Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Lão nông nghèo với hành trình 10 năm nhặt hàng vạn xác thai nhi


 Xem lại sổ sách, ông Nho cho biết đã thu gom và chôn cất được 24.684 xác thai nhi xấu số từ khắp các phòng khám, bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
“Ông Nho khùng, bị ma nhập” Gần mười năm qua, ông Nguyễn Văn Nho (Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội) cứ miệt mài đến các bệnh viện, phòng khám tư để gom xác các hài nhi xấu số đem về chôn cất. Ngày đi gom xác, tối về ông lại tự bỏ tiền, hì hụi đóng tiểu rồi lặng lẽ mang ra nghĩa trang khâm liệm. Với những thai nhi chưa thành hình người mà chỉ là những giọt máu đỏ hỏn, ông Nho phải đựng trong những túi bóng đen và bỏ vào thùng đá để tránh bị phân hủy và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhưng đau xót hơn cả, với những thai nhi đã được 5 – 6 tháng tuổi, ông Nho phải nhặt nhạnh từng phần thi thể của mỗi em. Thời gian đầu, để tránh mọi người xung quanh dị nghị, ông luôn phải đợi đến khi trời tối, bí mật đem thi hài các thai nhi đi chôn “trộm” ở nghĩa trang xã. Biết việc làm “khác thường” của ông, nhiều người trong làng phản đối kịch liệt, có người bảo ông khùng, có người lại bảo ông bị ma nhập. Ngay đến vợ ông cũng khóc hết nước mắt, kiên quyết “từ mặt” nếu ông còn tiếp tục cái việc không giống ai của mình. Mãi đến sau này, khi hiểu tấm lòng thiện nguyện của ông, nhiều người đã ủng hộ, giúp đỡ ông nhiệt tình. Nói về cơ duyên đến với công tác thiện nguyện “lạ lùng” này của mình, ông Nho trầm ngâm: Năm 2008, trong một lần vào bệnh viện T.T để chữa bệnh sỏi thận, ông phát hiện ra rất nhiều xác các hài nhi xấu số - hệ quả của những lần nạo, phá thai được vứt xuống cống, ra bãi rác, thậm chí là được lấy về làm thức ăn cho vật nuôi khiến ông hết sức đau lòng. Có những xác thai nhi đang ở giai đoạn phân hủy, lại có những em bé đã ra hình người nhưng chỉ được để tạm trong những chiếc túi bóng nilon bẩn thỉu, xung quanh ruồi bâu kín mít. Lão nông nghèo với hành trình 10 năm nhặt hàng vạn xác thai nhi Gần mười năm qua, ông Nguyễn Văn Nho cứ miệt mài đến các bệnh viện, phòng khám tư để gom xác các hài nhi xấu số Tối hôm đó ra viện, ông trằn trọc không yên giấc, những hình ảnh trông thấy khiến ông Nho đau đớn đến thắt lòng. Cũng là một kiếp người, lại là những sinh linh bé bỏng chưa kịp chào đời đã phải chịu cảnh “hắt hủi”, ruồng rẫy cứ ám ảnh ông. Ngay sáng hôm sau, ông Nho đạp chiếc xe cọc cạch ra bệnh viện, chờ trước khoa sản cho đến khi hết lượt bệnh nhân, ông mới dám ngượng ngùng đề xuất với bác sỹ xin cho mình được chôn cất và mai táng các hài nhi xấu số. Phải mất một thời gian dài thuyết phục, tâm nguyện ấy của ông Nho mới được các bác sỹ chấp nhận. Thế là, hàng ngày tranh thủ lúc rảnh rỗi, ông Nho đi qua khắp các bệnh viện, phòng khám để “xin” xác thai nhi về nhà chôn cất. Xác thai nhi rất nhanh phân hủy, có những ngày không kịp chôn cất, mùi xác chết cứ ám lấy ngôi nhà nhỏ.Về sau một người hảo tâm, biết việc làm nhân văn của ông Nho đã ủng hộ một chiếc tủ lạnh để ông bảo quản các hài nhi xấu số. Cứ đều đặn 3 ngày, ông lại mang các xác thai nhi ra nghĩa trang để khâm liệm. Mặc dù quá quen với những cảnh tượng đau lòng, thế nhưng trong ký ức người đàn ông này vẫn không sao thoát khỏi những ám ảnh thương tâm: “Có lần, đứa bé 8 tháng tuổi bị người mẹ uống thuốc ép sinh nên sinh non. Đó là một bé trai kháu khỉnh tròn trĩnh, đôi mắt tròn xoe như muốn van lơn ai đó cứu giúp cứ ám ảnh tôi mãi, tôi vội đưa cháu về lau sạch sẽ rồi vuốt mắt để cho em bé ra đi được thảnh thơi...” Hay: “Có hôm, ra thắp hương trên ngôi mộ cho các em, thấy một chiếc túi bóng ni lông màu đen bị vứt lăn lóc dưới đất, mở ra tôi lặng người khi trong đó là một xác hài nhi xấu số cùng một tờ giấy viết vội: Cháu nhờ bác chôn cất, cháu xin đội ơn”. Ngôi mộ tập thể với hàng vạn hài nhi bị chối bỏ Bây giờ xem lại sổ sách, ông Nho cho biết đã thu gom và chôn cất được 24.684 xác thai nhi xấu số từ khắp các phòng khám, bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nói về cách khâm liệm và chôn cất các thai nhi, ông Nho bảo, tuy gia đình không khá giả, nhưng lúc nào ông cũng khâm liệm cho các cháu bằng vải sạch, trắng tinh. Các cháu nhỏ thì có thể mang về là khâm liệm luôn. Nhưng những cháu đã lớn rồi thì phải tắm gội sạch sẽ trước. Lần nào cũng thế, trước khi chôn cất các cháu bé bạc mệnh này ông Nho đều đánh số và ghi chép cẩn thận vào sổ sách. Dẫn chúng tôi đến ngôi mộ khổng lộ chôn cất hàng vạn các hài nhi xấu số tại nghĩa trang thôn Từ Châu, mắt ông Nho như nhòe đi. Khác với các ngôi mộ khác, trên bia mộ ngôi mộ đặc biệt này không có danh tính, ngày sinh, ngày mất mà chỉ là những dòng nhắn nhủ tới các đấng sinh thành đừng vì bất cứ lý do gì mà nhẫn tâm tước đoạt quyền được làm người của các sinh linh bé nhỏ. Ngôi mộ sâu 3,2 mét, rộng 3 mét, được chia làm 4 ngăn. Trong từng ngăn đó là những ô rất nhỏ để chứa xác các hài nhi. Hơn 20 ngàn xác hài nhi xấu số đã được chính tay ông Nho chôn cất cẩn thận. Giờ ngôi mộ ấy đã hết chỗ trống nên mới đây ông Nho lại tiếp tục làm đơn xin xã cấp cho thêm đất để xây dựng ngôi mộ thứ hai. Ngôi mộ chôn các thai nhi sâu 3,2 mét, rộng 3 mét, được chia làm 4 ngăn. Ngôi mộ chôn các thai nhi sâu 3,2 mét, rộng 3 mét, được chia làm 4 ngăn. Khi được hỏi về lý do khiến ông gắn bó, tận tâm với công việc đặc biệt này, ông Nho tâm sự: “Tôi là người rất dễ mủi lòng và hay xúc động, trước những hình ảnh thương tâm tôi lại càng không thể làm ngơ. Các cháu bé tội nghiệp, sống đã không trọn một kiếp người, tôi chỉ mong các cháu được ra đi thanh thản, ấm áp...”. “Biệt đội” vận động chống phá thai Biết việc làm nhân văn, thiện nguyện của ông, nhiều người dân trong xã đã đến xin được cùng tham gia. Nhiều người tuổi đã cao, tóc đã bạc cũng nhất quyết đòi ông Nho cho đi cùng. Lại cũng có những thanh niên tuôi mới đôi mươi nhưng cũng đau đáu muốn làm việc thiện nguyện giúp đời. Hàng ngày để có tiền làm việc thiện, nhóm của ông Nho chia nhau đi bán bóng bay, đồ lưu niệm ở các công viên hay khu vui chơi. Không chỉ đi nhặt xác thai nhi đưa đi chôn cất, nhóm của ông Nho còn thường xuyên cử người đến ngồi ở các phòng khám thai với mục đích tốt đẹp sẽ can ngăn được ai đó từ bỏ ý định phá thai của họ. Nếu người mang thai có điều kiện kinh tế khó khăn, nhóm của ông cũng sẵn sàng quyên góp tiền để cưu mang, giúp đỡ về vật chất, tinh thần đến khi “mẹ tròn con vuông”. Thậm chí, mọi người trong nhóm còn dành hẳn một căn nhà nhà bình yên để những người phụ nữ lầm lỡ có thể lánh nạn, trấn tĩnh tinh thần. Hàng chục cháu bé đã được cứu sống trong hoàn cảnh vô cùng éo le. Ông Nho kể, năm 2009, nhóm ông gặp một cô sinh viên N.T.H (Hà Nam) có thai được 28 tuần tuổi bị người yêu ruồng rẫy. Bế tắc, cô gái này định tìm đến bác sỹ để phá bỏ giọt máu của mình nhưng vì không đủ tiền nên thất thểu tìm chỗ nhảy cầu tự vẫn. Biết chuyện, ông Nho đã tìm đến khuyên can, kêu gọi mọi người ủng hộ tiền, bao bọc hai mẹ con cô gái đến ngày sinh nở. Bây giờ, cháu bé đã được 4 tuổi, kháu khỉnh và vô cùng thông minh. Thỉnh thoảng vào những ngày lễ, hai mẹ con vẫn thường gọi điện thăm hỏi và gửi lời cảm ơn đến vị ân nhân đặc biệt này của mình. Lại một trường hợp khác, chị N.M.T (Thường Tín – Hà Nội) tìm đến một bệnh viện để bỏ thai vì trót “lỡ kế hoạch”. Biết được thông tin, ông Nho tức tốc cùng vài chị em trong nhóm đến khuyên nhủ, động viên. Ban đầu, chị T. kiên quyết từ chối, thậm chí nổi cáu và không ngừng đuổi mọi người ra khỏi nhà. Nhưng nhờ những chia sẻ ân tình, chị T. đã dẫn hiểu ra và từ bỏ ý định của mình. Ông Nho buồn rầu nói: “Mặc dù tôi cùng các thành viên trong nhóm đã cố gắng hết sức nhưng số trẻ em mà chúng tôi cứu sống được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay: 8/25 vạn”. Hỏi về nguyện vọng và mong muốn, ông Nho khẽ đưa mắt nhìn xa xăm: “Tôi chỉ ước, giá một ngày nào đó, tôi và những người trong nhóm sẽ “thất nghiệp”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không còn hài nhi nào bị chối bỏ trên đời”. Hà Trang – Xuân Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét