Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Khi linh mục biết làm kinh tài (3)

Biết Văn
LTS:  Đối với một số độc giả, những tư tưởng sau đây có thể là những tư tưởng “chống Chúa, chống cha”, những tư tưởng rối đạo, hoặc những hành động “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng nếu nhìn vào sinh hoạt đổi mới của Giáo Hội, đặc biệt, dưới những thay đổi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì Giáo Hội cũng đã đến lúc cần phải nhìn vào mình, cần lột bỏ cái vỏ đạo đức hình thức, để đi vào dòng chính của con người, của xã hội, nhất là những kẻ nghèo hèn, thấp cổ, bé miệng, những kẻ bệnh tật, thấp kém bị đời kinh chê, loại bỏ…
Để rộng đường tư tưởng, Nazareth cho đăng loạt bài của tác giả Biết Văn. Tuy nhiên, quan điểm của tác giả cũng như các tác giả khác không nhất thiết phản ảnh chủ trương của trang nhà Nazareth.

Tạp chí Time vừa qua, bình chọn Giáo hoàng Francis, 76 tuổi là nhân vật của năm với lời ca ngợi tốt đẹp rằng chỉ trong 9 tháng đứng đầu giáo hội Công giáo, ông đã đem đến tiếng nói nhận thức mới. Giáo hoàng Francis nổi tiếng vì sự khiêm nhường và cam kết vì người nghèo từ rất lâu trước khi trở thành lãnh đạo giáo hội Công giáo.  Bà Nacy Gibbs, thư ký tòa soạn giải thích:
"Hiếm khi nào một người mới xuất hiện trên vũ đài thế giới lại có khả năng thu hút được sự chú ý từ người già lẫn người trẻ, người sùng đạo lẫn người ngoại đạo, như Giáo hoàng Francis".
Thật ra Đức Thánh Cha không làm gì mới lạ cả, mà Ngài chỉ làm theo lời Chúa Kitô dạy mà thôi:
“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình". (Luca 9, 21-24)
Trong 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh, và 3 tuyên ngôn của Công Đồng Vatican 2 năm 1962, hầu như mọi nỗ lực canh tân tập trung vào một Giáo Hội dấn thân phục vụ con người và đưa họ về với Thiên Chúa, và đó cũng chính là điều thiết yếu mà 50 năm qua âm vang của Công Đồng Vatican 2 vẫn còn âm hưởng. Vậy các Linh mục đã lắng nghe những gì về cộng đoàn dân Chúa và đúc kết biết được gì từ cộng đoàn dân Chúa nhằm đưa “Giáo Hội dấn thân phục vụ con người, đưa họ về với Thiên Chúa” ?
Một linh mục nọ lao vào kiếm lợi nhuận từ việc gói bánh chưng mấy ngày Tết. Sống giữa những thức ăn độc hại đến từ Trung Quốc, nên mọi người không dám mua bánh ngoài chợ, nên đều đặt bánh làm tại nhà thờ cho chắc ăn. Thế là nhà thờ năm ấy bội thu…nghe đâu linh mục còn quát cả ca đoàn bỏ cả tập dợt hát lễ phụ đi gói bánh để kịp giao bánh đúng ngày cho mọi người “ăn Tết”. Xin hoan hô tinh thần “Bánh Chưng” của vị linh mục dấn thân phục vụ vì dân ăn Tết. Thừa thắng xông lên, mùa Giáng Sinh năm nay linh mục này còn tổ chức một đêm nhạc hội có bán vé vào cửa và kéo thêm một dàn gồm nhiều ca sỹ của Paris By Night với phần MC của Nguyễn Ngọc Ngạn vào nhà thờ tổ chức ca hát. Điều mà nhiều người lớn tuổi và đứng đắn cho là một việc làm bất kính và bất xứng. Rất tiếc khi tường thuật về việc Chúa Giêsu đánh đuổi quân buôn ở đền thờ Giêrusalem xưa, thánh ký chưa nghĩ ra lời than thở cho trường hợp nhà Chúa bị biến thành “rạp hát”!
Để Dân Chúa biết rõ hơn việc làm của các linh mục, đời sống học tập, tu trì và tận hiến của các “đấng”, tôi xin sơ lược điểm qua.
 
Một linh mục ở Mỹ phải có bằng BA hay BS (Bachelor of Arts and Bachelor of Science degrees)  mới được nhận vào thần học. Sau 4 năm Triết hay 4 năm với mảnh bằng cử nhân tương đương, cộng thêm 4 năm thần học ở các Đại Chủng Viện, các vị ứng viên này mới đủ tiêu chuẩn để lãnh tác vụ linh mục. Dĩ nhiên, do đòi hỏi của đời sống độc thân linh mục, hoặc những lý do này khác, một số lớn đã không hoàn tất chương trình giáo dục để trở thành linh mục.
 
Một linh mục với bằng BA, BS, MA, MS hay Ph.D, cũng như mọi sinh viên khác, họ đều có Cal Grant hay Pell Grant, hay Student Loan… Nhưng khi được giáo phận nhận vào thần học vì muốn các ứng viên này tập trung lo cho việc học và chuẩn bị cho chức linh mục, một số giáo phận đã có những chương trình tài trợ một phần hoặc toàn phần cho 4 năm thần học. Trong một số trường hợp đặc biệt còn giúp trả nợ học phí những năm của chương trình Cử nhân trước đó.
 
Riêng tại Việt Nam, trước năm 75 thì miền Bắc Giáo Hội hoàn toàn hầm trú, tu chui, chịu chức chui; miền Nam thì có Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện cho các chủng sinh tu tập. Tiểu Chủng Viện nhận vào học 7 năm với chương trình Trung học. Sau khi tốt nghiệp Trung học thì được vào Đại Chủng Viện với chương trình đào tạo là 2 năm Triết và 4 năm Thần học sau đó là lãnh chức Phó tế (thầy Sáu) và sau cùng là chức linh mục. Các linh mục dòng tuy có những chương trình đào tạo khác nhau tại những Đại Chủng Viện của riêng dòng mình, hay tại các Đại Chủng Viện Liên Dòng, nhưng chương trình triết và thần thì luôn luôn được nhấn mạnh, và được coi là nền tảng của việc đào tạo các linh mục. Sau năm 1975 thì cả miền Bắc và miền Nam đều chịu một hình thức khủng bố, bóp nghẹt, và theo dõi tôn giáo của Cộng Sản. Không chỉ các Tiểu Chủng Viện, mà các Đại Chủng Viện cũng bị nhà cầm quyền Cộng Sản đóng cửa. Nhưng gần đây, nhờ những thương thảo và ngoại giao của Tòa Thánh, các Đại Chủng Viện đang từ từ được mở lại, và dĩ nhiên, thành phần tuyển sinh là những thanh thiếu niên đã tốt nghiệp Trung học (dù là nền giáo dục của Việt Nam hiện nay) hoặc những trường hợp ngoại lệ.
 
Nếu đem so sánh một linh mục ra trường ở xứ Mỹ này với một người có bằng BS vợ và 1 con, ta thấy anh có bằng BS sống khổ hơn rất nhiều so với vị linh mục. Chỉ cần nhìn vào những hóa đơn điện, nước, ga, xăng, tiền nhà hàng tháng, tiền xe hàng tháng, tiền ăn, bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe… là đã thấy không “khỏe”, không vui chút nào, chỉ khác là hạnh phúc được định nghĩa ở mỗi người khác nhau.
 
Hoặc một người có bằng MS (Master Degree) vợ và 1 con, vừa làm vừa lo trả nợ cho mình học cả mấy chục năm, vừa đóng góp cho nhà thờ và lo cho gia đình…làm bù đầu bù óc thì dám đâu mơ mộng…Còn vị linh mục mới ra trường, vì được Giáo phận lo trả dùm khoảng nợ học, nên nhẹ đầu, nhẹ óc rảnh tay làm kinh tài rất tốt hơn nhiều với sự khéo chiều của giáo dân.
 
Ở một giáo xứ nọ, vị linh mục có tên là Vàng không biết làm kinh tế, kinh tài gì mích lòng một giáo dân nhà cạnh sát nách giáo đường và nhà nghỉ của Cha. Một ngày nọ, khi mối bất đồng lên tới cao điểm, anh giáo dân nọ, giữa trưa nắng gay gắt leo lên cây mận của mình nằm kề bên vách phòng ngủ của Cha Vàng, vừa rên vừa la:
 
“ Kiến Vàng cắn c…tao đau quá!” anh ta kêu la rất lớn tiếng và thảm khốc.
 
Hồi lâu sau, cha Vàng mặc áo “các phép” và nghiêm chỉnh lên tiếng chúc dữ anh…
 
Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật và không biết là lời chúc dữ kia có hiệu nghiệm hay không mà nhà anh này 2 đời rồi, vẫn “thân sơ, thất sở” không ngóc đầu dậy nổi. Có lẽ đây cũng là bài học răn đe cho những ai dám động đến các “Đấng” vì các linh mục lợi dụng cả những luật lệ Chúa truyền làm phương tiện bảo vệ cho mình: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16, 19-20).
 
Chúng ta không khinh, hay chê trách các linh mục, vì thiên chức này tự bản chất nó đã được mọi người rất thương và coi trọng vì cho đó là hình ảnh Chúa Giêsu thứ hai. Chúng ta cũng biết các linh mục vẫn là người trần, mắt thịt; cũng vẫn có “hỉ, nộ, ái, ố”,  cũng “tham, sân , si” nên khi đồng hành và làm việc cùng các vị chúng ta luôn tận tụy, giúp đỡ và cầu nguyện cho các vị vì “nước Cha trị đến”. Nhưng nhiều khi chính chúng ta đã tha hóa, làm hư các linh mục từ cách ăn, nết ở, cách nịnh bợ, tâng bốc, và lợi dụng để cầu lợi, và để làm hoen ố đời sống linh mục.  Chúng ta có nhiều hội “Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu”, nhưng chưa có hội “Bảo Vệ Ơn Thiên Triệu”. Đã bao năm rồi khuôn mặt Hội Thánh vẫn còn nhiều vết nhăn, và trở nên khó coi trước mặt thế gian vì sự thiếu đạo đức của nhiều linh mục, cũng như lối sống đạo thiếu trưởng thành của phần lớn tín hữu giáo dân.
 
Vậy theo ý bạn, đâu là điều cần phải sửa trước hết để Hội Thánh trở nên đáng tin hơn? Có phải cải sửa trước tiên là đội ngũ linh mục với sống đơn giản và thánh hiến? Có phải cải đổi trước tiên là sự rườm rà, xa hoa trong nghi thức phụng tự.
 
Theo Cộng Đồng Vatican 2 ở chương VI, “Đời sống tu trì được coi như chóp đỉnh của đời sống Kitô-giáo, phát huy tất cả tiềm năng của phép Rửa Tội. Việc thiết lập trong Giáo Hội một con đường đặc biệt để nên thánh bằng việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, là dựa trên chính lời nói và gương mẫu của Chúa” (GH 43).
 
“Người môn đệ Chúa Kitô tự buộc mình tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm bằng lời khấn hoặc bằng những ràng buộc thánh khác ... Nhờ đó họ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái, để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu mới mẻ đặc biệt”.
 
Bạn có khi nào cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha, vì ý tưởng cao đẹp của Ngài vì đó là sự cận kề của bao nguy hiểm? Bạn có cảm được gánh nặng trách nhiệm và nỗi âu lo của Ðức Thánh Cha trước những vấn đề của Hội Thánh và của thế giới ngày nay không?
 
Xuyên suốt cuộc đời Chúa Giêsu qua 4 Thánh Sử viết lại, chúng ta ngỡ ngàng trước sự tin tưởng của Ðức Giêsu vào Phêrô. Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài và nắm giữ chìa khóa nước trời không phải vì Phêrô cao trọng và đạo đức…bởi vì Phêrô đã có kinh nghiêm về tội lỗi và sự trở lại: “Thầy cầu nguyện cho con, để đức tin của con không bị lạc mất; phần con, sau khi đã chỗi dậy, con hãy củng cố anh em con” (Luca 22,32-34).
 
Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong suốt dòng lịch sử. Không phải chỉ là những cuộc bách hại đẫm máu, mà còn là những chia rẽ, tranh chấp nội bộ, những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian, những ý thức hệ. Ngày hôm nay, Hội Thánh cũng gặp khó khăn không ít, khi nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ đức tin, khi ơn gọi giảm sút ở nhiều nơi, “Mình và Máu Thánh” Chúa không còn được coi là quan trọng. Ước gì mỗi vị linh mục, mỗi người chúng ta ở lại và yêu mến và trung thành với Hội Thánh, cải tổ và canh tân Hội Thánh bằng việc canh tân chính bản thân mình để trung tín với Đấng đã vì chúng ta “đền thay, chết thay”.
 
(còn tiếp)
Biết Văn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét