Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Thánh , Tại sao không ?

*- Chúng ta, tất cả đều là thánh.  Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. (Ga 1,13) "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân" (Gr 1,5)
Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. (Ep 1,4) Ba câu Lời Chúa trên làm cho chúng ta tin nhận mình là thánh, bởi vì - chúng ta được sinh do bởi Thiên Chúa, - Chúa đã thánh hoá chúng ta trước khi lọt lòng mẹ - và tất cả chỉ vì Người yêu thương âu yếm chúng ta. “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào : Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1Ga 3,1-3) Đấy, đọc Lời Chúa để chúng ta không còn cãi vào đâu được, bởi thánh ở đây không phải do công trạng của chúng ta lập được. Chẳng phải chúng ta gồng mình cố gắng để đạt được nhân đức này công phúc kia, chẳng phải nhờ chúng ta ăn chay hãm mình đánh tội phạt xác, chẳng phải chúng ta mình bọc thép, thân nằm trong lô cốt để trắng trong không còn vương tí tội nào, chẳng phải lối sống gương mẫu kia hay làm những việc lành nọ v.v… Sự thánh thiện cốt yếu, căn bản là ơn thánh hóa, đời sống mới được ban cho chúng ta từ khi “được thanh tẩy trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6,13) Ơn thánh hóa không ở đâu xa mà là Thần Khí ngay trong lòng chúng ta, Chúa Cha đã ban cho chúng ta để chúng ta trở nên con người mới, sống trong trời mới đất mới “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : "Áp-ba ! Cha ơi !" . Hội thánh đâu có ‘phong thánh’ hết mọi người, và chúng ta cũng dễ gì mà được Hội thánh ‘phong thánh’. Giáo hội có ‘phong thánh’ cho một người thì cũng quả là một thời gian dài, tốn công sức và hao tiền bạc để gọi là ‘điều tra’ làm án ‘phong thánh’. Nhưng được Hội thánh phong thánh vẫn không quan trọng, không căn bản bằng được “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô ; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,14-17) Căn cứ vào sự thánh thiện cốt yếu và quan trọng như thế, ngay từ thuở đầu của Hội thánh và trước khi có lệ hay luật phong thánh, thánh Phao lô đã luôn luôn gọi các tín hữu, tất cả các tín hữu là thánh. Mở đầu các thư gửi cho các tín hữu đều bắt đầu bằng : “Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1,7). “Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và Ti-mô-thê là người anh em, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, cùng với mọi người trong dân thánh trong khắp miền A-khai-a” (2Cr 1,1). “Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta” (1Cr 1,2). “Chúng tôi, Phao-lô và Ti-mô-thê, là những tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su, kính gửi mọi người trong dân thánh kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su ở Phi-líp-phê, cùng kính gửi các vị giám quản và trợ tá” (Pl 1,1) Và kết thúc các thư cũng thế : “Tôi xin giới thiệu với anh em chị Phê-bê, người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá Hội Thánh Ken-khơ-rê. Mong anh em tiếp đón chị trong Chúa cách xứng đáng, như dân thánh phải đối xử với nhau” (Rm 16,1-2). “Tôi cũng xin gửi lời thăm Hội Thánh vẫn họp tại nhà anh chị ấy” (Rm 16,5). Cũng chính là vì giữa các thánh với nhau cho nên hôn chào nhau cách thánh thiện như vậy : “Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở đây gửi lời chào anh em” (2Cr 13,12). *- Tôi tội lỗi đầy mình làm sao mà thánh được ? “Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn ; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm5,20) Chúng ta thử nhìn lai câu chuyện Người Cha Nhân Hậu cho rõ. Khi người con hoang đàng trở về ông bố có bận tâm đến tội lỗi của nó không ? Ông có mở sổ ra để cân đó đóng đếm tính toán những việc làm sai trái của nó không ? Chẳng những không mà còn “hôn lấy hôn để” để nó không còn nói lên được lời xưng thú. “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5) Vậy thì cứ dám là thánh đi rồi tội lỗi sẽ tự giảm dần. Chúng ta đọc đoạn Tin Mừng Mt 21,12-13 (Mc 11,15-17 ; Lc 19,45 ; Ga 2,14-16) Đức Giêsu đuổi những người buôn bán, đổi tiền ra khỏi đền thờ (thanh tẩy đền thờ). Vậy đưa chúng ta đến kết luận rằng Chúa làm chứ không phải ta à nghe ! Cấp độ là càng có lòng mến yêu bao nhiêu thì tội lỗi càng suy giảm bấy nhiêu. Tại sao không lo nhận là sự thánh thiện, tình yêu bao của Chúa bao trùm cả đời ta mà lại cứ lo ngày đêm khử trừ tội lỗi. Thật ra có khử trừ được đâu, càng khống chế nó lại càng làm tới. Chưa kịp chiến đấu, nó mới lò đầu ra thì ta đã đầu hàng rồi. Bao nhiêu phen ngã quỵ nên ta chẳng còn sức chiến đấu nữa, thế là buông xuôi luôn, để mặc cho định mệnh quyết định đời ta. Ô ! thật tội nghiệp đời ta quá ! Từ cái ngày đến nhà thờ ê a học bài giáo lý đầu tiên đã bị nhồi nhét vào cái đầu non nớt là thân ta bởi tro bụi sẽ trở về bụi tro, ta được cưu mang trong đống tội rồi và cứ thế là bò lê lết dưới mặt đất, không sao vươn vai đứng dậy được để mà hưởng tình yêu thương âu yếm hạnh phúc đến “điên” lên được, thật đấy ! Mặc cảm tội lỗi, bị hỏa ngục ám ảnh... thế là cứ như đứa trẻ “sinh non” trong đời sống Kitô hữu của mình. Thật đáng buồn… cười quá cơ ! “Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1Ga 3,1-3) Nhưng không phải sự thánh thiện căn bản, cốt yếu và quan trọng nhất ấy mà thánh Phaolô coi rẻ hay bỏ qua đòi hỏi đạo đức phải sống thánh thiện, phải thực hành các nhân đức. Các thư của ngài hết có phần cảnh cáo những sai trái, sa đoạ về mặt đạo đức thì lại có phần "khuyến thiện". Thần học luân lý nào mà chẳng có thể dựa vào thánh Phaolô ? Nhưng vẫn cần chú ý và đừng bao giờ quên là theo chiều thuận lý của thánh Phaolô : Không phải là sống thánh thiện để nên thánh nhưng chính vì đã được thánh hóa, đã là thánh thì phải sống thánh thiện ("Noblesse oblige") : "Ta là những kẻ đã chết cho tội làm sao ta sẽ còn sống trong tội nữa ? Hay anh em không biết rằng…" (Rm 6,11). Biết mình đã được tái sinh, đưa vào đời sống mới, trở thành con cái Thiên Chúa, anh em đồng thừa tự với Đức Giêsu Kitô, được tác thánh, đã là thánh thì phải sống cho xứng đáng, cho thích hợp với tư cách, bản chất mới của mình: con người mới. “Vậy, theo tư cách là thánh được Thiên Chúa chọn và yêu mến, anh em hãy mặc lấy lòng lân mẫn biết chạnh thương, đức nhân hậu, khiêm nhu hiền từ, đại lượng…” (Cl 3,12). Trong từng chi tiết nếp sống đạo đức, thánh Phaolô cũng theo các chiều thuận lý xuyên suốt ấy. Tránh tà dâm không phải là để ‘giữ mình’ trong sạch … Tránh tà dâm phải là vì “thân mình anh em là Đền thờ của Thánh Thần (…) không còn thuộc về anh em nữa”(1Cr 7,19-20). Tiếp đón chị Phêbê thì lại phải “một cách xứng đáng với các thánh” cơ ! Và chính vì là giữa cac thánh với nhau cả cho nên mới “hãy chào nhau, hãy áp má hôn nhau cách thánh thiện” (Rm 16,1-2 và 16). Toàn là những chuyện không… dễ ! Đúng không ? “cho nên phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới” (2 Cr 5,17) *- Lời Chúa đâu phải nói cho tôi ? Bạn có thể phát biểu lên rằng : Tôi là gì mà dám lãnh những Lời ấy, những Lời ấy chỉ dành riêng cho các vị ngôn sứ cho các tông đồ môn đệ và chính Đức Giêsu thôi. Còn tôi là cái thá gì mà được hưởng những Lời ấy. Các vị thì thánh thiện còn tôi thì tội lỗi đầy mình !!! Nhưng chính vì chúng ta không đón nhận được nhừng Lời cho chính mình nên đời sống Kitô giáo của chúng ta cứ thoi thóp, ngoi ngóp, ngô không ra ngô khoai không ra khoai, nóng cũng chẳng nóng mà lạnh cũng chẳng lạnh hẳn thì…. Nếu không nói cho tôi thì nói cho ai đây ? Vậy thì ta cần gì phải đọc Lời Chúa làm gì cho mất thời giờ. Đọc tiểu thuyết sướng hơn, câu chuyện hấp dẫn tình tiết ly kỳ, các nhân vật phe tả phe hữu, chiến tranh nóng chiến tranh lạnh, tình yêu ngang trái, dạt dào tình cảm ướt át ủy mị làm cho ta xúc động đến ngây người ra… nhưng đọc xong là vứt sọt rác hay quăng ra hè bán ve chai, chẳng bận tâm vì truyện cũng chỉ là truyện… bịa ra mà thôi ! Hiểu làm sao được nếu không nhận Lời Chúa nói với chính mình : Nên đồng hình đồng dạng “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29) ; Nên một trong Đức Kitô “Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 6,10-13) ; Và hơn thế nữa “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21) Chuyện gì Chúa Cha nói với Đức Giêsu cũng là nói với tôi. Chuyện gì Đức Giêsu nói với Chúa Cha cũng là tôi nói với Chúa Cha. Chuyện gì Đức Giêsu nói với các ông tông đồ cũng là nói với tôi để tôi nên một với Ngài. Tôi với Đức Giêsu là một “Không phải là tôi sống, chính là Chúa Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20) ; “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,10) ; “nhưng nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn được Thiên Chúa biết đến” (Gl 4,9). Đức Giêsu là Đầu và tất cả chúng ta là thân mình. Vậy thì đừng cắt đầu ra nhé. Chúng ta thường hay cắt Đầu ra rồi kê bệ lên cao, còn thân mình tứ chi lại cứ khóm róm tay chắp gối quỳ miệng lâm râm khấn xin. Người ta vẫn ghĩ rằng : Đầu thì thánh thiện còn thân mình tứ chi đầy vết nhơ tội lỗi nên đời sống người Kitô hữu chúng ta toàn là người cụt Đầu không à !!! Do đó, chúng ta đang sống một thế giới loài người không Đầu nên cứ mò mẫm loạng quạng trên những nẻo đường trần thế là vậy. Thánh Irênê, giám mục Lyon, đã nói về Đức Kitô ở thế kỷ thứ ba thế này : "Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người". Đó không phải là một sự thần hóa thật sự và trọn vẹn trong Con Thiên Chúa nhập thể sao ? Về sau, Clément (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) đã làm biến đổi suy tư ấy một cách sâu xa khi quả quyết : "Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa". Trong bài giảng về người anh mình là Césaire, Grégoire đã nói : "Tôi phải được chôn cùng với Đức Kitô, tôi phải trở thành con Thiên Chúa, tôi phải trở thành Thiên Chúa" (Oratio 7,23). Một vài tác giả tu đức đã nối gót theo khi bảo rằng người tín hữu nào sống đạo đều phải "đánh mất bản thân mình trong Chúa như giọt nước tan trong biển". Nhà thần học Karl Rahner, trong bộ sách thần học của ông, "Mysterium Salutis", đã viết : "Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa", để con người trở thành con Thiên Chúa trong ý nghĩa chúng ta vừa nói. "Ta hãy dựng con người giống hình ảnh Ta, giống như Ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời , gia súc , dã thú , tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất" (Gn 1, 26). "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo người nam và người nữ " (Gn 1, 27). Kế đến nhờ công cuộc Nhập Thể và Cứu Độ của Đức Giêsu, con người từ hoàn cảnh thọ tạo được nhắc lên bậc làm con Thiên Chúa : "Lạy Cha chúng con ở trên trời..." (Mt 6, 9) . "Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy (của Đức Giêsu), Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa..." (2 Pt 1, 4). “Thiên Chúa làm người để cho con người làm Chúa”. Vậy mà chúng ta mới nói đến tất cả chúng ta là thánh thì đã dẫy nẩy lên hết rồi. *- Kết Chúa là Đấng Chí Thánh nên Ngài đụng vào đâu thì chỗ đó là thánh, đụng vào vật gì thì vật đó là thánh. Hội thánh, thánh đường, cung thánh, chén thánh, đĩa thánh, khăn thánh… Vậy chả lẽ chúng ta không hơn chén đĩa đó sao ? Mỗi buổi sáng hay buổi chiều tay chúng ta đụng chạm, môi miệng đụng chạm đến Chúa rồi nuốt vào, thế không là thánh thì là gì nhỉ ? Chúng ta là thánh chỉ vì Cha chúng ta là THÁNH nên đã thánh hóa chúng ta là những người con thành thánh. Còn nếu chúng ta không muốn là thánh thì chúng ta là ai ? cha chúng ta là ai ? chẳng lẽ… “xe-tăng” sao ??? Tôn sư Karl Rahner (1904-1984) : “Người Kitô hữu của ngày mai, hoặc là nhà thần bí, hoặc không còn là Kitô hữu nữa” .

 Mongmanh.(Dựa theo bài Tất Cả Các Thánh của Nguyễn ngọc Lan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét