Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Có Phải Không Có Tiền Nộp Cho Giáo Xứ Thì Không Được Lãnh Bí Tích?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Một độc giả đã viết cho tôi và cho biết về một việc “động trời” như sau :
Tại Giáo xứ Tân Hội, Tỉnh Hà Tĩnh thuộc địa phận Vinh, có gia đình một giáo dân kia, ông Hoàng Ngọc Điền (Đt: 0972323019) đã đóng đợt đầu cho giáo xứ là 2 triệu đồng (VN) để xây nhà thờ. Nhưng vì giáo xứ mua thêm miếng đất nữa nên đợt thứ 2 này mỗi gia đình phải đóng 4 triệu đồng nữa. Gia đình ông Điền chỉ đóng thêm được 1 triệu, và còn thiếu 3 triệu nữa.Vì không đóng đủ 4 triệu cho đợt 2, nên cha quản xứ đã không cho cháu nội của ông này được rửa tội và cũng không cho con út của ông này xưng tội rước lễ lần đầu !! Ông có đến gặp cha Quản hạt để xin giúp đỡ, thì được cha trả lời là “về đóng đủ tiền đi đã” !! Như vậy vì không có tiền đóng đủ cho giáo xứ nên con cháu ông Điền tạm thời không được lãnh các bí tích cần thiết !

Nếu chuyện này có thực như vậy, thì đây là bằng chứng cho thấy một số không nhỏ các linh mục đã coi trọng tiền bạc hơn lợi ích thiêng liêng của giáo dân khiến nhiểu giáo dân đã xa lìa Giáo Hội vì chủ chăn không thi hành đúng chức năng dạy dỗ và phục vụ của mình. Tệ hại hơn nữa là chủ chăn đã coi việc ban các bí tích của Chúa Kitô như những món hàng thương mại để bán lấy tiền chứ không phải là ơn sủng phải được ban phát nhưng không (gratuitously) nghĩa là không phải trả tiền cho ai muốn lãnh nhận. Như thế, chủ chăn đã nêu gương rất xấu là phạm tội “mại thánh = simonia” vì đã vô tình hay cố ý “bán bí tích” cao trọng của Chúa để lấy tiền dù là để xây nhà thờ!
Tuyệt đối không có giáo lý, giáo luật nào của Giáo Hội cho phép làm việc này
Thật vậy, Giáo Hội của Chúa Kitô không phải là một Cơ sở thương mại lo việc buôn bán, mà là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa, hoạt động trong trần thế với Sứ mạng hoàn toàn siêu nhiên là rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa và phục vụ cho những lợi ích thiêng liêng của giáo dân, như đoàn chiên được trao phó cho mình coi sóc để dẫn đưa về với Chúa Kitô, Đấng Chăn Chiên lành “Đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10: 11).
Đằnh rằng Giáo Hội hoàn vũ (Universal Church) cũng như Giáo Hội địa phương (Local Church) đều cần đến các phương tiện vật chất như nhà ở, nhà thờ, nhà nguyện, tiền bạc, xe cộ, máy móc… để hoạt động mục vụ, nhưng không vì những nhu cầu này mà biến giáo xứ thành cơ sở thương mại để ai có tiền thì được lãnh các bí tích, được mang xác vào nhà thờ khi chết, được mời nhiều cha đồng tế, và được cha xứ tiễn đưa ra nghĩa trang. Ngược lại, ai nghèo túng, không thân quen với cha xứ hay không có đủ tiền đóng cho giáo xứ thì, có chết cũng không được mang xác vào nhà thờ (như đã xảy ra ở một giáo xứ kia, có người làm chứng) thân nhân là linh mục cũng không được đồng tế, và cha xứ cũng không ra nghĩa trang cử hành nghi thức an táng! Hoặc vì nghèo, không đủ tiền đóng cho giáo xứ nên con cháu không được lãnh các bí tích rửa tội và xưng tội rước Lễ lần đầu như trường hợp gia đình ông Điền nói trên!
Nếu vậy nghèo túng là một cái tội hay sao? Và nếu, không có tiền đóng đủ cho giáo xứ- dù để xây nhà thờ- thì bị loại ra khỏi giáo xứ, ra khỏi Giáo Hội vì không được lãnh bí tích nào?
Luật nào của Giáo hội cho phép làm như vậy?
Giáo luật của Giáo Hội hay luật “rừng rú”- của ai đã tự chế ra để làm khó dễ cho giáo dân nghèo không đủ tiền đóng cho giáo xứ theo đòi hỏi của Cha xứ?
Nếu phục vụ đúng với chức năng của mình và thi hành đúng kỷ luật bí tich, phụng vụ của Giáo Hội, thì không linh mục nào được phép coi tiền bạc là điều kiện để ban các bí tích cho ai đáng được lãnh nhận theo giáo luật. Theo giáo lý và giáo luật của Giáo Hội, ai muốn lãnh nhận bí tích nào thì phải hội đủ điều kiện như cha mẹ phải là người Công giáo thì con cái mới được rửa tội, thêm sức và rước lễ lần đầu sau khi được chuẩn bị thích hợp về mặt giáo lý. Thanh thiếu niên hay người lớn tuổi ngoài Công giáo muốn xin gia nhập Giáo Hôi thì phải được hướng dẫn và dạy giáo lý chu đáo trước khi được rửa tội, thêm sức và rước Thánh Thể lần đầu. Nhưng tuyệt đối không có luật nào buộc cha mẹ phải đóng tiền đủ cho giáo xứ thì con cháu mới được rửa tội và rước lễ lần đầu. Vậy nếu họ nghèo đến mức không thể đóng được đủ số tiền cho giáo xứ thì con cháu hộ không được lãnh bí tích nào hay sao? Như thế thì cha xứ đã “bán” chứ không phải ban bí tích theo luật Giáo Hội đòi hỏi. Liên can đến việc rửa tội cho trẻ con, giáo luật số 867, triệt 1 đã nói rõ như sau:
“Cha mẹ có bổn phận lo cho con mình được rửa tội ngay trong những tuần lễ đầu tiên. Vào dịp sớm nhất sau ngày sinh, hay kể cả trước ngày sinh, cha mẹ hãy đến gặp cha sở để xin rửa tội cho con và xin được chuẩn bị kỹ lưỡng về bí tích.” (cf. can no. 867 & 1)
Như vậy cha sở kia có giúp đỡ chuẩn bi cho cháu nội ông Điền được rửa tội, hay tạo khó khăn để “ngâm tôm” cho đến khi gia đình này nộp đủ 4 triệu đồng cho giáo xứ rồi mới được rửa tội và xưng tội lần đầu? Và nếu gia đình ông này không thể đóng đủ số tiền nói trên thì con cháu ông sẽ mãi mãi không được lãnh các bí tích cẩn thiết hay sao?
Như thế, Giáo Hội còn là nơi thờ phượng và lãnh nhận nhưng không (không tốn tiền) các bí tích hay là nơi “buôn thần bán thánh”, một tội mà Giáo Lý của Giáo Hội đã lưu ý như sau :
Tôi buôn thần bán thánh là mua hoặc bán các thực tại thiêng liêng…Không thể chiếm lấy các lợi ích thiêng liêng làm của riêng mình và tùy ý sử dụng như kiểu một người sở hữu chủ hoặc một ông chủ, bởi vì các ơn ích thiêng liêng này bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể nhận được từ nơi Thiên Chúa cách nhưng không (gratuitously)” (x. SGLGHCG, số 2121)
Căn cứ vào lời dạy trên đây, thì không có cách nào có thể biện minh được cho việc từ chối ban bí tích (ơn ích thiêng liêng nhưng không từ Thiên Chúa) chỉ vì người ta không đủ tiền đóng cho giáo xứ? Xây nhà thờ hay mua đồ thờ phượng, -tuy cần thiết cho việc phụng tự- nhưng hoàn toàn không phải là lý do để “treo bí tích” cho ai như linh mục Quản xứ kia đang làm và được sự đồng tình của linh mục Quản Hạt! Đây chính là hành vi buôn thần bán thánh tức tội simonia mà Giáo Hội đã nghiêm cấm, vì các linh mục đó đã ngang nhiên đòi tiền trước khi ban bí tích. Việc này hoàn toàn trái ngược với giáo lý sau đây của Giáo Hội:
Ngoài những khoản dâng cúng do thẩm quyền ấn định, thừa tác viên không được đòi hỏi gì cho việc ban các bí tích. Và phải lo liệu để những người nghèo túng đừng mất ơn nhận lãnh các bí tích vì cảnh nghèo khó của họ…” (Sđd số 2122)
Giáo luật số 947 cũng nói rõ như sau:
“Trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán, thương mại”.
Khoản tiền dâng cúng do thẩm quyền (Tòa Giám Mục) ấn định nói trên là bổng lễ (mass stipend = Missarum) mà linh mục dâng lễ theo ý người xin được hưởng. Nhưng giáo luật cũng khuyên rằng: “các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ cúa tín hữu, nhất là những người nghèo, kể cả khi không có bổng lễ.” (giáo luật số 945, triệt 2)
Như thế chỉ riêng việc xin lễ cầu theo ý giáo dân mới được phép nhận “thù lao” hay bổng lễ ở mức do Tòa Giám mục địa phương ấn định mà thôi.. Nhưng nếu người xin lễ không có tiền vì nghèo túng thì linh mục cũng được khuyên nên làm lễ cho họ dù không có tiền xin lễ theo khoản giáo luật nói trên. Ngoài bổng lễ ra, các linh mục và cả giáo xứ không được phép đòi bổng lể (tiền) khi ban các bí tích khác như Rửa tội, Thêm sức, Xưng tội, Xức dầu bệnh nhân, Chứng hôn hay cử hành lễ an táng cho ai giầu hay nghèo, vì không có khoản giáo luật nào cho phép đòi tiền của ai khi ban các bí tích và cử hành hôn phối hay tang lễ. Nếu người ta có lòng hảo tâm muốn tặng tiền cho các linh mục trong những trường hợp trên thì linh mục được phép nhận, nhưng tuyệt đối không được đòi tiền trước khi ban một bí tích nào. Chắc chắn như vậy.
Do đó, từ chối không ban bí tích Rửa tội và xưng tội rước lễ lần đầu, chỉ vì gia đình chưa nộp đủ tiền cho giáo xứ xây nhà thờ là rõ rệt vi phạm lời dạy giáo lý và giáo luật nói trên của Giáo Hội. Đây là những lợi ích thiêng liêng xuất phát nhưng không từ Thiên Chúa, (Chúa không đòi ai trả đồng xu cắc bạc nào để lãnh nhận ơn thánh của Người) nên không ai được phép bán hay gắn việc ban bí tích vào điều kiện phải nộp tiền đủ cho giáo xứ rồi mới được lãnh các bí tích. Làm như vậy là rõ ràng mắc tội Simonia, tức buôn thần bán thánh, một hành vi làm nhơ uể cho Giáo Hội và làm mất uy tín, thanh danh của hàng giáo sĩ, là những người được mời gọi để phục vụ theo gương Chúa Kitô, chứ không phải để được người ta phục vụ và trả công như người đời.
Đằnh rằng giáo dân trong một xứ Đạo có bổn phận góp phần xây dựng Giáo xứ, tùy theo khả năng tài chính của mình. Nhưng việc xin lãnh các bí tích phải hoàn toàn không lệ thuộc vào việc có đóng góp đầy đủ cho giáo xứ hay không.Chỉ được phép từ chối ban bí tích cho những ai không hội đủ điều kiện theo giáo lý và giáo luật của Giáo Hội qui định mà thôi. Thí dụ, người chưa được rửa tội thì không thể lãnh các bí tích Thêm sức, Hòa giải, Thánh Thể và Xức dầu.
Nghĩa là phải được rửa tội trước rồi mới có thể lãnh thành sự (valid) các bí tích khác. Người ngoài công Giáo không được phép Rước Lễ dù có tham dự lễ chung với người Công Giáo. Người đang có trở ngại về hôn phối, thì tạm thời không được xưng tội và rước Lễ… Ngoài ra, tuyệt đối không có luật nào cho phép từ chối ban bí tích, hay “tạm treo bí tích” chỉ vì nghèo, chưa đủ tiền đóng cho giáo xứ xây nhà thờ.
Ai làm ngược lại là đã biến giáo xứ thành một sơ sở thương mại, và biến bí tích thành những món hàng đổi chác để kiếm tiền chứ không còn là một tài sản thiêng liêng ban phát nhưng không cho người muốn lãnh nhận hợp pháp để sống đức tin sung mãn trong môi trường Giáo hội địa phương (Giáo phận, Giáo xứ) hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ. Không ban bí tích chi vì người ta nghèo không có tiền đóng đủ cho giáo xứ là vi phạm giáo lý và giáo luật của Giáo Hội dạy phải ban các bí tích cách nhưng không (không tốn tiền) cho những ai đã được chuẩn bị kỹ về mặt giáo lý và không có gì ngăn trở về mặt giáo luật. Xin nói lại là linh mục chỉ không ban bí tích khi có ngăn trở về mặt giáo luật mà thôi. Thí dụ ai đang sống chung như vợ chồng mà chưa kết hôn hợp pháp trong Giáo Hội thì tạm thời không được xưng tội và rước Mình Thánh Chúa cho đến khi tình trang hôn phối của họ được giải quyết thỏa đáng theo giáo luật. Ai không phải là người Công giáo đang sống hợp pháp trong Giáo Hội thì không thể là cha, mẹ đỡ đầu cho trẻ em hay người lớn xin rửa tội được … Nhưng không đóng đủ tiền cho giáo xứ thì không thể là ngăn trở để xin lãnh bất cứ bí tích nào.
Như vậy, linh mục Quản xứ kia định “ngâm tôm bí tích” cho con cháu ông Điền đến bao giờ? và ai phải chịu trách nhiệm về việc các em không được lãnh nhận ơn Chúa qua các bí tích rửa tội và xưng tội rước lễ lần đầu theo luật định?
Linh mục lo lợi ích thiêng liêng cho giáo dân hay lo kiếm tiền và không một chút thương cảm đối với người nghèo chưa đủ tiền nộp cho giáo xứ xây nhà thờ?
Tôi thách đố linh mục Quản xứ và Quản Hạt kia trưng được cơ sở giáo lý, giáo luật nào cho phép các ngài từ chối ban bí tích chỉ vì giáo dân nghèo chưa đủ tiền đóng cho giáo xứ, như trường hợp gia đình ông Điền.
Cũng vì não trạng sai lầm này nên ở Mỹ, một vài giáo xứ do linh mục Việt- Nam trông coi, đã đòi gia chủ phải xuất trình bao thư (phong bì) chứng minh có đóng góp tiền hàng tuần cho giáo xứ để cho con cái được học giáo lý rửa tội, rước lễ lần đầu, thêm sức, hay được cử hành tang lễ cho thân nhân qua đời !, một tình trạng mà không một giáo xứ Mỹ nào đã áp dụng. Khi có ai chết và thân nhân đến xin cử hành tang lễ, thì không một cha xứ Mỹ nào được từ chối dù người chết không thuộc giáo xứ mình hay không ghi tên vào một giáo xứ nào.Lại nữa, các Giáo xứ Mỹ, Mễ, Đại Hàn, Trung Hoa… đều có những chương trình gây quĩ hàng năm, như tổ chức hội chợ, Bazaar để kiếm tiền cho giáo xứ. Nhưng không hề có luật lệ nào buộc mọi giáo dân trong xứ phải tham gia ủng hộ, nếu không thì không được nhận các bí tích như trường hợp quái gở ở giáo xứ kia bên Việt Nam.
Là người chăn chiên, các linh mục, nhất là Giám mục, đều được mong đợi nói gương Chúa Giêsu, là Mục Tử nhân lành đã hiến mang sống mình cho đoàn chiên. Do đó, người mục tử không những có sứ mạng dạy dỗ giáo lý đích thực của Chúa Kitô mà còn có tránh nhiệm rất cao trọng là chăn dắt đoàn chiên được trao phó cho mình được sống sung mãn với các lợi ích thiêng liêng xuất phát từ các bí tích được Chúa Kitô thiết lập để thông ban ơn cứu độ của Người cho mọi dân mọi nước cho đến ngày cánh chung. Do đó, với những chủ chiên không dạy dỗ cách chính trực và săn sóc đúng mức cho đàn chiên của mình khiến nhiều con bị lạc hay bị sói rừng ăn thịt thì hãy nghe lời Chúa cảnh cáo sau đây qua miêng Ngôn sứ Giê-rê-mia:
Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác,
Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: “Vì thế ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Israel, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác, các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi.” (Gr 23:2)
Những mục tử đang làm cho đoàn chiên của Chúa phải tan tác vì dạy dỗ sai lầm, vì hách dịch cửa quyền không thua gì những kẻ cầm quyền dân sự trong một xã hội đầy bất công, gian dối, xảo trá, tham mê tiền của hơn chuộng công bình và nhân ái. Cũng làm cho đoàn chiên tan tác vì chủ chăn tham lam của cải vật chất tiền bạc khiến coi trọng và làm thân với người giầu có, nhưng lại coi thường người nghèo không có quà cáp biếu xén thường xuyên. Đặc biệt, những mục tử “buôn thần bán thánh” dùng bí tích làm phương tiện để bắt bí giáo dân nghèo chưa có đủ tiền đóng cho nhu cầu của Giáo Xứ.
Như vậy Giáo Hội phục vụ cho ai và cho lợi ích nào? cho phần rỗi của con chiên hay cho túi tiền của chủ chiên? Ai rơi vào hoàn cảnh khó khăn đầy bất công này thì hãy mạnh dạn trình cho Đức Giám Mục sở tại biết để xin ngài can thiệp kịp thờ, vì chắc chắn không Giám mục nào lại có thể làm ngơ hay tha phép cho việc sai trái nói trên, để cho những giáo dân nghèo khỏi bị các chủ chăn làm khó dễ, bắt bí chỉ vì không có tiền đóng cho các ngài là những chủ chăn thiếu bác ái Phúc Âm, thiếu thông cảm của người mục tử, vì chỉ coi trọng đồng tiền trên hết, thay ví sống cái nghèo của Chúa Kitô, Đấng nghèo đến nỗi “không có chỗ tựa đầu, trong khi con chồn có hang, chim trời có tổ.” (Mt 8:2).
Chúa nói: “ai có tai nghe thì nghe”. (Mt 13: 43; Mc 4: 23; Lc 8: 8)
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét