Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

ĐÊM TRỪ TỊCH LÀ GÌ?


Đêm trừ tịch, còn được gọi là đêm ba mươi, là khoảng thời gian trước nửa đêm, thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới.
Đêm trừ tịch là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những muộn phiền đã qua.
Trừ tịch do hai chữ Hán "trừ" và "tịch" ghép lại: Trừ có nghĩa: loại bỏ, phép trừ; Viết: 除 Số nét: 10 _ cái chiếu trúc; Viết: 篨; Số nét: 16. Tịch có nghĩa: yên tĩnh, hoang vắng; Viết: 寂; Số nét: 11 _ cái chiếu; Viết: 席; Số nét: 10 _ buổi chiều, buổi tối; bóng tối; Viết: 夕; Số nét: 3. Trừ tịch có nghĩa là loại bỏ khi đã qua đêm; (còn có giải thích khác: trừ là bỏ đi, tịch là chiếu, tức là lễ thay chiếu _ ­wikipedia.org).
Đêm trừ tịch được hiểu là đêm giao thừa và theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh nghĩa là: cũ giao lại, mới tiếp lấy. Phong tục Việt Nam tin rằng, mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cần phải có lễ trừ tịch để cúng tế tiễn ông cũ và đón ông mới. “Tối trời như đêm ba mươi”, nhưng nửa đêm về sáng lại là thời gian của ánh sáng. Bởi vậy, đêm trừ tịch được coi là khoảng thời gian của sự yên nghỉ, giũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng. Trong đêm trừ tịch vào trước nửa đêm, người ta lo quét dọn sạch sẽ những gì là nhơ bẩn, dọn sạch những phiền muộn, bất hoà của đời sống để chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu của năm mới.
Lễ trừ tịch cử hành vào giờ Tý (11 giờ đến 1 giờ), khoảnh khắc bao hàm trong nó một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới.
Việc cúng tế này cốt ở tâm thành và đượm vẻ trang nghiêm tại các đình miếu cũng như tại các tư gia. Bàn thờ cúng trừ tịch được thiết lập ở giữa trời với một chiếc hương án được kê ra và trên hương án có đỉnh trầm hương hay bình hương. Hai bên đỉnh trầm hương có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và được bày trên hương án trước giờ trừ tịch. Người xưa cũng cho rằng, năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật. Trái lại, nếu gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới sẽ chịu mọi thứ khổ.
Lễ trừ tịch còn được các gia đình thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, cúng trừ tịch với mâm xôi, con gà trống luộc hoặc mâm xôi với chân giò lợn. Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hoà với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện. Dù không có tôn giáo nào hay chẳng có gia đình để sum họp, trong giờ khắc thiêng liêng đó mọi người cũng thường rủ nhau đến chùa, đến nhà thờ hay nơi linh thiêng nào đó để thắp nén nhang và hái lộc đầu năm.
Khác với Việt Nam, lễ trừ tịch của người Trung Quốc còn là lễ khu trừ ma quỷ. Vào ngày trừ tịch, họ dùng 120 trẻ con trạc 9, 10 tuổi mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để khu trừ ma quỷ. Tại Mexico, đêm trừ tịch được coi là thời điểm tốt nhất để giao tiếp với những hồn ma nhằm chuyển tải một thông điệp hoặc xin chỉ dẫn. Việc này không diễn ra tại nhà cá nhân nào mà nó được tiến hành một cách hợp pháp. Người Chile cũng tin rằng những người thân yêu qua đời của họ đang chờ đón họ ở nghĩa địa và tất cả sẽ cùng nhau đón năm mới. Vì vậy, người ta đã biến nghĩa địa trở thành một địa điểm lễ hội với nhạc cổ điển nhẹ nhàng và ánh đèn lung linh. Tập tục này khởi đầu vào năm 1995 khi một gia đình ở địa phương nhảy qua hàng rào nghĩa trang để đón năm mới gần mộ cha. Hiện rất nhiều người chấp nhận tập tục này với hy vọng bỏ đi hết những điều xấu dở của năm cũ để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới.
Những người phụ nữ độc thân ở Ireland thì lại luôn chờ đợi cái đêm trừ tịch vì nó được coi là sẽ mang tới tình yêu cho cuộc đời của họ. Họ có niềm tin đặt lá tầm gửi dưới gối sẽ tìm được chồng như ý trong năm mới. Trong văn hóa Ireland, điều này còn giúp người ta tránh được vận đen trong năm. Còn ở Ecuador có một phong tục vô cùng độc đáo, đó là làm và đốt bù nhìn vào đêm giao thừa. Người dân sẽ mặc quần áo cho bù nhìn, bên trong nhét đầy giấy báo và các mẩu gỗ. Chờ lúc sắp đêm giao thừa, mọi người sẽ tụ tập bên ngoài và đốt bù nhìn. Tập tục truyền thống này được tin là giúp cuốn trôi tất cả những vận đen, không may mắn trong năm cũ để đón chào một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc.
Tổng hợp từ nhiều nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét