng ngoại vi và đến những tiếng nói ít khi được nghe thấy. Mục đích không phải là làm cho giáo phận và giáo xứ quá tải, mà đúng hơn là tích hợp Tiến Trình Đồng Nghị vào đời sống của Giáo Hội địa phương theo những cách sáng tạo, cổ vũ sự hiệp thông sâu xa hơn, tham gia đầy đủ hơn, và một sứ mạng sinh hoa trái hơn.

Trong giai đoạn lắng nghe này, chúng tôi khuyến khích người ta tụ họp lại, cùng nhau phản hồi các câu hỏi / hình ảnh / kịch bản kích thích, lắng nghe nhau, và cung cấp phản hồi theo cá nhân hay theo nhóm, cung cấp ý tưởng, phản ứng, và gợi ý. Tuy nhiên nếu hoàn cảnh (như hạn chế do đại dịch hay khoảng cách vật lý) làm cho tương tác mặt đối mặt khó khăn, thì có thể sử dụng các nhóm thảo luận trực tuyến vừa phải, các hoạt động trực tuyến tự hướng dẫn, các nhóm trò chuyện, cuộc gọi điện thoại, và nhiều hình thức giao tiếp xã hội đa dạng, cũng như các bảng câu hỏi trực tuyến và trên giấy. Các nội dung cầu nguyện, suy tư kinh thánh, và thánh nhạc, cũng như các tác phẩm nghệ thuật, thi ca, và vân vân, cũng có thể được sử dụng để kích thích suy tư và đối thoại.

Giai đoạn giáo phận này là cơ hội cho các giáo xứ và giáo phận gặp gỡ, trải nghiệm, và sống trọn hành trình đồng nghị với nhau, nhờ thế khám phá hay phát triển các công cụ và con đường đồng nghị thích hợp nhất cho bối cảnh địa phương của mình. Những công cụ và con đường ấy sẽ cuối cùng trở thành phong cách mới của Giáo Hội địa phương trên con đường đồng nghị.

Như thế Thượng Hội Đồng này không những mong đợi những phản hồi có thể giúp Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ được tổ chức tại Rô-ma trong tháng 10/2023, mà còn mong muốn cổ vũ và phát triển việc thực hành và trải nghiệm đồng nghị trong tiến trình ấy và trong tương lai tiến lên phía trước. Có những tài nguyên rất tốt sẵn có từ các Giáo Hội địa phương đã bắt đầu cuộc hành trình này, như là Hướng Dẫn Có Phương Pháp Cho Hội Nghị Giáo Hội Của Hội Đồng Giám Mục Mỹ La Tinh và Hội Đồng Toàn Úc Châu và các tài liệu chính của nó. Chúng tôi khuyến khích quý vị tham khảo những tài nguyên này để trợ giúp và truyền cảm hứng cho công việc tại Giáo Hội địa phương của quý vị.

3.2 Vai Trò của các Hội Đồng Giám Mục và các Thượng Hội Đồng Giáo Hội Đông Phương

Một khi giai đoạn giáo phận đạt đỉnh điểm với Tiền Thượng Hội Đồng Giáo Phận và bản tổng hợp giáo phận, các Hội Đồng Giám Mục và Thượng Hội Đồng các Giáo Hội Đông Phương sẽ biên soạn phần nhập liệu và phản hồi nhận được từ các giáo phận và giáo khu để trình bày quy củ các bản tổng hợp nắm bắt thích đáng những đóng góp của người tham gia ở cấp độ địa phương. Các Hội Đồng Giám Mục và Thượng Hội Đồng các Giáo Hội Đông Phương được kêu gọi biện phân và tập hợp bản tổng hợp rộng lớn hơn này thông qua một Hội Nghị Tiền Thượng Hội Đồng của chính họ.

Sau đó các bản tổng hợp này sẽ dùng làm cơ sở cho phiên bản thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc Instrumentum Laboris, sẽ được Ban Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục xuất bản.

3.3 Giai Đoạn Hoàn Vũ

Tài Liệu Làm Việc Instrumentum Laboris sơ khởi này sẽ là “tài liệu làm việc” cho 7 hội nghị châu lục: Châu Phi (SECAM); Châu đại Dương (FCBCO); Châu Á (FABC); Trung Đông (CPCO); Mỹ la Tinh (CELAM): Châu Âu (CCEF); và bắc Mỹ (USCCB và CCCB).

Bảy hội nghị quốc tế này đến lượt mình sẽ cho ra 7 Tài Liệu Đúc Kết, sẽ dùng làm cơ sở cho Tài Liệu Làm Việc Instrumentum Laboris thứ hai, sẽ được sử dụng tại Hội Nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10/2023.

3.4 Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục

Các giám mục và kiểm toán viên sẽ tụ họp với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Hội Nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Rô-ma vào tháng 10/2023 để phát biểu và lắng nghe nhau trên nền tảng của Tiến trình Đồng Nghị đã bắt đầu ở cấp độ địa phương. Mục đích của Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là làm lu mờ các giai đoạn giáo phận, Hội Đồng Giám Mục / Thượng Hội Đồng các Giáo Hội ĐôngPhương và châu lục, mà là biện phân ở cấp độ hoàn vũ tiếng nói của Chúa Thánh Thần, đã nói trong toàn thể Giáo Hội.

Bởi vì Thượng Hội Đồng này nhắm đến cổ vũ một lối sống mới phát xuất từ hiệp thông, tham gia và sứ mạng của Giáo Hội, giai đoạn thực hiện sẽ là then chốt cho việc bước đi cùng nhau trên con đường đồng nghị. Việc thực hiện này nhằm vươn tới mọi Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới, để cho Tiến Trình Đồng Nghị có điểm xuất phát và điểm đến là toàn thể dân Thiên Chúa (Tông Hiến Episcopalis communion, 7). Người Liên Lạc Giáo Phận và những con người và thực thể khác tham gia vào tiến trình giáo phận có thể hữu ích về mặt này, kể cả Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận, Hội Đồng Linh Mục, và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ.

Hy vọng là trải nghiệm của Tiến Trình Đồng Nghị sẽ đem lại một mùa xuân mới cho việc lắng nghe, biện phân, đối thoại, và ra quyết định, để cho toàn thể dân Thiên Chúa có thể cùng đi tốt hơn với nhau và với toàn thể gia đình nhân loại, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

4. Đi Con Đường Đồng Nghị Trong Các Giáo Phận

4.1 Tóm tắt những gì được dự kiến trong giai đoạn giáo phận

Giai đoạn đầu tiên này của Tiến Trình Đồng Nghị cung cấp nền tảng cho mọi giai đoạn khác theo sau. Hơn chỉ là trả lời một bảng câu hỏi, giai đoạn giáo phận nhằm đưa cho càng nhiều người càng tốt một trải nghiệm đồng nghị thực sự của việc lắng nghe nhau và bước tới cùng nhau, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Thần Khí Chúa, Đấng soi chiếu và đem lại sức sống cho hành trình cùng nhau này, là chính Thần Khí hoạt động trong sứ mạng mà Chúa Giê-su giao phó cho các tông đồ. Chúa Thánh Thần hoạt động qua mọi thế hệ các môn đệ nghe Lời Chúa và dem ra thực hành. Thần Khí được Đức Ki-tô sai đến không những xác nhận tính liên tục của Tin Mừng của Chúa Giê-su, mà còn soi sáng những chiều sâu luôn mới mẻ của Lời Chúa và truyền cảm hứng cho những quyết định cần thiết để nâng đỡ hành trình của Giáo Hội và củng cố cho sứ mạng của Giáo Hội (xem Ga 14:25-26; 15:26-27; 16:12-15) (Tài Liệu Chuẩn Bị, 16).

Tài Liệu Chuẩn Bị khái quát hai “hình ảnh” từ Kinh Thánh để truyền cảm hứng cho hành trình xây dựng một Giáo Hội đồng nghị của chúng ta. Hình ảnh đầu tiên phát xuất từ “khung cảnh cộng đoàn” luôn đi kèm theo hành trình rao giảng Tin Mừng, kể từ sứ vụ rao giảng của Chúa Giê-su: mọi người tìm thấy chỗ của mình – đám đông, các tông đồ và Chúa (Tài Liệu Chuẩn Bị, 17-21). Hình ảnh thứ hai nói đến trải nghiệm Thần Khí, trong đó Phê-rô và cộng đoàn sơ khai công nhận mối nguy cơ đặt những giới hạn không chính đáng lên việc chia sẻ đức tin (Tài Liệu Chuẩn Bị, 22-24). Chúng tôi khuyến khích quý vị suy tư về hai hình ảnh này như là nguồn nuôi dưỡng và truyền cảm hứng trong Tiến Trình Đồng Nghị.

Tin Mừng làm chứng cho việc Chúa Giê-su luôn vươn ra tiếp cận những người bị loại trừ, bên lề và bị quên lãng. Một nét chung trong suốt sứ vụ của Chúa Giê-su là đức tin luôn phát sinh khi người ta được có giá trị: lời thỉnh cầu của họ được nghe thấy, họ được giúp đỡ trong khó khăn, sự hiện diện của họ được đánh giá cao, phẩm giá của họ được cái nhìn của Thiên Chúa xác nhận và và được phục hồi bên trong cộng đoàn. Như Phê-rô được trải nghiệm của ông với Cornelius biến đổi, chúng ta cũng phải để cho bản thân mình được biến đổi bởi cái mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với. Qua Tiến Trình Đồng Nghị, Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta trên con đường hoán cải phổ biến nhờ những gì chúng ta trải nghiệm với người khác. Thiên Chúa đến với chúng ta thông qua người khác và Ngài đến với người khác thông qua chúng ta, thường là theo những cách gây kinh ngạc.

Để điều này xảy ra, cần phải có những nỗ lực quan trọng để cho phép số người tham gia lớn nhất có thể, một cách có ý nghĩa. Đây là trách nhiệm đầu tiên của Người Liên Lạc Giáo Phận, được chỉ định để hướng dẫn và đem lại sức sống cho giai đoạn giáo phận của Tiến Trình Đồng Nghị. Đầu vào (chỉ người tham gia) giả tạo hay theo kịch bản, mà không đại diện chính xác và phong phú cho trải nghiệm của con người, sẽ không hữu ích và không biều hiện tầm mức đầy đủ và sự đa dạng của các trải nghiệm.

Theo nghĩa này giai đoạn giáo phận phải bắt đầu bằng việc tìm thấy những cách hiệu quả nhất để đạt được sự tham dự rộng rãi nhất. Chúng ta phải đến với từng cá nhân ở ngoại vi, với những người đã rời bỏ Giáo Hội, những người ít khi hay không bao giờ thực hành đức tin, những người trải nghiệm khó nghèo, bên lể, tị nạn, bị loại trừ, không có tiếng nói, vân vân.

Trung tâm của trải nghiệm đồng nghị là lắng nghe Chúa qua việc lắng nghe nhau, được Lời Chúa truyền cảm hứng. Chúng ta lắng nghe nhau để nghe được tốt hơn tiếng Chúa Thánh Thần nói trong thế giới chúng ta ngày nay. Điều này có thể diễn ra trong một cuộc tụ họp, nhưng chúng tôi mạnh mẽ khuyên rằng có nhiều cuộc tụ họp diễn ra để cho phép có một bầu khí tương tác hơn của chia sẻ khi người ta biết nhau, tin tưởng nhau, và cảm thấy họ có thể nói thoải mái hơn khiến cho nó là một trải nghiệm đồng nghị của việc đi cùng nhau. Ngoài những khía cạnh chính thức của việc nói và lắng nghe nhau, điều quan trọng là các buổi tụ họp cũng phải có những lúc thân mật. Cuộc hành hương, hoạt động nhóm, biểu hiện nghệ thuật, và ngay cả cà phê giải lao, có thể giúp nuôi dưỡng một cảm thức cộng đoàn thông qua trải nghiệm chia sẻ cuộc sống với nhau.

Các cuộc họp này diễn ra như thế nào sẽ tùy thuộc hoàn cảnh địa phương của bạn. Nhiều giáo xứ có thể liên kết với nhau, cũng như các sứ vụ như chăm sóc mục vụ hay giáo dục Công giáo, cộng đoàn tu trì, phong trào giáo dân, và nhóm đại kết.

Những câu hỏi kích hoạt được đề nghị trong Bảng Câu Hỏi bên dưới (Phần 5) để khởi xướng và tạo thuận lợi cho cái trải nghiệm chia sẻ và lắng nghe này. Mục đích không phải là trả lời mọi câu hỏi, mà là chọn lựa những câu hỏi nào quan trọng nhất cho bối cảnh địa phương của bạn. Bạn cũng có thể hỏi những câu hỏi khác, và chúng tôi khuyến khích bạn hỏi thêm. Như một hướng dẫn chung, hãy nhấn mạnh hơn vào các loại câu hỏi gợi lên những câu chuyện cá nhân và trải nghiệm sống thực hơn là những phát biểu “giáo thuyết.” Xem ví dụ ở Phần 5.

Những phản hồi nhận được trong suốt tiến trình lắng nghe phải được gom lại trong một “tổng hợp.” Như được giải thích trong Bản Lộ Trình bên dưới (Phần 4.4), phải viết một bản tổng hợp bất cứ khi nào có một cuộc tụ họp trong giáo phận để trả lời những câu hỏi được khái quát trong Sổ tay Vademecum này (Phần 5). Đồng thời sẽ viết một bản tổng hợp cho mỗi giáo phận, và cuối cùng cho Hội Đồng Giám Mục. Mục đích của các bản tổng hợp này, ở bất kỳ cấp độ nào, không phải là sản sinh ra một tóm lược biệt loại của tất cả những gì được nói hay thực hiện một bài tập học thuật. Đúng hơn bản tổng hợp là hành vi biện phân trong việc chọn và viết những gì sẽ đóng góp cho giai đoạn kế tiếp của Tiến Trình Đồng Nghị, bằng việc gởi tới giáo phận (trong trường hợp tham vấn bên trong giáo phận) và cuối cùng là Hội Đồng Giám Mục (trong trường hợp bản tổng hợp được giáo phận viết). Theo nghĩa này, bản tổng hợp không những báo cáo các xu hướng phổ biến và những điểm hội tụ, mà còn nêu bật lên những điểm quen thuộc, truyền cảm hứng cho một quan điểm độc đáo, hay mở ra một chân trời mới. Bản tổng hợp phải chú trọng đến tiếng nói của những người thường không được ai nghe tiếng và tích hợp cái mà chúng ta có thể gọi là “báo cáo thiểu số.” Phản hồi không những phải nhấn mạnh những trải nghiệm tích cực mà còn đưa ra ánh sáng những trải nghiệm tiêu cực và gây thách đố, để phản ảnh thực tại những gì được lắng nghe. Vài điều của trải nghiệm của tụ họp địa phương phải được chuyển tải trong phản hồi: thái độ của người tham gia, và niềm vui và thách thức của việc cùng nhau tham gia biện phân.

Phản hồi nhận được từ các tụ họp địa phương này sau đó sẽ được biên soạn thành một tổng hợp tổng thể ở cấp độ giáo phận. Bản tổng hợp mà mỗi giáo phận sẽ trau chuốt cuối công việc lắng nghe và biện phân này sẽ tạo nên đóng góp cụ thể của giáo phận cho hành trình của toàn thể Dân Chúa. Nó cũng có thể dùng làm một tài liệu hữu ích để nhận diện các bước kế tiếp trong hành trình của Giáo Hội địa phương trên con đường đồng nghị. Để thuận tiện cho các giai đoạn theo sau của Tiến Trình Đồng Nghị, điều quan trọng là cô đọng hoa trái của cầu nguyện và suy tư vào tối đa 10 trang giấy. Các bản văn khác có thể được đính kèm vào bản tổng hợp giáo phận để hỗ trợ hay đi kèm nội dung bản tổng hợp.

Bản tổng hợp của mỗi giáo phận hay giáo khu sau đó sẽ được gởi cho các Hội Đồng Giám Mục và Thượng Hội Đồng các Giáo Hội Đông Phương. Đến lượt mình các thực thể này sẽ dự thảo bản tổng hợp của riêng mình với cùng tinh thần biện phân như mô tả ở trên, trên cơ sở các bản tổng hợp của giáo phận / giáo khu mà các ngài nhận được. Hội Đồng Giám Mục và Thượng Hội Đồng các Giáo Hội Đông Phương sau đó sẽ nộp bản tổng hợp này mà họ tập hợp cho Ban Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, và ban này sẽ soạn thảo phiên bản thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris) trên cơ sở những gì được chia sẻ và trải nghiệm ở cấp độ địa phương.

 

4.2 Vai trò của giám mục trong tiến trình đồng nghị

Tính đồng nghị không hiện hữu nếu không có quyền bính mục vụ của Giám Mục Đoàn, dưới vai trò thủ lãnh của Đấng Kế Vị Phê-rô, cũng như quyền bính mục vụ của mỗi giám mục giáo phận trong giáo phận giao phó cho ngài chăm sóc. Sứ vụ của các giám mục là mục tử, thầy và tư tế của thờ phượng thánh. Đặc sủng biện phân của các ngài kêu gọi các ngài là người bảo vệ, diễn giải và chứng nhân cho đức tin của Giáo Hội. Trong và từ các Giáo Hội địa phương tồn tại một Giáo Hội Công Giáo duy nhất (Lumen Gentium, 23). Sự viên mãn của Tiến Trình Đồng Nghị chỉ có thể thực sự tồn tại với sự tham gia của các Giáo Hội địa phương, đòi hỏi sự tham gia cá nhân của Giám Mục giáo phận. “Nhờ tính công giáo này, mỗi phần tử đóng góp tài năng của riêng mình cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội, để tất cả và mỗi phần tử được củng cố bởi việc chia sẻ chung mọi sự và bởi nỗ lực chung để đạt được sự viên mãn trong hiệp nhất” (Lumen Gentium, 13). Sự đa dạng của các Giáo Hội Địa Phương và bối cảnh và văn hóa của họ đem đến những tài năng khác nhau cho toàn thể, làm phong phú Thân Thể Đức Ki-tô. Đây là chìa khóa cho việc hiểu con đường đồng nghị của Giáo Hội.

Do đó vai trò thủ lãnh của Giám Mục giáo phận trong Tiến Trình Đồng Nghị này là tạo thuận lợi cho trải nghiệm đồng nghị của Dân Chúa trên hành trình hướng tới một Giáo Hội Đồng Nghị hơn. Giám Mục giáo phận giữ chìa khóa chính trong việc lắng nghe Dân Chúa trong Giáo hội giáo phận. Dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, vị giám mục có thể biện phân những tiến trình sinh hoa trái nhất cho việc lắng nghe Dân Chúa trong giáo phận của ngài, theo con đường đồng nghị mà toàn thể Giáo Hội thực hiện. Để giúp giám mục giáo phận trong nhiệm vụ này, ngài phải chỉ định Người hay Đội Ngũ Liên Lạc Giáo Phận. Cùng với nhau, họ có thể biện phân bằng việc cầu nguyện. Vị Giám Mục được khuyến khích đóng vai trò tích cực trong giai đoạn giáo phận của Tiến Trình Đồng Nghị này. Việc ngài tham gia phải nuôi dưỡng đối thoại cởi mở giữa sự đa dạng của Dân Thiên Chúa.

Vị giám mục có thể tìm kiếm phản hồi và tham gia bất cứ đâu hữu ích trong tiến trình tổ chức. Ngài được mời gọi giao tiếp với các thực thể, tổ chức và cơ cấu tương ứng trong giáo phận, bao gồm Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận, Hội Đồng Linh Mục, giáo xứ, cộng đoàn tu, phong trào giáo dân, nhiều sứ vụ mục vụ khác (như trường học và bệnh viện), và các ủy ban giáo phận, để khuyến khích sự tham gia của họ vào Tiến Trình Đồng Nghị và yêu cầu họ giúp đỡ khi thích hợp. Dưới thẩm quyền của giám mục, Người Liên Lạc Giáo Phận có thể giao tiếp trực tiếp với các điều phối viên tại các giáo xứ và các cộng đoàn địa phương khác để chuẩn bị và tạo thuận lợi cho tiến trình tham vấn.

Đồng thời vị Giám Mục có thể bảo đảm rằng những tài nguyên thích hợp được dành riêng, bao gồm tài nguyên nhân sự, kỹ thuật, hậu cần và tài chính. Giám mục cũng có vai trò trong việc khuyến khích sự tham dự của các nhóm và cá nhân khác nhau, để cho Tiến Trình Đồng Nghị có thể là một nỗ lực hợp tác thực sự, dựa trên sự tham gia rộng rãi của tín hữu và đạt đến sự đa dạng trọn vẹn của Dân Chúa: linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, và giáo dân. Các cơ cấu giáo phận đã nhắm đến hành xử tính đồng nghị rồi có thể là một hỗ trợ sống còn về mặt này, đặc biệt là Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận, Hội Đồng Linh Mục và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ.

Một bức thư cá nhân hay thậm chí là một video có thể được tạo ra, trong đó Giám Mục mời gọi và khuyến khích mọi người trong giáo phận tham gia vào tiến trình lắng nghe, đối thoại, và tham vấn. Cũng được khuyến nghị rằng giai đoạn giáo phận mở đầu và kết thúc bằng một cử hành phụng vụ mà Giám Mục có thể chủ sự.

Trong tiến trình tham vấn, vai trò quan trọng của giám mục là lắng nghe. Mặc dù việc tham gia cá nhân của giám mục giáo phận trong tiến trình lắng nghe có thể có nhiều hình thức khác nhau, ngài được khuyến khích tham dự và chăm chú lắng nghe tiếng nói của các tín hữu. Ngoài việc tham dự các buổi lắng nghe địa phương trên khắp giáo phận, vị giám mục có thể triệu tập những buổi họp nhóm nhỏ vì việc này của riêng mình nếu ngài muốn làm như thế, mời đến các đại diện từ một khu vực của giáo phận, đặc biệt là những người ở ngoại vi. Thêm vào đó, ngài cũng có thể lắng nghe bằng cách xem lại các phản hồi thu được từ các tham vấn, biện phân những gì Chúa Thánh Thần nói qua những người được giao cho ngài chăm sóc. Trên căn bản thường xuyên, vị giám mục nên gặp gỡ Người Liên Lạc Giáo Phận để xem xét những tiến bộ của tham vấn và giải quyết các thách thức trước mắt. Phải cẩn thận để bảo đảm rằng sự hiện diện của vị Giám Mục và giáo sĩ không có tác dụng vô tình là ngăn cản việc người tín hữu thực sự đóng góp một cách tự do, đặc biệt trong những trường hợp ở nơi có gương xấu, hay chỉ vì văn hóa lịch sự.

Cuối cùng vị Giám Mục triệu tập Hội Nghị Tiền Thượng Hội Đồng của giáo phận để đưa giai đoạn giáo phận lên cao trào, và làm việc với Người Liên Lạc Giáo Phận để tổ chức. Cuộc tụ họp này phải tìm kiếm sự đại diện rộng rãi trên khắp giáo phận với mục đích đến với nhau để cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và biện phân con đường đồng nghị mà theo đó Thần Khí Chúa đang kêu gọi cả giáo phận. Sau đó vị Giám Mục có thể xem xét bản tổng hợp của giáo phận, trong sự hợp tác với Người Liên Lạc Giáo Phận trước khi nó được đệ trình cho Hội Đồng Giám Mục. Điều rất quan trọng là phải ghi nhận rằng bản tổng hợp của giáo phận phải là bản báo cáo trung thực của tất cả những gì được chia sẻ trong giai đoạn giáo phận của Tiến Trình Đồng Nghị, đại diện cho những cách nhìn và viễn cảnh đa dạng của Dân Chúa.

Có thể hiểu được rằng việc bắt đầu tiến trình tham vấn này sẽ khơi dậy một loạt cảm xúc nơi các lãnh đạo mục vụ, từ phấn khích và vui mừng đến lo âu, sợ hãi hay thậm chí là hoài nghi. Những phản ứng có cung bậc như thế thường là một phần của con đường đồng nghị. Các giám mục có thể nhận biết sự pha trộn các phản ứng phát sinh trong giáo phận, trong khi cũng khuyến khích mở lòng ra với Thần Khí, Đấng thường hoạt động theo những cách tươi mới và gây kinh ngạc. Như một mục từ tốt lành cho đàn chiên, vị Giám Mục được kêu gọi đi trước Dân Chúa, đứng ngay giữa họ, và theo sau để bảo đảm rằng không ai bị bỏ rơi hay lạc lối.

4.3 Vai trò của linh mục và phó tế trong Tiến Trình Đồng Nghị

Sứ vụ của linh mục và phó tế có hai điểm tham chiếu cốt lõi: một mặt là giám mục giáo phận và mặt kia là những người được giao phó cho họ chăm sóc mục vụ. Như thế hàng giáo sĩ hiện diện trong giáo hội địa phương cung cấp điểm nối kết hữu ích giữa vị giám mục và những người họ phục vụ. Điều này cho các linh mục và phó tế một vai trò quan trọng trong việc đi cùng nhau giữa Dân Chúa, hiệp nhất với giám mục và phục vụ các tín hữu. Họ có thể giao tiếp với người ta thay mặt cho giám mục và họ cũng có thể truyền thông từ người ta đến giám mục. Họ là các đại lý của hiệp thông và hiệp nhất trong việc xây dựng Thân Thể Đức Ki-tô, giúp người tín hữu đi cùng nhau, bước tới với nhau giữa Giáo Hội. Hàng giáo sĩ cũng giống như các sứ giả của đổi mới, lắng nghe nhu cầu biến hóa của đàn chiên, và chỉ ra cách thức Thần Khí đang mở ra những nẻo đường mới. Cuối cùng họ là người của cầu nguyện, cổ vũ một trải nghiệm thiêng liêng đích thực của tính đồng nghị, để cho Dân Chúa có thể chăm chú hơn đến Chúa Thánh Thần và cùng nhau lắng nghe thánh ý Thiên Chúa.

Theo nghĩa này, linh mục và phó tế đóng một vai trò then chốt trong việc tháp tùng toàn thể Dân Chúa trên con đường đồng nghị. Nỗ lực của họ hướng tới việc cổ vũ và đưa vào thực hành một con đường đồng nghị hơn của việc là Giáo Hội của Đức Ki-tô là quan trọng sống còn. Các linh mục và phó tế có thể nâng cao nhận thức về bản chất công nghị của Giáo Hội và ý nghĩa của tính công nghị trong các giáo xứ, các sứ vụ, và phong trào mà họ phục vụ. Linh mục và phó tế cũng được kêu gọi phải hỗ trợ, khuyến khích, cổ vũ, và làm cho có thể thực hiện giai đoạn giáo phận của Tiến trình Công Nghị trong Giáo Hội địa phương. Họ làm như thế thông qua các các thực thể tham gia đã được thiết lập trên khắp giáo phận, như là Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận, Hội Đồng Linh Mục, và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận. Việc tham dự của các thực thể “đồng nghị” của các Giáo Hội địa phương được đặc biệt yêu cầu, đặc biệt là Hội Đồng Linh Mục, và Hội Đồng Mục Vụ (Tài Liệu Chuẩn Bị, 31). Trên con đường đồng nghị của Giáo Hội, các thực thể tham gia này ở cấp độ giáo phận “có thể chứng tỏ cái cơ bản, và từ đây một Giáo Hội đồng nghị có thể bắt đầu phát sinh” (Tông hiến Episcopalis communion, 7).

Đồng thời linh mục và phó tế có thể tìm thấy những cách thức sáng tạo và mới mẻ để nuôi dưỡng một trải nghiệm đồng nghị đích thực nơi người giáo dân, gắn liền với các sáng kiến của Giám Mục giáo phận và Người Tiếp Xúc Giáo Phận, được chỉ định cho Tiến Trình Công Nghị này. Cũng đáng ghi nhận rằng việc tham vấn thực hiện trong giai đoạn giáo phận của Tiến Trình Công Nghị được điều phối bởi Giám Mục giáo phận và ngỏ lời với “linh mục, phó tế, và giáo dân cùa Giáo Hội [địa phương], cả cá nhân lẫn hội nhóm, mà không bỏ qua đóng góp có giá trị mà các nam nữ tu sĩ có thể đưa ra.” (Tông hiến Episcopalis communion, 7).

Tài Liệu Chuẩn Bị nói với chúng ta rằng trong sứ vụ của Chúa Giê-su, “Việc chọn lựa các tông đồ không phải là một đặc quyền của một vị trí độc quyền của quyền lực và tách biệt, mà là ơn sủng của một sứ vụ bao dung của phúc lành và tình bằng hữu. Nhờ ơn sủng của Thần Khí của Chúa Sống Lại, họ phải canh giữ chỗ đứng của Chúa Giê-su mà không được thay thế Ngài: không đặt màng lọc trước sự hiện diện của Ngài, mà làm cho việc gặp gỡ Ngài được dễ dàng” (Tài Liệu Chuẩn Bị, 19). Cũng vậy tất cả hàng giáo sĩ, được ban cho những ơn thánh và đặc sủng nhận được nhờ việc thụ phong, đóng vai trò phê phán trong việc bảo đảm rằng trải nghiệm đồng nghị này là cuộc gặp gỡ đích thực với Đức Ki-tô Sống Lại, dựa vào cầu nguyện, được nuôi dưỡng bằng cử hành Thánh Thể, và lấy cảm hứng bởi việc lắng nghe Lời Chúa.

4.4 Lộ trình (Những bước đi mẫu cho giai đoạn giáo phận)

Các nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện giai đoạn lắng nghe và đối thoại trong mỗi giáo phận sẽ thay đổi tùy theo các yếu tố địa phương, nhưng cách tiếp cận chung sẽ bao gồm các bước sau đây:

1. Chỉ định Người Liên Lạc Giáo Phận

Mỗi giáo phận phải chọn một hay hai cá nhân làm Người Liên Lạc Giáo Phận. Phụ lục A cung cấp chi tiết các trách nhiệm và phẩm chất mong muốn của những người liên lạc này. Lý tưởng là hai đồng lãnh đạo được chỉ định như một hình mẫu cho đồng trách nhiệm. Nếu có nhiều hơn một người liên lạc giáo phận, thì khuyến cáo là nên chỉ định ít nhất là một nam và một nữ. Đây có thể là các vị trí tình nguyện hay có tính toán, và có thể được những người đang làm việc trong giáo phận đảm nhiệm. Người Liên Lạc Giáo Phận có thể là linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Các giáo phận có thể suy nghĩ về vai trò khả dĩ của Người Liên Lạc Giáo Phận trong việc tiếp tục phục vụ con đường đồng nghị trong giáo phận cho đến 10/2023 và xa hơn nữa.

2. Thành lập một đội ngũ đồng nghị giáo phận

Người Liên Lạc Giáo Phận sẽ có khả năng cần làm việc với sự hợp tác của một đội ngũ cốt lõi, có thể được tập họp lại qua một tiến trình mở rộng của những người bày tỏ sự quan tâm, hay do giám mục giáo phận chỉ định. Thành viên của đội ngũ đồng nghị giáo phận có khả năng bao gồm các đại diện từ các giáo xứ, phong trào, sứ vụ của giáo phận, và các cộng đoàn tu. Họ có thể được triệu tập như một thực thể làm việc và tư vấn cho Người Liên Lạc Giáo Phận. Sau giai đoạn giáo phận của Thượng Hội Đồng này, đội ngũ đồng nghị giáo phận có thể tiếp tục cổ vũ và thực hiện con đường đồng nghị trong giáo phận trong tương lai, kết hợp với giám mục giáo phận.

3. Biện phân con đường cho giáo phận của quý vị

Tài Liệu Chuẩn Bị và Sổ Tay Vademecum cung cấp thông tin về Thượng Hội Đồng này và đưa ra các hướng dẫn cho việc tổ chức tiến trình tham vấn. Những tài liệu này được áp dụng khác nhau trong những bối cảnh đa dạng, tùy theo các thực tế và thách thức hiện nay trong Giáo Hội địa phương và trong xã hội, cũng như bất kỳ tiến trình đồng nghị nào đồng thời hay gần đây, diễn ra trong giáo phận. Có thể thực hiện một suy tư cầu nguyện bằng các tài liệu này để biện phân những lĩnh vực tập trung quan trọng cho giáo phận.

4. Lên kế hoạch tiến trình tham gia

Mỗi giáo phận nên nhắm đến sự tham dự rộng rãi nhất có thể, liên quan đến những diễn đàn đa dạng. các diễn đàn này có thể bao gồm các cuộc họp cấp giáo xứ, liên giáo xứ, các nhóm theo trường học, hội đoàn địa phương, diễn đàn trực tuyến, nhóm ngôn ngữ đặc biệt, và các phương tiện thích hợp đến với những người xa cách Giáo Hội. Lý tưởng là nên có những cơ hội cho các nhóm đa dạng lắng nghe nhau. Các tài nguyên cần có cho tiến trình tham vấn phải được nhận diện và có sẵn, bao gồm một ngân sách tổng thể, các cơ sở vật chất, và diễn đàn trực tuyến. Tình liên đới có thể được tổ chức giữa các giáo phận để cung cấp giúp đỡ tài chính và tài nguyên nhân sự khi cần đến.

5. Chuẩn bị các điều phối viên nhóm cho các hội nghị tham vẫn đồng nghị

Đội ngũ đồng nghị giáo phận có thể làm việc thông qua các điều phối viên để thực hiện việc gặp gỡ tham vấn đồng nghị trên khắp giáo phận. Thí dụ tham vấn đồng nghị trong một giáo xứ có thể được một điều phối viên trong giáo xứ đó giám sát, làm việc với một đội ngũ giáo xứ. tất cả các điều phối viên sẽ cần được tóm tắt về tinh thần, mục tiêu và thái độ của Tiến Trình Đồng Nghị, và phải được tiếp cận các tài nguyên thích hợp, bao gồm Sổ Tay Vademecum này và trang mạng của Thượng Hội Đồng. Sau đó các điều phối viên có thể biện phân và lên kế hoạch các tiến trình thích hợp nhất cho các nhóm cụ thể của mình, trong trao đổi với đội ngũ đồng nghị của giáo phận.

6. Cung cấp một khóa học định hướng cho đội ngũ đồng nghị giáo phận và các điều phối viên địa phương

Bởi vì trình độ hiểu biết và trải nghiệm về tính đồng nghị có khả năng khác biệt trên khắp giáo phận, các buổi học đào tạo có thể được cung cấp để cho người ta một định hướng về tính đồng nghị và và trang bị cho họ những kỹ năng cơ bản cho tiến trình đồng nghị. Những kỹ năng như thế sẽ bao gồm việc thực hiện cuộc họp tham vấn đồng nghị, và việc đào tạo cơ bản này tự thân nó là một thành quả có giá trị của Tiến Trình Đồng Nghị hiện nay. Phụ Lục B cung cấp một khái quát về cách thức tiến hành một cuộc họp tham vấn đồng nghị điển hình. Điều then chốt nhất là sử dụng các phương pháp thích hợp tạo thuận lợi cho việc lắng nghe chăm chú, chia sẻ đích thực, và một biện phân thiêng liêng cộng đoàn. Các tài nguyên thêm nữa có sẵn trên trang mạng của Thượng Hội Đồng.

7. Truyền đạt cho mọi người

Để nâng cao nhận thức và khuyến khích tham gia, việc quảng bá rộng rãi về Thượng Hội Đồng có thể được thực hiện để truyền đạt ý nghĩa và các mục đích của Thượng Hội Đồng và cách người ta có thể tham gia. Một số ví dụ cho các nội dung quảng bá được cung cấp trên trang mạng.

8. Thực hiện, giám sát và hướng dẫn tiến trình tham vấn đồng nghị

Một khi sẵn sàng, tiến trình tham vấn đồng nghị bắt đầu. Trái tim của giai đoạn này là những cuộc họp tham vấn đồng nghị diễn ra trên khắp giáo phận. Một cử hành phụng vụ của giáo phận có thể được tổ chức để khai mạc giai đoạn giáo phận và cầu khẩn Chúa Thánh Thần dẫn dắt toàn bộ tiến trình. Trong giai đoạn giáo phận, Người Liên Lạc Giáo Phận nên thường xuyên tiếp xúc với các điều phối viên nhóm của các cuộc họp tham vấn đồng nghị trên khắp giáo phận, để giám sát sự tiến bộ, cung cấp hỗ trợ nơi đâu cần có, và tạo thuận lợi cho việc trao đổi ý tưởng, thực hành tốt nhất, và phản hồi phát sinh. Một ngày tháng nên được xác định cụ thể cho việc nộp phản hồi tham vấn, có thể theo sau những hướng dẫn cho bản tổng hợp của giáo phận như được mô tả bên dưới.

9. Cuộc họp tiền đồng nghị của giáo phận

Điều được mạnh mẽ khuyến cáo là tiến trình tham vấn trong giáo phận đạt đỉnh điểm trong một cuộc họp tiền đồng nghị của giáo phận, bao gồm một cử hành phụng vụ. Đại diện rộng rãi từ khắp giáo phận nên được mời tham dự với mục tiêu đến với nhau để cầu nguyện, lắng nghe, suy tư, và biện phân con đường đồng nghị mà Thần Khí Chúa đang kêu gọi toàn thể giáo phận. Phụ Lục C cung cấp các gợi ý cho việc tổ chức cuộc họp này.

10. Chuẩn bị và đệ trình bản tổng hợp của giáo phận

Cuối cùng một bản tổng hợp của giáo phận phải được chuẩn bị dựa trên tất cả phản hồi được thu thập từ khắp giáo phận, cũng như các biên bản của cuộc họp tiền đồng nghị. Phụ Lục D cung cấp một phác thảo gợi ý. Bản tổng hợp này phải được đệ trình cho Hội Đồng Giám Mục trước một ngày tháng cụ thể. Một khi kết thúc, bản tổng hợp phải được truyền đạt cho công chúng trong giáo phận. Người Liên Lạc Giáo Phận phải duy trì vai trò được chỉ định của họ trong suốt tiến trình Thượng Hội Đồng, ít nhất là cho đến Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10/2023, và vai trò của họ có thể tiếp tục sau ngày tháng này. Trong các giai đoạn kế tiếp nhau của Thượng Hội Đồng hiện nay, họ sẽ là một điểm liên lạc cho các Hội Đồng Giám Mục và các hội nghị châu lục, và có thể giúp giáo phận vẫn còn tham dự vào Tiến Trình Đồng Nghị. Ở đâu cần, họ cũng có thể bảo đảm một chuyển giao suôn sẻ tiến tới việc thực hiện các đề nghị được nêu lên trong việc tham vấn tại giáo phận. Sau cùng, Tiến Trình Đồng Nghị này không phải là một kết thúc mà là một khởi đầu mới mẻ.

4.5 Những Thành Tố Cơ Bản của Trải Nghiệm Đồng Nghị

Những bước đi liệt kê ở trên trong Phần 4.4 phải được sử dụng như các hướng dẫn. Cuối cùng giai đoạn giáo phận bao gồm những “thành tố” tương tự như Hội Nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục, như là Hội Nghị sẽ diễn ra tại Rô-ma tháng 110/2023. Những yếu tố này là: một cử hành phụng vụ để bắt đầu, tụ họp trong các hội nghị lớn, cuộc họp nhóm nhỏ, những giây phút thinh lặng và cầu nguyện, trò chuyện thân mật, trải nghiệm được chia sẻ (như là hành hương, biểu hiện nghệ thuật và trải nghiệm với những người dễ tổn thương, người tàn tật và người già), và một cử hành phụng vụ để kết thúc. Những thành tố cơ bản này của tính đồng nghị có thể được thích nghi cách dễ dàng với hoàn cảnh địa phương của bạn để nuôi dưỡng một trải nghiệm đồng nghị sinh hoa trái ở Giáo Hội địa phương của bạn, và ghi nhớ trong đầu những nguyên tắc, thái độ, và cạm bẫy được khái quát ở trên trong Phần 2.

5. Tài Nguyên Để Tổ Chức Tiến Trình Đồng Nghị

5.1 Phương Pháp Luận Cho Tiến Trình Đồng Nghị Giáo Phận

Mỗi giáo phận có thể biện phân những cách thức hữu ích nhất để tạo thuận lợi cho một trải nghiệm đồng nghị được Thần Khí dẫn dắt cho người của giáo phận, chú ý đặc biệt đến những người mà tiếng nói của họ không được ai nghe trong quá khứ. Có lời khuyên và tài nguyên về cách làm việc này trên trang mạng của Thượng Hội Đồng.

Như nhắc đến ở trên, các cá nhân và nhóm được khuyến khích tham gia vào Tiến Trình Đồng Nghị thông qua Giáo Hội địa phương. Tuy nhiên cá nhân và nhóm cũng có thể đóng góp trực tiếp cho Ban Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục (Tông hiến Episcopalis communion, 6).

Bên trong mỗi Giáo Hội địa phương, các tụ họp phải được thiết lập theo cách cổ vũ cho trải nghiệm đồng nghị sinh hoa trái nhất trong bối cảnh địa phương. Lý tưởng là có nhiều hơn một các “buổi họp tham vấn đồng nghị” sẽ được tổ chức cho cùng một nhóm người tham dự để họ có thể đi sâu hơn và đối thoại phong phú hơn. Theo tùy chọn, có thể tổ chức phân nhóm mới để có nhiều người hơn đến lắng nghe và tham gia với những cách nhìn và trải nghiệm đa dạng hơn.

Các cá nhân cũng có thể đóng góp phản hồi tham vấn trực tiếp cho giáo phận. Để cá nhân nộp tham vấn, thông tin và nội dung thích hợp phải được phân phát kịp thời để các cách nhìn được bày tỏ có thể được bao gồm trong bản tổng hợp của giáo phận. Những trải nghiệm cộng đoàn của Tiến Trình Đồng Nghị phải được khuyến khích hơn đóng góp cá nhân, bởi vì chúng biểu lộ tốt hơn tinh thần đồng nghị của việc đi cùng nhau. Theo nghĩa này, các video, hội nghị video, suy tư Kinh Thánh, và lời cầu nguyện có thể được đề nghị cho những ai đóng góp theo cá nhân, để kết hiệp họ chặt chẽ hơn với trải nghiệm đồng nghị.

Việc tổ chức các buổi họp tham vấn đồng nghị đem nhiều giáo xứ lại với nhau có thể là một cách tốt để tụ họp những người từ các nhóm tuổi, sắc tộc, xuất thân kinh tế xã hội … khác nhau. Hai giáo xứ hay hơn nữa có thể đến với nhau để lên kế hoạch một loạt các buổi họp tham vấn đồng nghị liên kết. Họ có thể tập trung vào việc chia sẻ quanh một trải nghiệm quan trọng chung, như là những thách thức họ đối mặt như là Ki-tô hữu, khi là Giáo Hội giữa đại dịch Covid-19, hay cái gì đó liên quan đến bối cảnh của họ. Một đội ngũ tổ chức liên giáo xứ có thể được hình thành.

Chúng tôi cũng khuyến khích các bạn tích hợp chủ đề tính đồng nghị và Tiến Trình Đồng Nghị này của việc tham vấn vào trong các tụ họp hay hội nghị giáo phận như được lên kế hoạch ở đâu có thể được. Theo nghĩa này, giai đoạn giáo phận của Tiến Trình Đồng Nghị có thể làm phong phú nghị trình mục vụ hiện hữu cho năm 2021-2022, trong khi cũng truyền cảm hứng cho những yếu tố mới nào đó.

5.2 Chiều Kích Không Chính Thức Của Tiến Trình Đồng Nghị

Việc lắng nghe nhau được phong phú bởi việc biết nhau và chia sẻ cuộc sống với nhau. Nó có thể rất hữu ích khi chia sẻ một hoạt động chung trước khi bắt đầu gặp gỡ và đối thoại với nhau.

Một số ví dụ về các hoạt động có thể làm cùng nhau bao gồm hành hương, việc từ thiện hay xã hội, hay chỉ là chia sẻ một bữa ăn với nhau. Ngoài việc phát triển sự tin tưởng lẫn nhau giữa người tham dự, điều này cũng có thể giúp nuôi dưỡng sự tham gia của những người bị thu hút bởi hành động thực tế hơn là thảo luận trí tuệ.

Lối tiếp cận này đi theo tấm gương của Chúa Giê-su, quy tụ các môn đệ để chia sẻ bữa ăn, tản bộ cùng nhau, hay chỉ là dành thời gian với nhau. Có thể là quan trọng khi cho phép có đủ thời gian và không gian thích hợp để người tham dự chia sẻ thức ăn thức uống, kéo dài trải nghiệm lắng nghe nhau trong một trao đổi bớt trang trọng và tự phát hơn trong giờ giải lao. Điều này có thể mở ra cánh cửa cho một tham gia sinh hoa trái hơn của những người cảm thấy kém thoải mái trong cuộc họp trang trọng, cũng như tạo cơ hội để làm rõ những điểm nào đó một cách tự do hơn.

Việc tham gia vào các hoạt động thể chất, văn hóa, xã hội, và bác ái có thể đóng góp vào việc xây dựng hiệp thông giữa người tham dự, đổi mới Giáo Hội thông qua các trải nghiệm mới của tình huynh đệ với nhau.

5.3 Câu Hỏi Chính Cho Việc Tham Vấn

Thượng Hội Đồng này đặt ra câu hỏi cơ bản sau đây: Một Giáo Hội Đồng Nghị, khi loan báo Tin Mừng, thì lữ hành cùng nhau. Việc “lữ hành cùng nhau” này đang diễn ra hôm nay trong giáo xứ của bạn như thế nào? Thần Khí mời gọi chúng ta có những bước đi nào để lớn lên trong việc “lữ hành cùng nhau”? (Tài Liệu Chuẩn Bị, 26).

Khi trả lời câu hỏi này, chúng ta được mời gọi:

- Nhớ lại những trải nghiệm của chúng ta: Câu hỏi này nhắc nhớ những trải nghiệm nào của Giáo Hội địa phương của chúng ta?

- Đọc lại những trải nghiệm này sâu sắc hơn: Chúng đem lại những niềm vui gì? Chúng đã đối mặt với những khó khăn và trở ngại gì? Chúng bộc lộ những vết thương nào? Chúng đã lôi ra được những hiểu biết gì?

- Thu thập hoa trái để chia sẻ: Tiếng Chúa Thánh Thần vang vọng ở đâu trong những trải nghiệm này? Thần Khí đòi hỏi gì nơi chúng ta? Những điểm phải xác nhận, triển vọng để thay đổi, bước đi phải thực hiện là gì? Chúng ta ghi nhận sự đồng thuận ở đâu? Những con đường nào mở ra cho Giáo Hội địa phương của chúng ta?

Để giúp người ta thăm dò câu hỏi cơ bản này cách đầy đủ hơn, những chủ đề sau đây nêu bật lên những khía cạnh có ý nghĩa của việc “sống tính đồng nghị” (Tài Liệu Chuẩn Bị, 30). Khi trả lời những câu hỏi này thật hữu ích khi nhớ rằng việc “đi cùng nhau” xảy ra theo hai cách liên hệ với nhau cách sâu xa. Trước tiên chúng ta đi cùng nhau như Dân Thiên Chúa. Kế tiếp chúng ta đi cùng nhau như Dân Thiên Chúa với toàn thể nhân loại. Hai tầm nhìn này làm phong phú lẫn nhau và hữu ích cho sự biện phân chung của chúng ta hướng tới sự hiệp thông sâu xa hơn và sứ mạng sinh hoa trái hơn.

Các câu hỏi ấy đi kèm mỗi chủ đề trong 10 chủ đề sau đây có thể được dùng như điểm xuất phát hay hướng dẫn hữu ích. Cuộc trò chuyện và đối thoại của bạn không cần bị giới hạn vào những câu hỏi sau đây:

1. CÁC BẠN ĐỒNG HÀNH TRONG CHUYẾN ĐI

Trong Giáo Hội và trong xã hội, chúng ta ở bên nhau trên cùng một con đường. Trong Giáo Hội địa phương, ai là những người “đi cùng nhau”? Ai là những người dường như tách ra xa? Chúng ta được kêu gọi lớn lên như những bạn đồng hành như thế nào?

2. LẮNG NGHE

Lắng nghe là bước đầu tiên, nhưng nó đòi hỏi tâm trí và con tim rộng mở, không thiên kiến. Thiên Chúa đang nói với chúng ta như thế nào qua những tiếng nói mà chúng ta thường bỏ qua? Người giáo dân được lắng nghe như thế nào, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ? Những gì tạo thuận lợi hay ngăn chặn việc lắng nghe của chúng ta? Chúng ta lắng nghe những người ở vùng ngoại vi tốt như thế nào? Đóng góp của các nam nữ tu sĩ được tích hợp như thế nào? Cái gì là một số hạn chế trong khả năng lắng nghe của chúng ta, đặc biệt là lắng nghe những người có cái nhìn khác chúng ta? Có không gian nào dành cho tiếng nói của thiểu số, đặc biệt là những người trải nghiệm nghèo đói, sống bên lề, hay bị xã hội loại trừ không?

3. LÊN TIẾNG

Tất cả mọi người được mời gọi lên tiếng với lòng can đảm và sự bộc trực, nghĩa là trong tự do, sự thật và đức ái. Cái gì làm cho có thể hay cản trở việc lên tiếng cách can đảm, thẳng thắn và có trách nhiệm trong Giáo Hội địa phương và trong xã hội? Khi nào và bằng cách nào chúng ta có thể nói những gì là quan trọng với chúng ta?Mối quan hệ với công việc truyền thông địa phương (không chỉ là truyền thông Công giáo) là như thế nào? Ai lên tiếng thay mặt cho cộng đồng Ki-tô và họ được chọn lựa như thế nào?

4. CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Việc “đi cùng nhau” chỉ là có thể được nếu nó dựa trên việc cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành bí tích Thánh Thể. Cầu nguyện và cử hành phụng vụ thực tế truyền cảm hứng cho và dẫn dắt đời sống và sứ mạng chung trong cộng đoàn của chúng ta như thế nào? Chúng truyền cảm hứng cho các quyết định quan trọng nhất như thế nào? Chúng ta cổ vũ sự tham gia tích cực của mọi tín hữu trong phụng vụ như thế nào? Không gian nào dành cho việc tham gia vào các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ?

5. CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM VỀ SỨ MẠNG CHUNG

Tính đồng nghị là phục vụ sứ mạng của Giáo Hội, trong đó mọi phần tử được kêu gọi tham gia. Vì tất cả chúng ta là các môn đệ truyền giáo, mỗi người đã được rửa tội được kêu gọi tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội như thế nào? Cái gì cản trở người đã rửa tội tham gia tích cực vào sứ mạng? Chúng ta đang bỏ bê các lĩnh vực nào của sứ mạng? Cộng đoàn hỗ trợ các thành viên phục vụ xã hội theo những cách khác nhau (dấn thân xã hội và chính trị, nghiên cứu khoa học,giáo dục, cổ vũ công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, chăm sóc môi trường, vân vân) như thế nào? Giáo Hội giúp các thành viên này sống việc phục vụ xã hội theo cách truyền giáo như thế nào? Sự biện phân về các chọn lựa truyền giáo được thực hiện như thế nào và bởi ai?

6. ĐỐI THOẠI TRONG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI

Đối thoại đòi hỏi kiên trì và kiên nhẫn, nhưng nó cũng có thể tạo hiểu biết lẫn nhau. Những sắc dân khác nhau trong cộng đồng của bạn đến với nhau để đối thoại đến mức độ nào? Cái gì là nơi chốn và phương cách đối thoại bên trong Giáo Hội địa phương? Chúng ta cổ vũ sự hợp tác với các giáo phận lân cận, các cộng đoàn tu trong khu vực, các hội đoàn và phong trào giáo dân, vân vân, như thế nào? Những bất đồng về tầm nhìn hay xung đột và khó khăn sẽ được xử lý như thế nào? Chúng ta cần phải chú ý hơn đến những vấn đề đặc thù nào trong Giáo Hội và xã hội? Chúng ta có những trải nghiệm đối thoại và hợp tác nào với tín hữu của các tôn giáo khác và với những người không tôn giáo? Giáo Hội đối thoại với và học hỏi từ những khu vực khác: khu vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội dân sự, và người sống trong nghèo khó, như thế nào?

7. TÍNH ĐẠI KẾT

Cuộc đối thoại giữa các Ki-tô hữu của những niềm tin khác nhau, được hiệp nhất bằng một phép rửa, có chỗ đứng quan trọng trong hành trình đồng nghị? Cộng đoàn Giáo Hội của chúng ta có mối quan hệ gì với những thành viên của các truyền thống và hệ phái Ki-tô khác? Chúng ta chia sẻ cái gì và chúng ta đi cùng nhau như thế nào? Chúng ta đã rút ra được hoa trái gì từ việc đi cùng nhau? Những khó khăn là gì? Chúng ta có thể đi bước kế tiếp trong việc bước tới với nhau như thế nào?

8. QUYỀN BÍNH VÀ SỰ THAM GIA

Một giáo hội đồng nghị là một Giáo Hội tham gia và đồng trách nhiệm. Cộng đoàn Giáo Hội chúng ta nhận diện các mục tiêu được theo đuổi, cách đạt được mục tiêu, và những bước phải đi như thế nào? Quyền bính hay sự quản trị được thi hành như thế nào bên trong Giáo Hội địa phương của chúng ta? Làm việc theo nhóm và tính đồng trách nhiệm được thực hành như thế nào? Những đánh giá được tiến hành như thế nào và bởi ai? Thừa tác vụ giáo dân và trách nhiệm của giáo dân được cổ vũ như thế nào? Chúng ta đã có những trải nghiệm sinh hoa trái về tính đồng nghị ở cấp độ địa phương không? Các thực thể đồng nghị hoạt động như thế nào ở cấp độ Giáo Hội địa phương (Hội Đồng Mục Vụ trong giáo xứ và giáo phận, Hội Đồng Linh Mục, vân vân)? Chúng ta có thể nuôi dưỡng một tiếp cận đồng nghị hơn trong việc tham gia và lãnh đạo như thế nào?

9. BIỆN PHÂN VÀ QUYẾT ĐỊNH

Theo phong cách đồng nghị, chúng ta đưa ra quyết định qua sự biện phân những gì Chúa Thánh Thần đang nói qua toàn thể cộng đoàn. Chúng ta sử dụng phương pháp và tiến trình nào trong việc đưa ra quyết định? Chúng có thể được cải thiện như thế nào? Chúng ta cổ vũ sự tham gia trong việc đưa ra quyết định bên trong cơ cấu phẩm trật như thế nào? Phương pháp đưa ra quyết định của chúng ta có giúp chúng ta lắng nghe toàn thể dân Chúa không? Mối quan hệ giữa tham vấn và đưa ra quyết định là gì và chúng ta đem vào thực hành như thế nào? Chúng ta sử dụng những công cụ và thủ tục nào để cổ vũ sự minh bạch và trách nhiệm? Chúng ta có thể lớn lên trong sự biện phân thiêng liêng của cộng đoàn như thế nào?

10. ĐÀO TẠO BẢN THÂN TRONG TÍNH ĐỒNG NGHỊ

Tính đồng nghị kéo theo việc chấp nhận thay đổi, đào tạo, và học hỏi liên tục. Cộng đoàn giáo hội của chúng ta đào tạo con người như thế nào để có thể “đi cùng nhau,” lắng nghe nhau, tham gia vào sứ mạng, và dấn thân đối thoại hơn? Kiểu đào tạo nào được đưa ra để nuôi dưỡng sự biện phân và thực thi quyền bính một cách đồng nghị?

Trang mạng Thượng Hội Đồng cung cấp các gợi ý về việc đặt những câu hỏi này cho những nhóm người khác nhau một cách đơn giản và lôi cuốn. Mỗi giáo phận, giáo xứ hay nhóm giáo hội không nên nhắm đến bao quát hết mọi câu hỏi, mà nên biện phân và tập trung vào những khía cạnh của tính đồng nghị thích hợp nhất với bối cảnh của mình. Người tham gia được khuyến khích chia sẻ trung thực và cởi mở về trải nghiệm sống đời thực của mình, và cùng nhau suy tư về những gì Thần Khí có thể mặc khải qua những gì họ chia sẻ với nhau.

LỜI CẢM TẠ

Một lời cảm tạ chân thành tới tất cả những ai tổ chức, điều phối, và tham gia vào Tiến Trình Đồng Nghị này. Được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, chúng ta làm thành những viên đá sống động, mà qua người đó Thiên Chúa xây dựng Giáo Hội mà Ngài mong muốn cho thiên niên kỷ thứ ba (1 Pet 2:5). Nguyện xin Thánh Nữ Đồng Trinh Ma-ri-a, Nữ Vương các Tông Đồ và Mẹ Giáo Hội, chuyển cầu cho chúng ta khi chúng ta đi cùng nhau trên con đường Thiên Chúa đặt ra trước chúng ta. Như trong Phòng Tiệc Ly vào lễ Hiện Xuống, nguyện xin sự chăm sóc từ mẫu và lời chuyển cầu của Mẹ đi theo chúng ta khi chúng ta xây dựng sự hiệp thông với nhau và thực hiện sứ mạng của chúng ta trên thế giới. Cùng với Mẹ, chúng ta cùng nhau nói như Dân Thiên Chúa: “Xin hãy xảy đến cho tôi như lời của Ngài” (Lc 1:38).

 

 

 

Phụ Lục A: Người / Đội Ngũ Liên Lạc Giáo Phận

Mỗi giáo phận[6] phải chọn một hay hai cá nhân làm Người Liên Lạc Giáo Phận hay các đồng lãnh đạo cho giai đoạn giáo phận của tham vấn đồng nghị. Nếu có thể, họ phải tổ chức một đội ngũ để hợp tác với họ.

Chúng tôi khuyến nghị một hình mẫu của đồng lãnh đạo, thay vì chỉ định chỉ một người liên lạc, bởi vì điều này phản ảnh bản chất đồng nghị của tiến trình. Chúng tôi khuyến khích các bạn làm việc cùng nhau với một đồng sự đồng lãnh đạo, và hợp tác với một đội ngũ để học hỏi lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm và làm phong phú tính sáng tạo và sức sống của Tiến Trình Đồng Nghị trong giáo phận của bạn. Công việc của Người / Đội Ngũ Liên Lạc Giáo Phận sẽ bao gồm những chức năng hay nhiệm vụ tổng quát sau đây:

• Làm liên lạc viên giữa giáo phận và hội đồng giám mục (và người hay đội ngũ liên lạc của họ).

• Phục vụ như các điểm tham chiếu cho các giáo xứ và các nhóm giáo hội khác trong giáo phận liên quan đến tham vấn đồng nghị.

• Làm người liên lạc chính cho Giám Mục giáo phận liên quan đến Tiến Trình Đồng Nghị.

• Làm việc theo cách thức đồng nghị với một đội ngũ để phát triển cách thức tiến trình giáo phận sẽ diễn ra và thảo luận các để tài và vấn đề có liên quan với tính đồng nghị (như được Ban Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục và hội đồng giám mục phác thảo), cũng như tiến trình thu thập, phân tích, và tổng hợp dữ liệu tham vấn đầu vào trên khắp giáo phận.

• Mời gọi tất cả các giáo xứ tham gia vào tiến trình tham vấn, tổ chức các hội họp để tham gia vào Tiến Trình Đồng Nghị ở cấp độ địa phương. Các giáo xứ có thể liên kết với giáo xứ khác để cổ vũ một cảm thức hiệp thông và đi cùng nhau lớn hơn. Người / Đội Ngũ Liên Lạc Giáo Phận phải khuyến khích các giáo xứ nuôi dưỡng một tinh thần huynh đệ, đồng trách nhiệm, và sự tham gia tích cực và đầy đủ của giáo sĩ, tu sĩ, nam nữ giáo dân của cộng đoàn, bao gồm trẻ em, người trẻ, người độc thân, có gia đình, các gia đình và người già. Theo cách này, tiến trình tham vấn sẽ đại diện cho sự đa dạng những xuất thân kinh tế xã hội và văn hóa sắc tộc, và những năng lực trong khu vực địa phương, cũng như khuyến khích sự tham vấn với những ai kém tích cực trong việc thực hành đức tin Công giáo, những người từ các hệ phái Ki-tô khác và truyền thống đức tin khác, và các cư dân trong cộng đoàn dân sự hay địa phương có liên quan đến giáo xứ.

• Mời gọi từng sứ vụ, phong trào, thực thể giáo hội, và khoa/phòng trong giáo phận cung cấp dữ liệu đầu vào (câu trả lời) cho các câu hỏi được bao gồm trong Sổ Tay Vademecum và các tài liệu đi kèm, từ quan điểm của sứ vụ cụ thể hay lĩnh vực trọng tâm của họ. Mỗi nhóm này có thể có tham vấn riêng hay làm việc với nhau và/hay với các giáo xứ trong giáo phận. Những nỗ lực phải thực hiện để bao gồm mọi việc tông đồ, văn hóa, cộng đoàn, nhóm, sáng kiến, và các nỗ lực đại kết / liên tôn trong giáo phận vào tiến trình tham vấn, nuôi dưỡng một trải nghiệm đích thực của tính đồng nghị trong Giáo Hội địa phương.

• Cung cấp huấn luyện và bổ sung (dưới hình thức khóa học, hội thảo mạng, video, giáo trình và/hay hỗ trợ cá nhân) cho những ai sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và tạo thuận lợi cho tiến trình tham vấn ở cấp độ địa phương (trong giáo xứ, các cộng đoàn…), để giúp họ hiểu ý nghĩa của tính đồng nghị, các mục đích của Tiến Trình Đồng Nghị hiện nay, và các đặc điểm của trải nghiệm đồng nghị mà họ đang cố gắng nuôi dưỡng (để có thêm thông tin, xin tham khảo Sổ tay Vademecum hay trang mạng của Thượng Hội Đồng).

• Phát triền các phương pháp nhận dữ liệu đầu vào từ tiến trình tham vấn trên khắp giáo phận và truyền đạt tiến trình này cho các giáo xứ, nhóm giáo phận, cộng đoàn tu, và các phong trào, lôi cuốn sự tham gia rộng rãi nhất có thể. Điều này có thể bao gồm:

o Đề nghị rằng các giáo xứ / cộng đoàn chỉ định người / đội ngũ liên lạc của riêng mình để thực hiện việc tham vấn.

o Đề nghị rằng các giáo xứ / cộng đoàn tiến hành 1, 2, hay nhiều hơn cuộc họp tham vấn với những người trong cộng đoàn địa phương. Các giáo xứ / nhóm có thể muốn tham vấn đặc biệt cho những nhóm nào đó (ví dụ thanh thiếu niên, người trưởng thành còn trẻ, các cặp vợ chồng, di dân và người tị nạn, những người kém tích cực trong đức tin, và những ai trải nghiệm nghèo khó và bên lề xã hội).

o Đề nghị rằng các giáo xứ tìm ra cách tổng hợp hay ghi nhận từng tham vấn hay chuyện trò (hoặc bằng thư ký ghi chép hay ghi âm buổi họp, và người tham dự hay người trợ giúp tải ghi chép lên mạng, hay các phương tiện khác).

o Ấn định một thời hạn chót và tiến trình / phương cách theo đó mọi dữ liệu đầu vào được gởi tiếp cho Người / Đội Ngũ Liên Lạc Giáo Phận.

o Khuyến khích các cuộc tụ họp sau tiến trình tham vấn với người đã tham gia và những người khác, để chia sẻ những gì đã được làm theo sau dữ liệu đầu vào được cung cấp, và để biện phân những bước kế tiếp để tích hợp tinh thần và phong cách của tính đồng nghị ở cấp độ địa phương.

• Thường xuyên kiểm tra với từng giáo xứ / cộng đoàn trong suốt giai đoạn tham vấn, cung cấp hỗ trợ, khích lệ, đồng hành, và lập lại sự biết ơn trên con đường.

• Thu thập các bản tổng hợp / dữ liệu đầu vào / các hiểu biết từ những tham vấn địa phương một cách đúng lúc.

• Giám sát việc tổ chức Hội Nghị Tiền Đồng Nghị của giáo phận (xem Phụ Lục C).

• Phân tích và tổng hợp dữ liệu đầu vào được thu thập, phát triển một tổng hợp cô đọng của giáo phận, tối đa là 10 trang, sau đó được gởi cho hội đồng giám mục trước thời hạn chót ấn định. Bản tổng hợp này phải được phát triển bởi đội ngũ làm việc với Người Liên Lạc Giáo Phận, trong sự hợp tác với Giám Mục và/hay người ngài chỉ định (xem Phụ Lục D).

• Gởi bản tổng hợp giáo phận cho hội đồng giám mục đúng thời hạn.

Người / Đội Ngũ Liên Lạc Giáo Phận phải có những phẩm chất sau đây:

• Một người trưởng thành tinh thần có đức tin sống động.

• Một cộng tác viên bẩm sinh.

• Một người truyền đạt hiệu quả.

• Khả năng tổng hợp thông tin đa dạng.

• Khả năng tương tác tốt với những người có xuất thân văn hóa, thế hệ, giáo hội đa dạng.

• Quen thuộc với các cơ cấu và tiến trình của giáo phận.

• Có kinh nghiệm làm việc trước đây trong sáng kiến hợp tác hay tiến trình đồng nghị.

• Khiêm tốn khi làm việc với một người / đội ngũ đồng lãnh đạo, cởi mở cách hòa nhã với những hiểu biết và tài năng của người khác cũng như thử nghiệm các cách tiến hành mới.

Cần phải ghi nhận rằng Người Liên Lạc Giáo Phận không nhất thiết là thuộc hàng giáo sĩ. Nếu sử dụng mô hình đồng lãnh đạo, chúng tôi mạnh mẽ khuyến nghị rằng các đồng lãnh đạo là một nam và một nữ. Ít nhất một trong hai người nên là một giáo dân.

Đội ngũ cộng tác với Người Liên Lạc Giáo Phận nên phản ảnh sự đa dạng của giáo phận và bao gồm các lãnh đạo giáo phận chủ chốt: giáo dân nam nữ, giáo sĩ và tu sĩ, thuộc các văn hóa, thế hệ, và xuất thân khác nhau, đại diện cho các sứ vụ và đặc sủng đa dạng của Giáo Hội, đặc biệt là công việc mục vụ của giáo phận với giới trẻ, các gia đình, di dân, người tị nạn, và người nghèo. Sẽ hữu ích nếu một số thành viên của đội ngũ này trước đây / mới đây đã làm việc với các tiến trình đồng nghị địa phương, giáo phận hay quốc gia, hay các nỗ lực tương tự.

Phụ Lục B: Hướng Dẫn Gợi Ý Cho Việc Tổ Chức Một Hội Nghị Tham Vấn Đồng Nghị

Các cuộc họp tham vấn đồng nghị có thể được tổ chức giửa các nhóm khác nhau trong một giáo xứ hay bằng cách đem đến các sắc dân đa dạng từ các giáo xứ khác nhau. Các thực thể giáo phận khác và hay tổ chức tu và đời cũng có thể công tác để tổ chức các cuộc họp tham vấn. Sau đây là một phác thảo những bước đi có thể được thực hiện.

1. Một đội ngũ tổ chức có thể được hình thành để lên kế hoạch và thực hiện tiến trình tham vấn và các buồi họp ở cấp độ địa phương, bao gồm việc biện phân cách thức đến với người ta và những phương pháp thích hợp để nuôi dưỡng đối thoại và tham gia trong trải nghiệm đồng nghị đích thực.

2. Có thể khuyến khích sự tham gia qua thông báo ở giáo xứ, phương tiện truyền thông, thư từ, vân vân. Với sự giúp đỡ của khu vực lân cận cũng như các cơ sở giáo hội như trường học và trung tâm xã hội, một nỗ lực đặc biệt có thể được thực hiện để nhận diện và đến với những người không thường tiếp xúc với cộng đoàn giáo hội trong một thời gian. Phải cẩn thận để bao gồm nhưng người bị loại trừ hay tiếng nói của họ thường không ai quan tâm.

3. Lý tưởng là người tham dự nên bao gồm những người từ đa dạng các cộng đồng, trải nghiệm, văn hóa, tuổi tác, và nẻo đường sống. Tống số người trong nhóm có thể tùy vào địa điểm sẵn có và con số người trợ giúp.

4. Khoảng 2-3 tuần trước buổi họp, tài liệu chuẩn bị cho cầu nguyện và suy tư phải được gởi cho người tham dự. Đó có thể bao gồm một bài đọc nền ngắn về tính đồng nghị, những câu hỏi suy tư chính, và những cách gợi ý để cầu nguyện và biện phân về những câu hỏi này, bao gồm các đoạn Kinh Thánh nên đọc. Người tham dự cũng phải được thông tin về phương pháp được sử dụng tại buổi họp đồng nghị. Họ phải dành thời gian chuẩn bị cá nhân bằng cách sử dụng tất cả những tài liệu này bởi vì điều này là then chốt cho một đối thoại sinh hoa trái.

5. Các câu hỏi suy tư chính phải thích hợp và vắn gọn. Thường tốt hơn là có ít câu hỏi nhưng có thể được đào sâu, hơn là nhiều câu hỏi mà được triển khai cách giả tạo. Thượng Hội Đồng này đặt ra câu hỏi cơ bản sau đây: Một Giáo Hội đồng nghị “đi cùng nhau” khi loan báo Tin Mừng. Việc “đi cùng nhau”này đang diễn ra như thế nào trong Giáo Hội địa phương của bạn? Thần Khí mời gọi chúng ta có những bước đi nào để lớn lên trong việc “đi cùng nhau”?

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta được mời gọi:

- Nhớ lại trải nghiệm của chúng ta: Câu hỏi này gợi nhớ những trải nghiệm nào về Giáo Hội địa phương của chúng ta?

- Đọc lại những trải nghiệm này sâu sắc hơn: Chúng đem lại niềm vui gì? Chúng đối mặt với khó khăn và trở ngại gì? Chúng bộc lộ những vết thương nào? Chúng gợi ra những hiểu biết gì?

- Thu thập hoa trái để chia sẻ: Tiếng nói của Thần Khí vang vọng nơi đâu trong những trải nghiệm này? Thần Khí yêu cầu chúng ta điều gì? Những gì là các điểm được xác nhận, những triển vọng thay đổi, những bước đi để thực hiện? Chúng ta ghi nhận sự đồng thuận ở đâu? Những con đường nào mở ra cho Giáo Hội địa phương của chúng ta?

Việc người tham gia suy tư về hành trình của cộng đoàn địa phương của họ cho đến nay thường rất có kết quả. Lịch sử đời sống đức tin của cộng đoàn là gì? Cộng đoàn đã đi đến nơi họ đang đứng hiện nay như thế nào? Thiên Chúa đã hiện diện như thế nào? Việc cùng nhau nhớ lại quá khứ thường giúp xây dựng cộng đoàn và dẫn dắt con đường tiến bước.

Để giúp người ta thăm dò câu hỏi cơ bản này đầy đủ hơn, 10 chủ đề đã được phát triển để nêu bật lên những khía cạnh quan trọng của việc “sống tính đồng nghị” (Tài Liệu Chuẩn Bị, 30). Những câu hỏi đi kèm mỗi chủ đề trong 10 chủ đề có thể được sử dụng như điểm xuất phát hay hướng dẫn hữu ích cho việc làm phong phú sự tham vấn. Những câu hỏi này có thể được tìm thấy trong Phần 5 của Sổ Tay Vademecum và một phiên bản chi tiết hơn có sẵn trong các tài liệu đi kèm trên trang mạng của Thượng Hội Đồng.

6. Phải bảo đảm rằng có đủ số người trợ giúp nhóm theo phương pháp và định dạng được chọn của buổi họp tham vấn, và họ đã được chuẩn bị thích hợp để thực hiện tiến trình ấy. Đội ngũ những người sẽ chuẩn bị bản tổng hợp tham vấn cũng phải được nhận diện.

7. Tại buổi họp, cầu nguyện cộng đoàn và phụng vụ sẽ đóng một vai trò then chốt. Việc lắng nghe nhau dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa và Thần Khí. Những hình thức cầu nguyền đầy ý nghĩa có thể được dùng là cầu xin sự dẫn dắt và linh hứng của Thiên Chúa và để cho Ngài khắc sâu sự hiệp thông của chúng ta với nhau. Phụng vụ cùng với suy niệm về Kinh Thánh có thể là những phương thế rất hữu ích về mặt này.

8. Một phương pháp thích hợp cho đối thoại nhóm, âm vang những nguyên tắc của tính đồng nghị có thể được sử dụng. Ví dụ phương pháp trò chuyện thiêng liêng (còn gọi là chia sẻ thiêng liêng của thánh I-nhã) cổ vũ sự tham gia tích cực, lắng nghe chăm chú, nói có suy tư, và biện phân thiêng liêng. Người tham dự hình thành các nhóm nhỏ khoảng 6-7 người từ các xuất thân đa dạng. Phương pháp này mất ít nhất 1 giờ và gồm có ba vòng. Trong vòng đầu tiên, mọi người thay phiên nhau chia sẻ hoa trái việc cầu nguyện của mình, liên quan đến những câu hỏi phản tỉnh được phân phát trước (xem số 5 của Phụ Lục này). Không có thảo luận trong vòng này và mọi người tham dự chỉ lắng nghe sâu lắng từng người và chú ý đến việc Thần Khí đánh động bên trong mình, bên trong người nói và bên trong cả cộng đoàn như thế nào. Theo sau là một thời gian thinh lặng để ghi nhận những xúc động bên trong của mình. Trong vòng thứ hai, người tham dự chia sẻ những gì đánh động họ nhất trong vòng thứ nhất và cái gì làm họ cảm động trong thời gian thinh lặng. Một số đối thoại có thể diễn ra, và cùng sự lắng nghe chăm chú thiêng liêng ấy được duy trì. Một lần nữa theo sau đó là thời gian thinh lặng. Cuối cùng trong vòng thứ ba, người tham dự suy tư về những gì có vẻ là âm vang nhất trong cuộc trò chuyện và về cái gì làm họ xúc động sâu sắc nhất. Những hiểu biết mới và cả những câu hỏi chưa được giải quyết cũng được ghi nhận. Những lời nguyện cảm tạ tự phát có thể kết thúc cuộc trò chuyện. Thường mỗi nhóm nhỏ sẽ có một người trợ giúp và một người ghi chép. (một bản mô tả chi tiết tiến trình này được cung cấp trên trang mạng của Thượng Hội Đồng.)

9. Một khi đối thoại nhóm đã diễn ra, người tham dự nên xem lại và chia sẻ về trải nghiệm tiến trình ấy trong nhóm nhỏ của họ. Trải nghiệm của họ như thế nào? Cái gì là những thăng trầm (về cảm xúc)? Họ có lẽ đã khám phá những hiểu biết tươi mới nào? Họ học hỏi được gì về cách triển khai đồng nghị ấy? Thiên Chúa hiện diện và hoạt động như thế nào trong thời gian họ ở cùng nhau?

10. Sau đó người tham dự phải quyết định về phản hồi họ muốn truyền đạt cho đội ngũ tổ chức hay trợ giúp. Những câu hỏi hướng dẫn cho bản tổng hợp giáo phận, như được phác thào trong Phần 4 của Sổ Tay Vademecum có thể được sử dụng làm cơ sở cho phản hổi này ở cấp độ giáo phận (cũng xem Phụ Lục D).

11. Mọi người tham gia sau đó có thể đến với nhau để kết thúc buổi họp. Một đại diện cho mỗi nhóm nhỏ có thể chia sẻ vắn tắt về trải nghiệm của nhóm. Người tham dự phải được thông tin về giai đoạn kế tiếp của Tiến Trình Đồng Nghị, để họ biết phản hồi của họ sẽ đóng góp cho toàn thể Giáo Hội như thế nào. Chúng tôi khuyến nghị rằng cuộc họp kết thúc bằng một kinh nguyện hay bài hát cảm tạ.

12. Sau cuộc họp, các thành viên đội ngũ tổ chức hay trợ giúp có thể gặp gỡ để xem lại toàn bộ trải nghiệm và chuẩn bị bản tổng hợp dựa trên phản hồi mà tất cả các nhóm nhỏ nộp lên. Sau đó họ có thể chuyển tiếp bản tổng hợp cho Người Liên Lạc Giáo Phận.

13. Nếu người ta không thể tham dự cuộc họp đối mặt hay trực tuyến, phải có các nỗ lực để đến với họ qua tin nhắn, điện thoại, vô tuyến hay các phương tiện thích hợp khác. Điều quan trọng là chúng ta cố hết sức để lắng nghe tiếng nói của mọi người, đặc biệt là những người bên lề xã hội.

Để có thêm tài nguyên, xin vui lòng tham khảo trang mạng của Thượng Hội Đồng.

Phụ Lục C: Hội Nghị Tiền Đồng Nghị Giáo Phận

Mỗi Giáo Hội địa phương đạt đỉnh điểm của giai đoạn giáo phận bằng một Hội Nghị Tiền Đồng Nghị Giáo Phận. Hội nghị này cung cấp cơ hội cho đa dạng các thành viên của giáo phận đến với nhau cho một cử hành phụng vụ, cầu nguyện với nhau, suy tư về trải nghiệm của Tiến Trình Đồng Nghị trong giáo phận, đối thoại về thực tại hiện nay của Giáo Hội địa phương và những dấu chỉ thời đại, và biện phân tiếng gọi của Thần Khí cho giáo phận trên con đường đồng nghị. Trong khi nhiều tiến trình tham vấn trong giai đoạn giáo phận có lẽ đã diễn ra trong các cộng đoàn cụ thể của Giáo Hội địa phương, như giáo xứ, các sứ vụ, cả các nhóm giáo hội khác, mục đích của Hội Nghị Tiền Đồng Nghị Giáo Phận là đem lại một tiêu biểu đại diện của toàn thể giáo phận, bao gồm các nhóm thiểu số và những người ở ngoại vi, và để người tham dự có thể cầu nguyện, lắng nghe, suy tư, và biện phân cùng nhau. Sau hội nghị này, kết quả của Hội Nghị Tiền Đồng Nghị Giáo Phận phải được bao gồm như một phần của bản tổng hợp giáo phận, cùng với phản hồi phát sinh từ các buổi họp tham vấn đồng nghị từ khắp giáo phận. (Xem Phụ Lục D để có thêm thông tin về bản tổng hợp giáo phận.)

MỤC ĐÍCH

a. Đạt đỉnh điểm những tháng của giai đoạn giáo phận của tham vấn đồng nghị với Dân Thiên Chúa.

b. Cử hành (phụng vụ) và suy tư về các thực tại và kinh nghiệm phát sinh của hành trình giáo phận đi cùng nhau trên con đường đồng nghị.

c. Nêu bật lên các chủ để chính của các tham vấn giáo phận với một nhóm các đại biểu được chọn từ các cộng đoàn khác nhau của giáo phận.

d. Bao gồm các thành viên của các cộng đoàn đa dạng (giáo xứ, sứ vụ, phong trào, trường học, giáo sĩ, cộng đoàn tu sĩ, người bên lể, giới trẻ, nhóm văn hóa, vân vân) trong việc phản ảnh về trải nghiệm và phản hồi của tiến trình tham vấn, nhắm đến bản tổng hợp giáo phận trên cơ sở những phản hồi nhận được từ khắp giáo phận.

e. Lắng nghe những gì Thiên Chúa đã nói thông qua những người trong giáo phận, biện phân thánh ý của Ngài cho giáo hội địa phương và những nẻo đường Ngài mời gọi Giáo Hội đi theo trong giáo phận, tiến tới sự hiệp thông sâu xa hơn, tham dự trọn vẹn hơn, và sứ mạng sinh hoa trái hơn.

f. Đem đến những thực hành tốt nhất, các con đường đồng nghị, và một động lực và sức sống mới, tiến đến một Giáo Hội đồng nghị hơn của việc đi cùng nhau, lắng nghe nhau, và đồng trách nhiệm.

g. Phát triển bản tổng hợp giáo phận chuyển tải những gì được dân Thiên Chúa chia sẻ trong tiến trình tham vấn trong giáo phận, như một đóng góp cho Tiến Trình Đồng Nghị của toàn thể Giáo Hội.

NGƯỜI THAM DỰ

Các thành viên của hội nghị đồng nghị này tùy thuộc vào hoàn cảnh địa phương của giáo phận. Các giáo phận có thể thích ứng các hướng dẫn này theo dân số, khoảng cách địa lý, tài nguyên sẵn có, xuất thân văn hóa của con người, vân vân. Lý tưởng là nên bao gồm các thành viên sau:

• Giám mục giáo phận, các giám mục phụ tá, và Người / Đội Ngũ Liên Lạc Giáo Phận

• Những người mà tiếng nói của họ thường không được lắng nghe cách thỏa đáng, như là người nghèo, người già, nhóm thiểu số, người bị cô lập, người tàn tật, di dân, người tị nạn, các cộng đồng bản địa, vân vân.

• Các lãnh đạo giáo dân (nam, nữ, giới trẻ của nhiều sứ vụ và thực thể giáo phận khác nhau)

• Các giáo dân khác (nam, nữ, và giới trẻ được mời đến từ các giáo xứ và các tổ chức giáo hội khác)

• Hàng giáo sĩ (linh mục triều, linh mục dòng, phó tế, vân vân)

• Thành viên của các Dòng Tu Đời Sống Thánh Hiến và Hội Đoàn Đời Sống Tông Đồ (phản ảnh sự đa dạng các đặc sủng) và lãnh đạo các tổ chức tông đồ và từ thiện.

• Đại biểu đại kết và liên tôn có quan tâm (và những người khác có thể không phải là Công giáo nhưng có thể đóng góp những tầm nhìn hữu ích cho Giáo Hội)

• Những người có kỹ năng đặc biệt cần thiết cho hội nghị, bao gồm người trợ giúp và các chuyên gia thần học hay mục vụ trong ngành giáo hội học.

NGHỊ TRÌNH VÀ HÌNH THỨC CỦA HỘI NGHỊ TIỀN ĐỒNG NGHỊ GIÁO PHẬN

Nghị trình của hội nghị này sẽ là ghi dấu hành trình đồng nghị trong giáo phận cho đến nay, suy tư về những phản hồi nhận được từ tiến trình tham vấn trên khắp giáo phận, và tiến tới việc phát triển bản tổng hợp giáo phận biểu hiện những thành quả của việc lắng nghe và biện phân của Dân Thiên Chúa trong giáo phận. Bản tổng hợp giáo phận này sẽ là đóng góp của giáo phận được gởi đến hội đồng giám mục.

Hình thức của hội nghị này sẽ được định hình trong sự biện phân với vị Giám Mục và Người / Đội Ngũ Liên Lạc Giáo Phận, để theo đuổi cách hiệu quả nhất các mục đích nói đến ở trên trong bối cảnh của giáo phận. (Xem trang mạng của Thượng Hội Đồng để có thêm các gợi ý và tài nguyên.) Chúng tôi mạnh mẽ khuyến nghị rằng giai đoạn giáo phận đạt đỉnh điểm trong một cử hành phụng vụ, cảm tạ Thiên Chúa về những gì được trải nghiệm và khẩn cầu sự dẫn dắt của Thần Khí trên con đường phía trước. Việc sắp xếp các yếu tố khác của hội nghị như thế nào có thể được từng giáo phận biện phân. Người Liên Lạc Giáo Phận sẽ chịu trách nhiệm về việc tổng hợp mọi phản hồi nhận được từ tiến trình tham vấn trên khắp giáo phận. Phản hồi có thể được trình bày cho người tham dự tại hội nghị đỉnh điểm giai đoạn giáo phận.

KHẢ NĂNG TIẾN HÀNH HỘI NGHỊ ĐỒNG NGHỊ TRỰC TUYẾN HAY HỖN HỢP (HỘI NGHỊ ĐỒNG NGHỊ ĐIỆN TỬ)

Có thể cần thiết hay hữu ích khi sắp xếp các hội nghị trực tuyến hay hỗn hợp, cho các buổi tham vấn địa phương hay cho cử hành của giáo phận, ở đỉnh điểm của tiến trình trên khắp giáo phận. Các hội nghị trực tuyến hay kết hợp hội nghị trực tuyến và trực diện có thể là một chọn lựa hiệu quả, đặc biệt giữa đại dịch Covid-19. Cần có sự chăm lo đặc biệt để bảo đảm rằng các hội nghị trực tuyến hay hỗn hợp này diễn ra trong tinh thần cầu nguyện, hiệp thông, và chăm chú lắng nghe nhau và lắng nghe Thần Khí. Người trợ giúp hay điều tiết phải bảo đảm rằng tất cả mọi người tham dự có thể đóng góp và tiếng nói của họ được nghe thấy, bao gồm những người không thoải mái lắm hay quen thuộc lắm với công nghệ.

VAI TRÒ CỦA GIỚI TRẺ TRONG HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN HAY HỖN HỢP (HỘI NGHỊ ĐỒNG NGHỊ ĐIỆN TỬ)

Chúng tôi khuyến khích các giáo phận bao gồm giới trẻ vào việc lên kế hoạch và thực hiện các hội nghị đồng nghị điện tử này, nhờ đó thăm dò những cách thức sáng tạo để làm cho hội nghị dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng cho mọi người tham dự, ghi nhớ những nhu cầu đa dạng của các nhóm tuổi khác nhau.

Các công cụ như phương tiện truyền thông, nền tảng ảo, và công nghệ tương tác có thể đem ra sử dụng để đến với nhiều người hơn và thu thập các câu trả lời có thể được chuyển giao cho Người / Đội Ngũ Liên Lạc Giáo Phận. Giới trẻ có thể đóng vai trò chính trong việc đóng góp một cách sáng tạo và hiệu quả vào những nỗ lực này.

Phụ Lục D: Chuẩn Bị Bản Tổng Hợp Giáo Phận

Bản tổng hợp giáo phận chuyển tải những hoa trái chính của sự biện phân của toàn thể Dân Chúa trên khắp giáo phận. Chúng tôi khuyến nghị rằng điều này phải được nắm bắt trong một tài liệu văn bản trong tối đa 10 trang. Những tài liệu khác như hình ảnh, video, câu chuyện, biểu hiện nghệ thuật và chứng từ cá nhân có thể được đệ trình đính kèm, miễn là chúng giúp đem đến trải nghiệm và phản hồi của người tham dự.

Bản tổng hợp giáo phận phải phản ảnh sự đa dạng các quan điểm và ý kiến được bày tỏ, và đặc biệt chú ý đến trải nghiệm sống của người tham dự, cả tích cực lẫn tiêu cực. Bản tổng hợp phải trung thành với tiếng nói của người ta và với bất cứ cái gì phát sinh từ sự biện phân và đối thoại của họ, hơn là một loạt những phát biểu đúng được khái quát hóa hay về mặt giáo thuyết. Các quan điểm trái ngược với nhau không cần bị loại trừ, nhưng có thể được nhận biết đúng như thế. Các quan điểm không cần bị loại trừ chỉ vì chúng được bày tỏ bởi một thiểu số nhỏ những người tham dự. Quả thực thỉnh thoảng tầm nhìn của cái mà chúng ta có thể gọi là “báo cáo thiểu số” có thể là một lời chứng ngôn sứ cho cái gì Thiên Chúa muốn nói với Giáo Hội.

Nội dung của bản tổng hợp có thể được tổ chức theo những câu hỏi sau đây, như các gợi ý. Mục tiêu là chuyển tải cách thích đáng đa dạng hoa trái, hiểu biết, niềm vui, và thách đố của trải nghiệm và biện phân đồng nghị nơi những người của giáo phận.

• Về tiến trình tham vấn, những bước đi chính được thực hiện trong giáo phận là gì? Những câu hỏi chính được đặt ra là gì? Đã làm gì để bao gồm càng nhiều người tham dự càng tốt và đến với vùng ngoại vi? Khoảng bao nhiêu phần trăm số người trong giáo phận tham gia cách này hay cách khác? Có nhóm người nào mà sự tham gia của họ là đăc biệt đáng ghi nhận không? Có những nhóm người cụ thể nào không tham gia vì lý do nào đó không?

• Điều gì là có ý nghĩa nhất về toàn bộ trải nghiệm tham vấn? Cao điểm và thấp điểm là gì, hay những an ủi và phiền muộn? Có thể ghi nhận những khuynh hướng, thái độ hay cảm xúc nào? Những căng thẳng hay bất đồng nào phát sinh từ tiến trình lắng nghe? Những chủ đề hay vấn đề nào phát sinh các quan điểm đa dạng? Nói chung thì cái gì là hoa trái mà Thần Khí đã mang lại thông qua trải nghiệm này?

• Trong những phản hồi từ các cuộc họp đại phương, cái gì là đặc biệt có ý nghĩa, gây ngạc nhiên hay không được mong đợi? Những tầm nhìn mới hay chân trời mới nào đã mở ra? Những câu chuyện cụ thể hay trải nghiệm đời thực nào là đặc biệt cảm động và tại sao? Những quan điểm nào dường như có âm hưởng mạnh mẽ? Những quan điểm nào ít được nhắc đến, nhưng thú vị và đáng ghi nhận?

• Nói chung thì Thần Khí đã linh hứng cho cộng đoàn nhìn thấy cái gì về thực tại hiện nay của tính đồng nghị trong giáo hội địa phương, bao gồm ánh sáng và bóng râm hiện nay? Người tham dự phải nói gì về những lĩnh vực nơi mà Giáo Hội cần chữa lành và hoán cải, trong đời sống thiêng liêng, văn hóa, thái độ, cơ cấu, thực hành mục vụ, quan hệ, và tầm với truyền giáo?

• Thần Khí đang mời gọi giáo hội địa phương phát triển trong tính đồng nghị theo những cách thức nào?Những người tham dự bày tỏ những ước mơ, mong muốn và khát vọng gì cho giáo hội? Dựa trên phản hồi của họ, giáo phận cảm thấy được kêu gọi để thực hiện những bước di nào để trở nên đồng nghị hơn? Những bước tiếp theo tiến lên cho giáo phận trên con đường đồng nghị là gì, trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội?

• Những hình tượng văn hóa nào nói lên trải nghiệm đồng nghị của chúng ta?

Chúng tôi khuyến nghị rằng bản tổng hợp được chuẩn bị bởi một đội ngũ nhỏ hơn là một hội nghị lớn. Đội ngũ này sẽ thực hiện nhiệm vụ trong sự cộng tác với Giám Mục giáo phận và Người Liên Lạc Giáo Phận. Họ nên đọc tất cả phản hồi đệ trình trong tinh thần cầu nguyện. Các cuộc họp của đội ngũ này phải có tính đồng nghị và biện phân thiêng liêng, lắng nghe tiếng nói sống động của Dân Chúa trên khắp giáo phận dưới sự hướng dẫn của Thần Khí.

Mỗi giáo phận có thể chọn chuẩn bị bản tổng hợp trước hay sau Hội Nghị Tiền Đồng Nghị Giáo Phận, miễn là hoa trái của cuộc họp đó cũng được hội nhập vào bản tổng hợp của giáo phận. Càng nhiều càng tốt, mỗi người phải cảm thấy rằng tiếng nói của mình đã được trình bày trong bản tổng hợp. Như một hình mẫu của sự minh bạch, các thành viên của đội ngũ soạn thảo, cũng như tiến trình tổng hợp các phản hồi có thể được công khai cho mọi người biết. Chúng tôi mạnh mẽ khuyến nghị rằng bản tổng hợp phải được công khai một khi đã xong bản nháp, như một viên đá thử vàng cho hành trình của giáo phận trên con đường đồng nghị. Càng nhiều càng tốt, có thể trao cho Dân Chúa những cơ hội để xem xét lại và phản ứng với nội dung của bản tổng hợp giáo phận trước khi nó được chính thức gởi cho hội đồng giám mục.

 



[1] Nguyên bản kinh Adsumus Sancte Spiritus có thể được tìm thấy trên trang mạng của Thượng Hội Đồng.

[2] Đức Phan-xi-cô, Thư gởi Dân Thiên Chúa (20/8/2018)

[3] Đức Phan-xi-cô, Diễn văn lễ kỳ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng các Giám Mục (17/10/2015)

[4] Đức Phan-xi-cô, Diễn văn lễ kỳ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng các Giám Mục (17/10/2015)

[5] Đức Phan-xi-cô, Diễn văn lễ kỳ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng các Giám Mục (17/10/2015)

[6] Ghi chú: Trong Sổ tay vademecum và mọi phụ lục và tài nguyện đi kèm, từ “giáo phận” chỉ các Giáo Hội địa phương nói chung, và có thể thay thế bằng từ giáo khu, giáo hạt tòng nhân, hay bất kỳ một thực thể giáo hội tương đương.