Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Chuông - Tiếng chuông

      Từ bao đời nay, nhân loại nói chung và dân Việt nam ta nói riêng, không ai lại không biết đến tiếng chuông, chẳng ai mà cả một đời lại không được nghe tiếng chuông. Từng tiếng chuông ngân nga chậm rãi, trang nghiêm, nghe âm thanh lúc rộn ràng lúc sâu lắng, thúc giục lòng người  mỗi buổi sớm hôm. Nghe tiếng chuông ngân mà trong lòng thấy cứ muốn đến mau nơi ấy để sống giây phút tĩnh tâm và hướng tới. Tiếng chuông đã đi vào thi ca: "làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều - tiếng chuông nhà thờ rung". Ngày lại ngày những tiếng chuông mời gọi ta hội về để cùng nhau nguyện cầu Chúa ban muôn phước ân lành cho nhân loại, những hồi chuông vui mừng nối duyên đôi lứa uyên ương và cả những hồi chuông rỉ rền đưa tiễn linh hồn kẻ chết về nghỉ yên nơi miền cực lạc.
Những người Việt đam mê tiếng chuông còn phân biệt về các loại chuông  là: chuông Tây, chuông Ta nữa. 
       Chùa Thiên mụ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu(1691 - 1725) đã cho đúc một chiếc chuông lớn, nặng tới trên hai tấn gọi là Đại Hồng Chung, tiếng chuông được đưa vào trong Bài minh, có đoạn: "...Một trăm lẻ tám tiếng chuông, tiêu tan trăm nỗi oan kết muộn phiền. ba ngàn thế giới tỉnh ba duyên..." 
Chuông được đánh mỗi ngày hai lần vào lúc 19h30 và 3 giờ sáng (mùa hè), 4 giờ sáng (mùa đông). Ngày nay  khi không còn nghe tiếng pháo Giao thừa, người ta lắng nghe và xem đánh chuông lúc nửa đêm. 
     Nhà thờ Đức bà Sài-Gòn với bộ chuông gồm sáu trái, nặng tới 29 tấn. Sáu trái chuông mang sáu âm: Sol, La, Si, Do, Re, Mi, không có âm Fa. trong đó có trái chuông nặng nhất gần 9 tấn mang âm Sol trầm. Bộ chuông này được đúc tại xưởng đúc chuông của hãng Bollee-Bolee Et Ses Fils, tại Mans nằm gần Orleans (Pháp), và được Giám mục Hiệu tòa Samoteno làm phép tại xưởng đúc rồi chuyển qua Việt Nam vào năm 1879, một năm trước khi nhà thờ Đức Bà được khánh thành. Việc đổ chuông nhà thờ được điều khiển bằng động cơ điện 3 pha. Đặc biệt những động cơ này được lắp đặt cách đây cả trăm năm nhưng vẫn còn hoạt động rất tốt. Hệ thống đổ chuông này gồm một động cơ điện có gắn nhông và nhông liên kết với một sợi dây xích giống như sợi dây xích xe Honda, qua đó động cơ kéo theo bánh xe chuông khiến chuông chuyển động.
      Nhà thờ Nha trang với một bộ chuông gồm ba trái, trong đó chuông lớn nhất là chuông do hãng Paccard-Pháp cung cấp và của bà Đỗ Hữu Trí ở Sai Gon dâng tặng vào năm 1930. Hai chuông nhỏ hơn là của một hãng đúc chuông khác cũng của Pháp và do Linh mục Vallet dâng tặng vào năm 1939. 
      Và đây là bộ chuông ba trái của nhà thờ Châu Nam, thuộc huyện Hóc Môn, Sài gòn. Bộ chuông này được hãng chuông Bolee của Pháp đúc vào năm 2010. Hãng đúc chuông Bolee này cũng là hãng đã đúc bộ chuông nhà thờ Đức Bà-Sài Gòn vào năm 1879. Ba chuông này theo hợp âm Đô trưởng với chuông Sol có đường kính 1m, nặng 640kg; chuông Đô có đường kính 74cm, nặng 250kg và chuông Mí với đường kính 58cm và nặng 130kg. Bộ chuông này giá trị khoảng 900 triệu đồng vào thời điểm năm 2010. Cũng bởi vì các bộ chuông này đều có nguồn gốc từ nước Pháp nên nhiều người Viêt còn gọi là chuông Tây.
       Các Giáo xứ, Giáo họ trên địa bàn Giáo phận Vinh cũng có nhiều quả chuông rất tuyệt, đặc biệt nhất là bộ chuông trên tháp nhà thờ chính tòa Giáo phận Vinh, âm thanh chẳng thua kém gì so với bộ chuông nhà thờ Đức bà Sài-Gòn. 
       Tuy nhiên, bên cạnh những bộ chuông có giá trị và tiếng tăm như thế thì tại một số nhà thờ Giáo xứ, Giáo họ trên địa bàn Giáo phận Vinh, lại mới xuất hiện những bộ chuông mà sau khi nghe và tìm hiểu qua những bà con nơi đây mới rõ là chuông Nhái.
Khi hỏi chuông Nhái là sao? thì có người đã nói vui và cũng nói thật:
"...là nhái lại tiếng chuông của người ta, khi đã gọi là nhái rồi thì chẳng phải chuông Tây mà cũng chẳng phải chuông Ta nữa...", 
Thế thì là chuông gì?  
"... là chuông choa, mà chuông choa thì rất là ngoa..." 
Ngoa?
 "...thì không ngoa sao: Trên đỉnh tháp nhà thờ, bọn choa treo bốn cái loa to chìa ra bốn hướng, nối dây với dàn Amply có công suất rất chi là cao, kết với đầu đĩa CD và trong đó có một đĩa ghi âm thanh khi đang đổ của một bộ chuông khủng nào đó và như thế cứ  khi nào mở máy là đổ chuông, nghe đến tận cả huyện luôn..." 
Thế là của giả, hàng nhái? 
"...giả thật, quả thật là giả..." 
Thế tại sao mình không dùng của thật? 
"...phải xài kiểu đó mới độc đáo chứ, nghe chuông choa kiểu ni hoành tráng hơn..." 
     Chính cái nết "...nghe đến tận cả huyên luôn...,chuông choa kiểu ni mới hoành trángnhờ bộ Loa máy công suất cao này mà đã làm không ít người bức xúc, ca thản vì phải nghe những âm thanh của bộ "...chuông choa..."  tra tấn mỗi khi nó "Đổ", âm thanh của loại chuông này vì phải mở hết công suất cho những người ở xa nghe được thì lại thật khổ cho những ai ở gần phải chịu tra tấn.
     Mình còn nghèo chưa đủ tiền mua chuông Tây chuông Ta thì sao không dùng Trống, Chiêng  theo truyền thống từ bao thế hệ, những âm thanh này cũng đã bao đời in sâu vào tận tâm can và cả những kỷ niệm của mỗi người, mỗi con chiên xứ đạo.  Còn chưa quên những năm tháng khi chưa có đồng hồ để báo thấc, người ta hỏi han nhau: "...Đi khi mô? Sớm mai thấc dậy lúc nào? thì thường nhận được câu trả lời: "...Đi từ lúc Cụ (linh mục) đánh chiêng, ...thức dậy từ khi Cụ đánh chiêng lễ..., nghe chiêng lễ là ta đi nha..." Những câu trả lời phát xuất từ đầu môi, nhưng đã chứng tỏ  tiếng Trống, tiếng Chiêng như đã quyến rũ và ghi sâu vào tận đáy hồn người và là điểm mốc thời gian cho cuộc mưu sinh.
      Thiết nghĩ, các quý vị Chức sắc Bề trên cùng với Ban Phụng vụ trong Giáo hội Công giáo nói chung và Giáo phận Vinh nói riêng,  nên có những động thái nghiêm khắc đối với  việc sử dụng loại chuông  kiểu này, gây bức xúc cho nhiều thành phần trong dân và đặc biệt là đi ngược lại với lời Chúa đã dạy: " Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống..." (Ga 14,6)  

Bienluu
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét