Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Khi Linh Mục biết làm kinh tài (1)

Biết Văn
LTS:  Đối với một số độc giả, những tư tưởng sau đây có thể là những tư tưởng “chống Chúa, chống cha”, những tư tưởng rối đạo, hoặc những hành động “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng nếu nhìn vào sinh hoạt đổi mới của Giáo Hội, đặc biệt, dưới những thay đổi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì Giáo Hội cũng đã đến lúc cần phải nhìn vào mình, cần lột bỏ cái vỏ đạo đức hình thức, để đi vào dòng chính của con người, của xã hội, nhất là những kẻ nghèo hèn, thấp cổ, bé miệng, những kẻ bệnh tật, thấp kém bị đời kinh chê, loại bỏ…
Để rộng đường tư tưởng, Nazareth cho đăng loạt bài của tác giả Biết Văn. Tuy nhiên, quan điểm của tác giả cũng như các tác giả khác không nhất thiết phản ảnh chủ trương của trang nhà Nazareth. 

 
 
 
Lời trần tình: Đức giáo hoàng Phanxicô mới thi hành thừa tác vụ thánh Phêrô không bao lâu nhưng đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt nơi lòng người. Qua hình ảnh của ngài, chúng ta có thể thấy được những nét đẹp trong chân dung linh mục mà Dân Chúa hằng ước mong.
 
Một anh bạn lớn tuổi “Đạo cao, đức trọng” của tôi đã từng khuyến cáo tôi đừng nói xấu về các “Đấng” nhiều quá kẻo không được ơn toàn xá  trong mùa chay này; nhưng tôi thiết nghĩ việc Giáo Hội không phải việc chung của các Linh Mục mà là việc chung của toàn dân Chúa. Do đó, khi đặt bút viết về “sứ mệnh tông đồ và rao giảng nước trời của các linh mục”, một đề tài rất nhạy cảm của Giáo Hội Công giáo Việt Nam nói riêng và Giáo Hội hoàn vũ nói chung, trong tôi có lẽ bởi vì tôn trọng sự thật và vì “Nước Cha trị đến” nên trong loạt bài viết kế tiếp này, tôi viết ra không nhằm đả phá hay xét đoán bất kỳ vị linh mục nào hay vị tu sĩ nào. Tôi chỉ muốn nêu lên ý kiến nhỏ nhoi của mình vì những điều trái tai, gai mắt mà các vị tu sĩ đã và đang làm gây thương tổn nghiêm trọng đến niềm tin Kitô Giáo và cho tương lai Giáo Hội. Tôi thiết nghĩ có thể một số ý kiến cá nhân tôi sẽ gây bất đồng và chống đối từ phía dư luận nên tôi thành thật xin lỗi; nhưng tôi rất mong các độc giả hãy cho mọi người một cơ hội mở rộng đường dư luận, góp lên tiếng nói, và đóng góp ý kiến cho căn nhà Chung Giáo Hội, hầu biến nó trở nên căn nhà trong sạch và Thánh Thiện.
 
Biết Văn
 
Trong bài giảng trong thánh lễ tạ ơn Tân linh mục, L.M Micae-Phaolô Trần Minh Huy đã trình bày về thiên chức và sự cao cả của linh mục như người đưa ta vào với Giáo Hội. Dẫn ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Hòa giải ta với Thiên Chúa khi yếu đuối và sa ngã. Chúc lành và chứng giám lời thề hôn ước của ta, hoặc dẫn dắt ta vào con đường tận hiến, tu trì. Và khi ta chết, cũng chính linh mục là người theo ta đến nơi an nghỉ cuối cùng để ta yên nghỉ chờ ngày sống lại… Tóm lại, linh mục là người lo cho ta về mặt tâm linh và nuôi dưỡng đời sống tâm linh ta bằng những bí tích.
 
Về mặt tâm lý, xã hội, mội khi ta gặp những nghi nan, hoang mang lo lắng và tăm tối đức tin, hoặc những vấn đề thử thách nan giải trong cuộc sống tình cảm, tình yêu, gia đình, cũng như những lầm lạc yếu đuối và các vấn đề rối rắm phức tạp trong cuộc sống đời thường, chính linh mục ân cần tiếp đón, đồng hành, lắng nghe, cố vấn, soi sáng, hướng dẫn, an ủi, nâng đỡ, tiếp thêm sức mạnh niềm tin, hy vọng và tình yêu mến cho ta vào Thiên Chúa, vào con người và vào cuộc đời.
 
Với Thiên chức linh mục, nhiều người đã không ngớt lời chúc mừng, tán dương và kính trọng như bậc thánh vậy (Linh mục là Chúa Kitô thứ hai!). Một số người còn gọi là "Đấng", "Ông Cố"...Nhưng trong bối cảnh thế giới tục hóa và hưởng thụ hôm nay, một câu hỏi được đặt ra là giáo dân có còn cần linh mục nữa không? Và linh mục làm được gì cho giáo dân?
 
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta gợi nhớ lại những gì đã lãnh nhận từ linh mục, để tạ ơn Chúa và giúp linh mục sống tốt hơn, chu toàn trọn vẹn hơn sứ vụ linh mục của họ.
 
Trước hết trong đời sống linh mục tự nó là sự đơn giản hóa và khiêm nhường như chính Chúa Ki-Tô Linh Mục Đời Đời, Linh Mục Thượng Phẩm. Dù các linh mục ở giáo phận không có lời khấn khó nghèo, nhưng các ngài được kêu gọi sống đời giản dị. Đáng tiếc là người tín hữu không cảm nhận được điều này khi thấy hàng giáo sĩ đi những loại xe đắt tiền, ăn mặc toàn đồ “hiệu”, chén bát ăn uống nạm bạc, nạm vàng…đi ra vào những nhà hàng sang trọng, và nhà ở của linh mục đầy những thiết bị xa hoa…
 
Chức linh mục là gì mà sao biến đổi một con người bình thường nên cao trọng nhanh như vậy? Như một phép mầu biến con vịt xấu xí thành con thiên nga kiêu sa lộng lẫy, thiên chức linh mục đã khoác vào con người ngày hôm qua một hào quang rực sáng.
 
Vậy làm linh mục thì kinh tế ổ định và tốt lắm phải không?
Làm linh mục thì được đi xe sang trọng, “ăn trên, ngồi tróc”, và an nhàn và hưởng thụ ?
 
Khi nói về Thiên chức Linh Mục, Đức Hồng y Phạm Minh Mần từng viết: “Linh Mục là hình ảnh của một Chúa Giêsu vác thập hình trên đường đi Núi Sọ... đơn độc và lặng lẽ. Chỉ có thể là linh mục khi linh mục biết hy sinh. Chỉ có thể là Linh Mục khi Linh Mục biết quên mình. Chỉ có thể là linh mục khi làm cho Chúa lớn lên còn linh mục thì nhỏ lại… Linh mục đi giữa đám đông nhưng vẫn là kẻ cô độc, nắm được bàn tay nhưng không được cầm giữ, cho đi tất cả khi mình chẳng được nhận lãnh điều gì. Linh mục là có và Linh Mục là không.”  Lối sống của Đức giáo hoàng Phanxicô khi là hồng y ở Buenos Aires chắc hẳn là lời mời gọi các linh mục xét lại cách sống của mình: ngài ở trong một căn chung cư nhỏ thay vì ở dinh thự giám mục, sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi xe hơi với tài xế riêng.
 
Có người hỏi tôi làm linh mục có dễ không?
 
Xin thưa: Để trở thành một linh mục là cả một quãng đường rất dài, không chỉ cần học thức uyên thâm mà cần nhất là sự tôi luyện những phẩm cách đặc biệt mà một linh mục cần phải có. Để đi trên quãng đường ấy, người nam cần có “ơn gọi”. Nếu Thiên Chúa không chọn lựa để ban cho ơn gọi làm linh mục, thì tự nhiên lòng trí sẽ không có thiên hướng về việc làm linh mục. Nếu một người muốn làm linh mục chỉ để mưu cầu chức danh hay sự ngưỡng mộ của giáo dân, không thực lòng dâng hiến đời sống một cách hoàn toàn cho Chúa, hay muốn trốn tránh cuộc đời đau khổ mà đi tu làm linh mục thì tốt nhất đừng theo đuổi. Điều đó làm mất ý nghĩa thiêng liêng của đời linh mục, vừa lừa bịp giáo dân vừa làm xấu đi hình ảnh Chúa Giêsu Linh Mục.
 
Là linh mục dòng hay linh mục giáo phận (triều) cũng vậy. Không một ai được phép bỏ qua lời khấn “Khiết tịnh, nghèo khó, vâng lời” hết. Dù là linh mục bên nào, cũng có bổn phận riêng và những chông gai riêng trong đời sống tu trì. Chúng ta không thể so sánh linh mục dòng hay linh mục triều “sướng” hơn. Nói chung, nếu đã có ơn gọi dâng mình cho Chúa, thì đừng quan trọng hóa về chức danh. Một tu sĩ dòng hay một linh mục triều, một nữ tu, làm sao có thể nói ai đáng quý hơn ai? Chúa sẽ thưởng công ai to hơn?  Trước mặt Thiên Chúa “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất.” (Luca 9:48)
 
Là công dân của Nước Trời dù linh mục hay giáo dân, đồng nghĩa với việc chúng ta phải từ bỏ bản ngã, hạ thấp cái tôi. Linh mục hay giáo dân học biết sử dụng cái tôi để phục vụ thay vì tranh đua quyền hành, và mê đắm của cải thế gian. Tuy chúng ta biết rằng “có thực mới vực được đạo” là câu cửa miệng của bất cứ người Việt Nam nào khi muốn nói đến những việc làm thiết thực. Thực là ăn. Đạo là những điều to tát, thiêng liêng, mang ý nghĩa tâm linh muốn làm được những việc lớn - nhưng không vì thế mà các linh mục hay tu sĩ hạ thấp nhân cách của mình đi lo lắng thái quá về kinh tế của họ đạo, của giáo xứ: Giáo xứ không tiền trang trải, không tiền để mua sắm cái ăn cái mặt và cái tế tự trong nhà Chúa.
 
“Kẹo gương ăn chồng thương!”
“Bánh tét ăn không rét!”
 
Tiếng rao rả rả pha với chút khôi hài của một linh mục giáo xứ nọ trong dịp bán bánh kẹo Tết gây quỹ cho giáo xứ làm chúng ta thấy một sự tương phản giữa một Giêsu giận dữ đánh đuổi những người rao bán ra rả trong đền Thánh Giêrusalem xưa và linh mục rao bán đồ ăn trong khuôn viên nhà Chúa.
 
Thánh đường, có những lúc đông vui, tấp nập, nhưng cũng có những lúc thật mênh mông, trống vắng, hiu quạnh, lạnh lẽo. Khi ở giữa cộng đoàn, linh mục cùng với mọi người hát ca chúc tụng Thiên Chúa. Còn khi một mình, linh mục với Chúa, âm thầm, lặng lẽ chìm ngập trong tình yêu thương âu yếm ngọt ngào, trò chuyện với Đấng đã kêu gọi, đã chọn, và đã sai mình đến với anh chị em. Tất cả thế giới chung quanh, tất cả đất trời và muôn vật đang hội tụ về đây, trong khối óc, trong trái tim để biến thành lời thì thầm sâu lắng của linh mục dâng lên Chúa. Trong nơi ở này, linh mục luôn ý thức mình hiện diện trước Thiên Nhan Chúa và sẽ thấy mình thật là trần trụi: không là gì cả, tất cả là Chúa. Không có gì cả, tất cả có Chúa …
 
Vậy thì linh mục cần chi có chỗ để trưng bầy, trang trí những vật dụng đắt gía. Không chỗ để chôn giấu vàng bạc, của cải thì cần chi lo lắng tiền bạc thái quá! Không có nơi để cất giữ máy móc, xe cộ hiện đại, tân kỳ. Không có chỗ để ẩn thân trong chăn ấm gối êm thì lo lắng làm gì của cải thế gian… hãy giao hết cho cộng đoàn dân Chúa lo... Tất cả cuộc đời linh mục thuộc về Chúa thì hãy để Thánh Thần giao kết .
 
Chỗ ở của linh mục không phải chỉ là thánh đường trong giờ mở cửa, buổi sáng một chút và buổi chiều một chút, còn thì khóa chặt cửa lại, linh mục trở về với phòng riêng của mình để thao túng, hoặc để chạy dịch vụ đó đây, làm ăn kinh tài. Chỗ ở của linh mục phải là ngôi thánh đường luôn mở toang, nơi hội tụ tất cả mọi người, lớn bé, gìa trẻ, nam phụ lão ấu, đẹp xấu, giầu nghèo cùng với biết bao nhiêu “vui mừng và hy vọng”, ưu sầu và lo lắng của con người. Linh mục ở đó tay bắt mặt mừng, tiếp đón nồng hậu với từng con người, từng nỗi đời và trao ban bình an, hạnh phúc của Thiên Chúa cho từng người một.
 
(còn tiếp)
Biết Văn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét