Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

ĐỒNG TÍNH DƯỚI GÓC NHÌN KI-TÔ HỮU


Đầu tuần vừa rồi, một phóng viên báo Công giáo và Dân tộc đến gặp tôi và xin cho biết ý kiến về một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi, đó là vấn đề đồng tính.

Thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng tôi cũng cố gắng trả lời cách ngắn gọn trong tư cách một giáo lý viên giáo dân. Câu trả lời của tôi hoàn toàn dựa vào Kinh Thánh và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, văn kiện chính thức của GH do chính Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II ban hành năm 1992 áp dụng cho GH toàn cầu.
Hôm nay tôi nhận được tuần san CG & DT số 2018, tuần lễ 7/8 – 13/8 năm 2015 có đăng câu trả lời của tôi cùng với một vài ý kiến của anh chị em khác. Có lẽ vì khuôn khổ hạn hẹp của trang báo, nên ban biên tập lược bỏ một số chi tiết, và tóm tắt phần giáo lý Công Giáo khiến cho nội dung không rõ ràng và có thể gây hiểu sai một vài chi tiết. Nên tôi xin trình bày đầy đủ ý kiến của tôi cho những bạn bè và người thân quen đọc để rõ hơn. Và đây cũng là một cách chia sẻ để cùng trau dồi giáo lý với anh chị em giáo lý viên.
Khi hỏi  tôi nghĩ gì về hôn nhân đồng tính thì trước tiên tôi xin nói rằng vấn đề này chẳng phải là mới mẻ gì, nó đã có hàng ngàn năm nay rồi.
Trước hết là Cựu Ước, trong sách Sáng thế, người ta đọc thấy trình thuật về thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra bị Đức Chúa tiêu huỷ vì tội lỗi của chúng quá nặng nề (x. St 18,20), tội đó chính là sự ăn ở vô luân giữa hai người đồng tính (x. St 19,5). Theo luật thời Cựu Ước, đồng tính bị coi là điều ghê tởm (x. Lv 19,22) và bị lên án tử: “Khi người đàn ông nào nằm với một người đàn ông như nằm với người đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm, chúng phải bị xử tử…”(Lv 20,13).
Đến thời Tân Ước, chính Chúa Giê-su đã lập lại trật tự và ý nghĩa của hôn nhân khi trả lời cho những người Pha-ri-sêu rằng: “Thuở ban đầu Thiên chúa đã dựng nên con người có nam có nữ và Người đã phán: " Vì thế người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt". Tiếpsau đó, Giáo Hội sơ khai cũng phải đối diện với vấn đề này, và Thánh Phao-lô đã thẳng thắn quở trách những cách sống vô luân này: “Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.” (Rm 1,26-27).
Giáo Hội ngày nay thì sao?  Chắc chắn Giáo Hội không thể làm khác điều Kinh Thánh dạy, vì thế Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2357 đã dạy: Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay những người nữ, cảm thấy sự hấp dẫn tính dục…đối với những người cùng phái tính. Đồng tính luyến ái mang những hình thức rất khác nhau qua các thế kỷ và các nền văn hoá…Dựa trên Kinh Thánh, vốn xem điều đó là những suy đồi nghiêm trọng, truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là vô kỷ luật. Chúng nghịch với luật tự nhiên, chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ tính bổ sung thật sự về tình cảm và tính dục .Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.
Như vậy thật quá rõ, giáo lý Công Giáo, ngay trong thời đại hôm nay, đã dựa trên Kinh Thánh để không chấp nhận  hôn nhân đồng tính hầu bảo vệ tính toàn vẹn và ý nghĩa đích thực của hôn nhân. Tuy nhiên Giáo Hội không kết án những người nam và người nữ có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Giáo Hội coi đó như là một thử thách đối với họ, vì thế, “ họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử bất công nào đối với họ. (Sách GLHTCG  số 2358).
Sau hết, khi được hỏi phải làm gì để giúp giáo dân hiểu được vấn đề, để không có thái độ khắt khe hay lại quá dễ dãi đối với những người đồng tính. Theo tôi, đây là trách nhiệm của các mục tử, các ngài quan tâm đến mức nào trong việc xây dựng đức tin của dân Chúa, tạo cho họ một kiến thức căn bản về giáo lý, để họ có thể đánh giá đúng đắn những  sự việc xảy ra trong cuộc sống. Trong thực tế các mục tử tỏ ra quan tâm quá nhiều đến những sinh hoạt lễ lạt, đến những phát triển vật chất, trong lãnh vực giáo lý còn rất nhiều bất cập từ việc đào tạo giáo lý viên cho đến tài liệu giảng dạy.

An Lạc, ngày 7-8-2015
Nguyễn Tuấn Hoan

Tác giả:  Nguyễn Tuấn Hoan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét