Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

TRUYỆN NGỤ NGÔN: QUAN HUYỆN THAM LAM

       Ngày xửa ngày xưa, ở một xứ sở kia, có lẽ là của A-La-đin, có một ông quan huyện tên là Đời Vì Tiền (ĐVT), vì cả đời ông ta chỉ thích tiền, dù thức hay ngủ ông ta chỉ nghĩ đến tiền, ông làm mọi chuyện chỉ vì tiền. Dân trong huyện không dám gọi tên ông, chỉ gọi ông là ngài Ham Tiền (HT). Đồng tiền làm mờ mắt ông đến nỗi ông phải nhờ đại phu mổ mắt chữa cho ông khỏi mù.
Dân chúng sống trong huyện rất khổ sở, họ phải đóng nhiều khoản tiền để tu bổ nha phủ của ông, ông xây cất liên tục. Không ai dám kêu ca với ông vì sợ ông trả thù, họ chỉ ngồi than thở với nhau mà thôi. Ông lập ra một nhóm thuộc hạ để bảo vệ ông và để ông sai vặt, nhóm thuộc hạ này có tên là Bảo TVâng (BTV), nghĩa là ông nói gì cũng phải nghe theo, bảo làm gì thì phải thưa vâng và làm y như vậy, cấm không được có ý kiến gì, vì ngoài tính tham lam tiền bạc, ông rất độc tài, độc đoán. Người nào muốn được chọn vào BTV, phải biết bỏ đi lòng tự trọng, phải biết dối trá khen ngợi tâng bốc quan lớn ĐVT là sáng suốt, là biết lo cho dân.
Một khi đã vào BTV mà không biết làm theo lệnh quan ĐVT, xét thấy có biểu hiệu chống đối là lập tức bị khai trừ, vì vậy nhóm thuộc hạ này còn được hiểu là Bướng TVăng.
Ngay sau khi được chiếu chỉ của vua đến nhận chức, ông đã ra lệnh làm những hộp gỗ phát cho từng hộ trong huyện bắt họ phải bớt ăn mà bỏ vào đó mỗi ngày vài xu. Cuối tháng ông sai đầy tớ đến từng hộ thu gom, ai không có sẽ bị ông ghi nhận chờ dịp sẽ hỏi tội.
Quan huyện ĐVT có một sư gia (giống như công tôn tiên sinh, phò Bao công), sư gia này nửa tăng nửa tục, rất khôn khéo, làm hài lòng quan mọi đàng, hiến kế bày mưu mang lại nhiều lợi tức làm giàu cho nha phủ, cũng học cách hoạch hoẹ dân để bênh vực quan huyện. Dĩ nhiên sư gia này cũng có tên là Bảo TNghe (BTN), sư gia này cũng biết nếu mình Bướng TNghỉ nên luôn ra sức phục vụ.
Quan huyện ĐTV lại còn có một thú vui là rất thích chơi tượng, ông cho đắp nhiều tượng đủ loại đủ cỡ đủ màu sắc, đặt chung quanh nha phủ, ai muốn đến chiêm ngưỡng phải bỏ vài đồng xu vào những thùng đặt sát pho tượng, đến chiều tối đích thân quan phủ sẽ đi đến từng thùng gom nhặt đem về thư phòng của mình.
Có lẽ sở thích chơi tượng đã ảnh hưởng đến đường lối cai trị của quan huyện, nên ngay cả việc chọn những thủ hạ để giúp mình trong những việc công cũng như việc tư, quan huyện chọn những người theo tiêu chuẩn một pho tượng, nghĩa là bên trong phải hoàn toàn như cục đất thó, nặn sao ra vậy, bên ngoài mặc cho áo nào thì phải chịu áo đó, khi nào cần thì thay áo khác. Thậm chí quan có quyền vất bỏ luôn cả pho tượng nào, khi xét thấy nó không thể mặc được bộ áo nào theo ý quan. Người nào đầu óc càng rỗng càng được trọng dụng. Chẳng may lựa nhầm người có chút kiến thức và còn đôi chút lương tâm thì quan sẽ tìm lý do nào đó để cho “văng” ra khỏi cái nhóm Bảo Thì Vâng nói trên.
Cứ theo đường lối đó, quan huyện Đời Vì Tiền, hay còn gọi là ngài Ham Tiền (HT), cai trị dân cả hơn một thập niên, cho đến một ngày kia, có một tên dân đen vô danh tiểu tốt, liều mình thảo một bản tấu trình gửi cho quan huyện, vạch rõ những sai sót trong việc trị dân, chỉ mong quan huyện thay đổi lối suy nghĩ và hành xử của mình để dân được sống trong bầu khí an bình, thể hiện tình huynh đệ với nhau, có như thế mới đúng là “quan chi phụ mẫu” và phải biết rằng “quan nhất thời, dân vạn đại” chứ. Nhưng quan huyện ĐVT chẳng những không thèm quan tâm, lại coi đó như một xúc phạm, chạm nọc; ông tập họp bọn thủ hạ lại ra lệnh cho chúng giải quyết tên thảo dân to gan kia, trong đám thủ hạ có tên vũ phu vô lại đứng lên xin quan cho tấm lệnh bài để hắn xử tên dân đen đó theo kiểu giang hồ, nhưng quan không dám vì sợ tên vũ phu này làm càn hỏng việc lại mang tiếng với bàn dân thiên hạ. Ý của quan là giải quyết sao cho đẹp, bắt tên thảo dân kia phải cúi đầu nhận tội. Nhưng khó quá, bao nhiêu phiên họp vẫn không tìm được giải pháp nào, bàn tới bàn lui chỉ là tìm cách nào để treo được cái chuông vào cổ mèo”   mà chẳng ma nào dại dột nhận cái lệnh quỷ tha ma bắt ấy, vả lại chẳng mấy ai có hứng thú làm theo ý quan, chỉ vài tên có cái đầu óc “mít đặc” vẫn cố tìm mọi cách, bằng những trò bẩn thỉu, tiểu nhân để bôi nhọ tên dân đen kia, nhưng tất cả đều uổng công và tự xấu hổ, còn tên thảo dân kia vẫn an nhàn thoải mái bởi biết điều mình làm là đúng, dù kết quả không được như ý muốn.
Chuyện tên thảo dân to gan dám đụng đến ngài HT xảy ra đã lâu, nhưng dư âm vẫn còn, và người dân đã phần nào bớt sợ. Một nhóm người đã dâng biểu về kinh, nghe đâu vị quan tham này có chỗ dựa nên mới lộng hành, chắc chắn người đỡ đầu cho quan cũng phải là quan to trong triều, nhưng là loại thái giám biến chất. Vì chỉ có những quan biến chất, thoái hoá mới đỡ đầu cho những quan tham mất phẩm chất như quan huyện HT ĐVT.
Khi biết nhóm thảo dân can đảm dám vượt suối băng đèo lên tận kinh đô để tố cáo mình, quan ĐVT bèn đổi kế hoạch, muốn tạm lùi một bước để tiến hai bước, định dùng kế hoà hoãn với cách đánh lẻ dụ ngọt từng người. Quan vốn luôn chủ trương “Mềm nắn, rắn buông”, nếu không tỉnh táo, nhóm người này sẽ “Xôi hỏng bỏng không” cho mà xem.
Không biết nhóm người trên đây có những ước nguyện gì, nhưng chỉ mong họ đừng nên tấu trình xin đổi vị quan này đi huyện khác, bởi lẽ bản chất của quan không thay đổi thì đi đến đâu chỉ gây khổ cho dân ở đó. Trong “Cổ học tinh hoa” có câu chuyện như sau: “Con cú mèo gặp con chim gáy. Chim gáy hỏi: ‘ Bác sắp đi đâu đấy?’. Cú mèo đáp: ‘Tôi dọn sang phương đông ’.Tại sao lại phải đi như thế’ . Ở đây người ta cứ nghe tiếng tôi hót là người ta ghét, cho nên tôi phải đi nơi khác.’ Chim gáy liền nói: ‘Bác phải đổi tiếng kêu đi mới được. Chớ nếu không đổi tiếng kêu, thì sang phương đông, người ta nghe tiếng, cũng lại ghét bác thôi, vì nhân tình đâu chả thế. Cứ theo ý tôi thì không gì bằng bác phải rụt đầu rụt cổ, cụp cánh lại suốt đời không kêu nữa là hay hơn cả”. Vì vậy ông quan HT này nên sớm cởi mũ ô sa, trả ấn từ quan, quy ẩn nơi thâm sơn cùng cốc là hay hơn cả. Chứ nhất định tham quyền cố vị  đến một lúc nào đó càng lún sâu trong sai lầm để rồi phải chịu cảnh thân bại danh liệt thì quả là đáng tiếc.
     
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét