Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Tìm hiểu thêm, nhân tháng kính Thánh tâm Chúa




Phong trào sùng kính Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) đang nở rộ trong nhưng năm gần đây trong Giáo Hội Hoàn Vũ cũng như tại Giáo Hội Việt Nam. Các trung tâm và đền thờ kính LTXC đã và đang mọc lên ở nhiều nơi. Các hội đoàn sùng kính LTXC đang trăm hoa đua nở trong các địa phận cũng như xứ đạo. Việc sùng kính LTXC có thật sự đáng khuyến khích hay không? Đâu là ích lợi thiêng liêng thực sự của việc đạo đức này? Liệu nó có tiềm ẩn nguy hại gì cho đức tin của người tín hữu không?

Sở dĩ phải đặt câu hỏi như vậy là vì việc sùng kính LTXC đã từng bị Giáo Hội chính thức ngăn cấm vào năm 1959, qua một sắc lệnh của Bộ Tác Vụ Thánh (Bộ Giáo Lý Đức Tin Ngày Nay). Sắc lệnh cấm việc sùng kính LTXC này chỉ bị rút lại cách khó hiểu vào tháng 4 năm 1978 nhờ nỗ lực của Đức HY.Karol Wojtyla, địa phận Kracow, Ba Lan, người mà sáu tháng sau đó đắc cử lên ngôi Giáo Hoàng với hiệu là Gioan Phaolô II. Có thể nói, chính Đức Gioan Phao-lô II là người đã làm cho lòng sùng kính LTXC sống lại và trở nên phổ biến như ngày nay, và cũng chính ngài đã phong thánh cho nữ tu Faustina vào ngày 30/4/2000. Việc này có vẻ như muốn mang lại chính danh và bảo đảm thánh thiện cho việc sùng kính LTXC??  

Thật vậy, dưới triều đại của các Đức GH. Piô XI và Piô XII, nhiều hình thức sùng kính khác nhau đã bị ngăm cấm bãi bỏ, điển hình như các hình thức sùng kính sau đây: Đầu Thánh Chúa (Sacred Head of Our Lord), Tình Yêu Tự Huỷ của Chúa Giêsu ( Annihilated Love of Jesus), Chuỗi Mân Côi Các Dấu Cực Thánh Chúa (The Rosary of the Most Sacred Wounds of Our Lord), và Tình Yêu Thương Xót của Chúa Giêsu ( Merciful Love of Jesus). Ngày nay, chẳng mấy ai còn nghe đến các hình thức sùng kính này nữa, bởi sự thật là chúng đã bị Giáo Hội dẹp bỏ.  Sắc Lệnh của Bộ Tác Vụ Thánh ban hành ngày 6 tháng 3 năm 1959, lúc cuối triều đại của Đức Pio XII, đã viết như sau[1]:

Bộ Tác Vụ Thánh Tối Cao, sau khi đã thẩm tra những gì được cho là những thị kiến và mạc khải dành cho nữ tu Faustina Kowalski, thuộc dòng Đức Mẹ Từ Bi, đã qua đời năm 1938 gần Krakow, cảnh báo như sau:

1.     Cấm phổ biến các hình ảnh và tài liệu trình bày việc sùng kính LTXC theo cách thức Sơ Faustina đã đề nghị.

2.     Các Giám Mục có nhiệm vụ phải gỡ bỏ các hình ảnh về LTXC nếu như chúng đã được trưng bày cho công chúng tôn sùng.    

Hẳn có người sẽ thấy ngạc nhiên khi phát hiện ra sự thật này và tự hỏi nữ tu Faustina là ai? Tại sao việc sùng kính LTXC lại bị cấm?

Faustina tên thật là Helena Kowalski, sinh năm 1905 tại Miền Trung Ba Lan, và
là con thứ 3 trong gia đình có 10 anh chị em. Ước mơ trở thành một nữ tu đã thành sự thật vào năm 1925 khi ngài gia nhập Dòng Đức Mẹ Từ Bi. Không lâu sau đó, nữ tu Faustina bắt đầu được cảm nghiệm những thị kiến và mạc khải của Chúa. Trong một thị kiến vào năm 1931, ngài được chỉ dẫn để vẽ một bức hình về Chúa như chúng ta có thể thấy tràn lan khắp nơi như hiện nay. Bức hình phác hoạ Chúa Giêsu với hai luồng sáng, đỏ và trắng, phát ra từ trái tim của Ngài.

Năm 1933, nữ tu Faustina được chuyển đến một tu viện của Nhà Dòng ở Vilnius. Chính tại đây, ngài đã gặp cha Michael Sopocko, người trở thành cha linh hướng và người quảng bá nhiệt thành những mạc khải của nữ tu Faustina. Ngài qua đời ngày 5 tháng 10 năm 1938 trong một tu viện ở gần Krakow.

Tại sao Giáo Hội lại cấm việc sùng kính LTXC?

Đâu là lý do thực sự đàng sau Sắc Lệnh cấm phổ biến và tôn sùng LTXC của Bộ Tác Vụ Thánh? Không ai biết rõ tại sao vì Bộ chỉ nói là sau khi đã thẩm tra…. Tuy nhiên, theo cha Benedict Hughes, CMRI, Dòng Maria Nữ Vương Vô Nhiễm, có thể kể ra ba lý do chính sau đây:

1.     Nội dung sứ điệp mạc khải cho Chị Faustina có vấn đề?
   
Những nghi vấn về sai lầm thần học chứa đựng trong chính cuốn Nhật Ký của chị Faustina có thể là lý do đầu tiên khiến việc sùng kính LTXC bị cấm.

Theo chị Faustina, Chúa Giêsu hứa rằng, những ai đi xưng tội và rước lễ trong Chúa Nhật ngay sau lễ Phục Sinh thì sẽ được tha thứ tội lỗi và mọi hình phạt của tội lỗi họ. Đây là lời trong nhật ký: “Vào ngày đó, chính vực thẳm lòng thương xót dịu dàng của Ta sẽ rộng mở. Ta sẽ tuôn đổ tất cả đại dương ân sủng của Ta trên linh hồn những ai đến với suối nguồn tình thương của Ta. Những linh hồn đi xưng tội và rước lễ sẽ được hưởng trọn ơn tha thứ tội lỗi và hình phạt. Vào ngày đó, mọi  cửa thông ban ân sủng đều được mở rộng.[2]

Tại sao phải đi xưng tội và rước lễ đúng ngày Chúa Nhật ngay sau lễ Phục Sinh thì mới được ơn tha hoàn toàn mọi tỗi lỗi và hình phạt? Nếu chỉ xưng tội trong ngày đó mà không rước lễ thì sao? Hoặc nếu xưng tội trong các ngày khác thì không được tha mọi tội lỗi và hình phạt sao? Hay được tha nhưng không tha hết? Tại sao không nhắc gì đến điều cần là phải dốc lòng ăn năn và sửa đổi đời sống? Nếu đọc những lời hứa của Thánh Tâm Chúa Giêsu dành cho những ai tôn sùng Thánh Tâm Ngài, ta không thấy một lời nào tương tự như thế hay hàm ý rằng phải đi xưng tội rước lễ vào một ngày cụ thể nào đó thì mới được tha mọi tỗi lỗi và hình phạt.

Một vấn đề khác lạ nữa đến từ các bài viết của linh mục Ignacy Rozycki, người được Đức Giám Mục Địa Phận Krakow, Karol Wojtyla, chỉ định từ năm 1965 để thẩm tra Nhật Ký của chị Faustina. Vị linh mục này khẳng đinh rằng, việc sùng kính LTXC chính là một “phép rửa thứ hai”. Điều đáng nói là thuật ngữ “phép rửa thứ hai” chỉ luôn được Giáo Hội sử dụng để ám chỉ việc tuyên khấn trọn đời trong các dòng tu được Giáo Hội chuẩn nhận mà thôi.

Ngoài những nghi vấn được cha Hughes viện dẫn trên, ta còn đọc thấy một số điểm đáng ngờ sau đây trong nhật ký của chị Faustina:

Một là, nhật ký chứa đựng những lý do bênh vực và cổ võ việc rước lễ bằng tay, điều mà Giáo Hội thời trước Vatican II luôn nghiêm cấm.

Trong nhật ký của mình, chị Faustina viết: “…và Mình Thánh đi ra khỏi nhà tạm và đến ngự trên tay tôi, và với niềm vui sướng, tôi đặt Mình Thánh trở lại nhà tạm. Điều này xảy ra lần thứ hai, và tôi lại làm như thế. Mặc dầu vậy, điều này lại xảy ra lần thứ ba…[3].

Chỗ khác chị viết tiếp: “…Trong khi tôi đang cầm Mình Thánh trong tay, tôi cảm nhận một sức mạnh tình yêu lớn đến nỗi suốt phần còn lại của ngày hôm đó, tôi không thể ăn uống hay trở về với ý thức của mình được. Và tôi đã nghe thấy những lời từ Mình Thánh nói: Ta ước ao được ngự không chỉ trong trái tim con mà còn cả trên đôi tay của con nữa…”[4].

Hai là, nhật ký ghi lại những lời khen ngợi và đề cao không cần thiết dành cho cá nhân chị Faustina. Điều này thật khó hiểu đối với một nhật ký được cho là do Chúa mạc khải.

Chị viết trong nhật ký rằng: “…Giây phút tôi quỳ xuống để từ bỏ ý riêng, vì Chúa đã muốn tôi làm, tôi đã nghe thấy giọng nói trong hồn tôi rằng: từ nay trở đi, đừng sợ cuộc phán xét của Chúa, vì con sẽ không bị xét xử[5].

Chỗ khác chị viết tiếp: Chúa Giêsu nói “…Vì con, Ta sẽ rút lại cánh tay trừng phạt; vì con, ta sẽ chúc lành cho trái đất[6]

Những lời này nữa: “…đó là lý do tại sao Ta kết hợp với con thân mật hơn là với bất cứ tạo vật nào khác…”[7]

Đây nữa: “…Ta thấy tình yêu của con thật tinh ròng, tinh ròng hơn cả tình yêu của các thiên thần, và trên hết cả như thế là vì con vẫn tiếp tục chiến đấu. Vì con, Ta sẽ chúc lành cho thế gian…”[8]

Chị viết tiếp rằng: “…Nói với bề trên tổng quyền hãy tin cậy con như một người con trung thành nhất của Hội Dòng….”[9]

Và ở chỗ khác chị lại viết: “…khi đọc trình thuật phong thánh của Thánh Andrew Bobola, linh hồn tôi lập tức dâng đầy một niềm khao khát cháy bỏng rằng hội dòng của chúng tôi cũng có thể có một vị thánh và tôi đã oà khóc như một đứa trẻ vì đã chẳng có một vị thánh nào ở giữa chúng tôi. Và tôi đã thưa với Chúa: con biết lòng quảng đại của Chúa nhưng dường như Ngài đã kém quảng đại với chúng con. Và tôi lại tiếp tục bật khóc như đứa trẻ nhỏ. Và Chúa Giêsu đã an ủi tôi, đừng khóc nữa! Chính con là vị thánh đó!..”[10].

Nếu Chúa muốn cho mọi người trong Dòng nhận biết lòng trung thành và sự thánh thiện của chị Faustina, chắc Ngài sẽ nói cho Bề Trên Tổng Quyền biết điều đó hơn là truyền cho chị Faustina đi nói với bề trên của mình!

Ba là, nhật ký của chị Faustina cho thấy, Chúa cần con người tôn sùng lòng thương xót của Chúa hơn sự thống hối ăn năn của họ!?

Ta đọc thấy những lời này: “…Nếu họ không tôn thờ lòng thương xót của Ta, họ sẽ hư mất đời đời…”[11]

Chỗ khác chị viết: “Chúa Giêsu nói: Ta ước mong lòng thương xót của Ta được tôn thờ.”[12]

Đó là những lời khiến người đọc cảm nhận rằng, việc tôn thờ lòng thương xót của Chúa là trên hết, trên cả sự thống hối ăn năn tội lỗi của con người. Cần biết rằng bối cảnh loài người trong thời của chị Faustina, ngay sau sứ điệp Fatima, vừa trải qua cuộc thế chiến I và đang ở bên bờ cuộc thế chiến II, đang chìm ngập trong tội lỗi và sự dữ. Con người cần phải nhìn nhận tội lỗi mình, phải sám hối ăn năn hơn là lạc quan phơi phới vào lòng thương xót của Chúa. Lòng thương xót Chúa chỉ dành cho những tâm hồn biết thống hối ăn năn mà thôi. Một sự nhấn mạnh đề cao lòng thương xót hơn là sự thống hối ăn năn như thế dường như là đi ngược lại sứ điệp Fatima. Nếu không sám hối, chứ không phải là nếu không tôn thờ lòng thương xót, thì con người sẽ hư đi đời đời.   

Bốn là, việc sùng kính LTXC có nguy cơ làm tràng chuỗi Mân Côi bị lãng quên! Chị Faustina ghi lại rằng, Chúa Giêsu đã truyền dạy chị cách thức cầu nguyện sùng kính LTXC bằng tràng chuỗi Mân Côi, vì việc cầu nguyện này sẽ làm nguôi dịu cơn giận của Chúa. Chúa nói với chị Faustina rằng:

Con hãy dùng các hạt của tràng chuỗi Mân Côi để làm tuần cửu nhật theo cách thức sau: trước tiên, con hãy đọc một Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Tin Kính. Sau đó, trên các hạt của Kinh Lạy Cha, con sẽ đọc những lời này: Lạy Cha Hằng Hữu! con xin dâng Cha Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền bù tội lỗi chúng con và toàn thế giới. Trên các hạt của Kinh Kính Mừng, con hãy đọc những lời sau: vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Khi kết thúc, con hãy lặp lại ba lần những lời sau: Lạy Thiên Chúa chí thánh, đấng toàn năng chí thánh, đấng hằng sống chí thánh, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.[13]

Liệu Chúa có cần thiết phải mạc khải cho chị Faustina một cách lần chuỗi mới tương tự như lần chuỗi Mân Côi không, nhất là không lâu trước đó, khi hiện ra tại Fatima, Đức Mẹ đã khẩn thiết kêu mời con cái Mẹ phải siêng năng lần chuỗi Mân Côi?  

2.     Bức hình LCTX có vấn đề?

Bức hình LCTX có những dấu hiệu sai lầm và nguy hại đối với đức tin của tín hữu có thể coi là nguyên nhân thứ hai khiến cho việc sùng kính LTXC bị cấm.

Thật vậy, nhìn vào tấm hình LTXC, ta thấy hình ảnh Chúa Giêsu với cánh tay trái đặt chỉ trên ngực, còn tay phải nâng lên cao ngang tầm nhìn. Có hai luồng sáng được cho phát ra từ trái tim của Chúa, luồng sáng trắng tượng trưng cho nước, và luồng sáng đỏ tượng trưng cho máu. Hình ảnh đó muốn diễn tả nước và máu chảy ra từ con tim bị đâm thủng của Chúa để mang lại ơn cứu độ cho con người. Điều bị phản bác ở đây là, hai luồng sáng tượng trưng cho máu và nước được cho là phát ra từ trái tim của Chúa mà lại không thấy chính trái tim Chúa đâu! Tất cả những bức hình về Thánh Tâm Chúa từ xưa đến nay đều vẽ trái tim của Chúa rất to và rõ ràng trên ngực của Chúa. Một thiếu sót quan trong khác trên bức hình LTXC là người ta không nhìn thấy, hoặc chỉ thấy rất mờ, những vết thương trên tay, chân và cạnh sườn của Chúa Giêsu. Theo Kinh Thánh, chúng ta biết các vết thương của Chúa Giêsu vẫn còn trên thân thể của Ngài sau phục sinh và là bằng chứng quan trọng của biến cố phục sinh.

Mặc dù trên một số tấm hình hiện nay người ta thấy có những vết thương của
được vẽ mờ trên tay, chân của Chúa, nhưng đó chỉ là do được sửa lại bởi bàn tay của hoạ sĩ Adolf Hyla mà thôi. Tác phẩm sửa lại của Hyla bị chính linh mục Sopocka, người đã làm việc với chị Faustina cùng với hoạ sĩ Kazimirowski để vẽ bức tranh ban đầu, phản đối kịch liệt. Cũng chính Hyla đã mặc cho Chúa Giêsu áo alba và giây đai thắt ngang lưng. Bức ảnh LCTX nguyên thuỷ không có các vết thương trên chân, tay, và cạnh sườn của Chúa, và Chúa không có mặc áo Alba. Phải chăng đây là chủ ý quỷ quyệt của của Chủ Nghĩa Hiện Đại muốn lèo lái  đánh lừa người tín hữu rằng, chỉ nên tập trung chú ý vào Đức Kitô vinh quang hơn là Đức Kitô đau khổ trên thập giá? Đức Piô XII đã vạch trần quan điểm sai lầm này của trào lưu duy Hiện Đại trong Thông Điệp Đấng Trung Gian Của Thiên Chúa – Mediotor Dei – một thông điệp về Phụng Vụ ban hành ngày 20/11/1947.

Thật vậy, Đức Piô XII đã nói: “Các hiền đệ thân mến, qua những gì chúng tôi đã giải thích, thật hiển nhiên là các tác giả hiện đại, những người mong muốn một tinh thần phụng đích thực và đúng đắn, do bị lừa dối bởi ảo tưởng về một chủ nghĩa thần bí cao hơn, đã dám khẳng định rằng sự chú ý nên được dành cho Đức Kitô ‘thần khí’ hoặc Đức Kitô vinh quang hơn là cho Đức Kitô lịch sử. Họ không ngần ngại khẳng định rằng sự thay đổi ấy đã xảy ra trong hình thức đạo đức bình dân của người tín hữu qua việc hạ bệ Đức Kitô khỏi vị trí của Ngài; vì họ nói rằng Đức Kitô vinh quang, Đấng hằng sống, hiển trị và ngự bên hữu Đức Chúa Cha, đã bao trùm và thay thế cho Đức Kitô lịch sử sống trên mặt đất. Vì lý do này, họ đã đi quá xa khi muốn gỡ bỏ khỏi các nhà thờ hình ảnh Đấng Cứu Thế đau khổ trên thập giá.[14]   

Phải chăng do cảnh báo trên của Đức Piô XII mà những thiếu sót trong bức hình LCTX bị coi là khó có thể chấp nhận, và vì thế là nguyên nhân khiến việc sùng kính LTXC bị ngăn cấm?

Nói thêm một chi tiết là, kể từ sau cuộc cách mạng Vatican II, không hiểu từ đâu, người ta quảng bá trào lưu đặt tượng Chúa Sống Lại thay cho tượng chịu nạn nơi chính gian cung thánh của các nhà thờ? Phải chăng họ đang phạm phải sai lầm mà Đức Pio XII đã kết án trong Thông Điệp Mediotor Dei nói trên rằng: họ đã đi quá xa khi muốn gỡ bỏ khỏi các nhà thờ hình ảnh Đấng Cứu Thế đau khổ trên thập giá??    

3.     Sắc lệnh ngày 26/5/1937 của Bộ Tác Vụ Thánh?[15]

Những lời cảnh báo chứa đựng trong một Sắc Lệnh khác của Bộ Tác Vụ Thánh có thể là lý thứ ba khiến việc tôn sùng LCTX bị cấm. Sắc Lệnh này được Đức Piô XI châu phê và truyền lệnh ban hành ngày 26/5/1937.

Sắc Lệnh 1937 cảnh báo các mục tử về việc lan tràn các hình thức sùng kính các thánh và sử dụng hình ảnh của các ngài để đạt được ơn Chúa. Sắc lệnh cảnh báo nguy cơ sai lầm và lệnh lạc đức tin mà các việc sùng kính này có thể đem đến, đồng thời khuyến cáo các Giám Mục phải loại bỏ bất cứ cái gì bất thường, biến thái, phàm tục, và không xứng đáng ảnh hưởng đến đức tin và lòng đạo của tín hữu.

Sắc lệnh 1937 đã nhắc lại những lời sửa dạy nghiêm khắc của Đức Piô IX, qua sắc lệnh của Bộ Tác Vụ Thánh ngày 13/1/1875, rằng: “các tác giả dùng tài năng của mình trên các chủ đề dung dưỡng sự mới mẻ, cũng như những ai đang nỗ lực, dưới vỏ bọc đạo đức, để quảng bá những hình thức sùng kính xa lạ qua các báo và tạp chí, được cảnh báo hãy dừng ngay những hoạt động này và suy xét những nguy hiểm mà những hình thức sùng kính mới mẻ này gây ra nhằm lôi kéo người tín hữu rơi vào lầm lạc đức tin, và tạo cho những kẻ thù ghét tôn giáo cái cớ để coi rẻ sự trong sáng của đức tin Công Giáo và lòng sùng kính đích thực.

Sau khi tỏ ý đau buồn vì những cảnh báo nghiêm trọng và huấn lệnh của thẩm quyền tối cao của Giáo Hội đã không được các nơi vâng theo. Sắc Lệnh vạch rõ rằng: “Thực tế, như mọi người đều biết, những hình thức sùng kính này phần nhiều là lố bịch, là những kiểu  nhái lại vô ích hay những sự thoái hoá của những hình thức sùng kính đã được thiết lập hợp pháp trước đây, ở nhiều nơi hôm nay nhất là những ngày gần đây, đang được nhân rộng và quảng bá cho các tín hữu, tạo cớ cho sự ngạc nhiên và phỉ báng chua cay từ phía người ngoài Công Giáo.”

Cuối cùng, do ý muốn của Đức Pio XI, Sắc Lệnh bó buộc lương tâm các Giám Mục, với tư cách là những người chăm lo phần rỗi các tín hữu, người canh giữ sự tinh tuyền và toàn vẹn của đức tin và luân lý, phải kiên quyết loại bỏ tất cả những nguy hại và những lạm dụng của các kiểu sùng kính mới mẻ và xa lạ mà Sắc Lệnh đã cảnh báo trên.

Khi đọc lời Sắc Lệnh cảnh báo chống lại những kiểu sùng kính mà thuần tuý chỉ là “những kiểu nhái lại vô ích hay những sự thoái hoá của những hình thức sùng kính đã được thiết lập hợp pháp trước đây”, chúng ta có thể lập tức nhớ đến lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu (TTCGS). Chẳng phải lòng sùng kính TTCGS đã nhấn mạnh đến lòng thương xót tuyệt đối của Chúa Cứu Thế sao? Tại sao sau đó lại còn cần đến một kiểu sùng kính khác tập trung vào LTXC? Đó phải chăng là một cách để nhằm hướng sự chú ý khỏi việc sùng kính TTCGS? Phải chăng người ta muốn thay thế cái đúng đắn và quan trọng bằng một cái đáng ngờ và kém quan trọng?

Chúng ta cùng nhớ lại xem việc sùng kính TTCGS đã được Mẹ Hội Thánh
không ngừng quảng bá như thế nào. Lời nguyện và Thánh lễ đầu tiên để tôn vinh TTCGS được Thánh Gioan Eudes viết vào thế kỷ 17. Sau đó, năm 1856, Đức Piô IX mở rộng lễ này ra cho toàn thể Giáo Hội. Đức Leô XIII đã thánh hiến toàn thể loài người cho TTCGS năm 1899, và coi đó là hành động quan trọng nhất trong triều đại Giáo Hoàng của ngài. Tiếp theo, Đức Piô XI đã nâng lễ TTCGS lên bậc lễ trọng. Đức Piô XII thì dành cả một thông điệp Haurietis Aqua,được ban hành ngày 15/5/1956, để nói về việc sùng kính TTCGS. Khắp nơi trong Giáo Hội đã thực hiện việc sùng kính TTCGS và  dành riêng tháng 6 và các ngày Thứ Sáu đầu tháng cho việc đạo đức này. Do vậy, một kiểu sùng kính khác tập trung vào LTXC có nguy cơ làm cho người ta xao nhãng lòng sùng kính TTCGS, một lòng sùng đích thực vốn đã chú tâm vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa, đã được nhìn nhận và thực hành khắp nơi trong Giáo Hội. Vậy có cần thiết phải quảng bá việc sùng kính LTXC hay không? Hay đó lại chẳng phải “những kiểu nhái lại vô ích hay những sự thoái hoá của những hình thức sùng kính đã được thiết lập hợp pháp trước đây” như lời trong Sắc Lệnh 1959 đã nói đó sao?

KẾT LUẬN

Chúng ta có thể không biết chắc vì lý do gì mà Bộ Tác Vụ Thánh đã ra sắc lệnh cấm và yêu cầu dẹp bỏ việc sùng kính LTXC như vừa trình bày. Nhưng chúng ta tin chắc một điều rằng, việc sùng kính LTXC bị ngăn cấm phải được dựa trên một lý do nghiêm trọng và chắc chắn nào đó. Nếu không thì Giáo Hội đã giữ im lặng, không chính thức thừa nhận hay phản đối, như đối với một số các mạc khải tư khác. Sự kiện Đức Mẹ Mễ Du là một thí dụ như thế. Một khi Giáo Hội đã chính thức lên tiếng xác nhận hay phản bác, quyết định đó là chắc chắn và không thay đổi. Việc sùng kính LTXC đã bị Bộ Tác Vụ Thánh, dưới thời Đức Piô XII, công khai ra lệnh cấm cản và yêu cầu dẹp bỏ là một sự thật không thể chối cãi và nó cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. Không thể nào đi ngược lại với sắc lệnh đó mà không gây ra nghi ngờ.

Khôi phục lại việc sùng kính LTXC là gián tiếp nói rằng Giáo Hội thời Đức Pio XII đã sai lầm khi ra lệnh cấm việc sùng kính LTXC. Nếu Giáo Hội đã sai lầm khi cấm việc sùng kính LTXC thì có gì bảo đảm là Giáo Hội sẽ đúng khi bất chấp lệnh cấm và cho phép thực hành chính việc sùng kính đó? Phán quyết của Giáo Hội luôn nhất quán và liên tục. Không thể nay phán thế này, mai lại phán thế kia. Trước khi ban hành sắc lệnh cấm việc sùng kính LTXC, chắc chắn là Giáo Hội đã phải điều tra cẩn thận và có lý do chính đáng để ra lệnh cấm. Do đó, việc phá rào bất chấp lệnh cấm của Giáo Hội để khôi phục và quảng bá LTXC là một hành động đáng ngờ.

Lý do gì mà sau Vatican II, người ta lại làm cho sống lại việc sùng kính LTXC vốn đã bị Giáo Hội ngăn cấm và bãi bỏ trước đó không lâu? Phải chăng đó tiếp tục là cái thói quen nói và làm ngược lại với đức tin truyền thống mà Vatican II đã khởi xướng? Vẫn với tinh thần làm việc của cuộc cách mạng Vatican II đó là: không bác bỏ cái cũ nhưng đưa thêm những cái mới vào. Để rồi hậu quả là những gì là chân thật, là truyền thống lâu đời bị chết yểu và nhường chỗ cho cái mới. Cụ thể ở đây là, khi việc sùng kính LTXC được đưa vào thực hành, thì những hình thức sùng kính truyền thống bấy lâu dành cho TTCGS, Đức Mẹ và tràng chuỗi Mân Côi đang dần bị mai một và biến mất! Phải chăng LTXC là thứ “vũ khí” mà thế lực nào đó đã chủ ý đưa vào nhằm tiêu diệt lòng sùng kính dành cho TTCGS và tràng chuỗi Mân Côi, nhằm dẫn đưa con người đi xa và lệch khỏi đức tin truyền thống? Liệu có ai còn cảm thấy có gì bất thường trước hiện trạng này hay không?

Lòng sùng kính TTCGS từ lâu được coi là một đặc tính cá biệt của Dòng Tên, một Dòng đã được thánh hiến cho TTCGS vào nửa cuối thế kỷ 19. Theo Thánh Margaret Mary Alocoque, Dòng Tên được chính Chúa uỷ thác sứ vụ quảng bá lòng sùng kính TTCGS. Mặc dầu vậy, cho đến thập niên 70 của thế kỷ 20, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thánh hiến Dòng Tên cho TTCGS, cha bề trên tổng quyền Arrupe đã phải chua chát thừa nhận rằng, xét theo tổng thể, lòng sùng kính TTCGS kể như đã chết đối với đa số các tu sĩ Dòng Tên bởi vì nó bị coi là trẻ con, ấu trĩ và không thể chấp nhận đối với con người hiện đại![16]     

Việc sùng kính LTXC đem lại lợi ích thiêng liêng gì cho đức tin và phần rỗi của người tín hữu, chúng ta chưa thể biết chắc. Nhưng sự thật là đã có những biến thái và lạm dụng xảy ra như các kiểu mục vụ LTXC, những chia rẽ phe nhóm, những thần tượng và các fan hâm mộ LTXC….Một sự thật đáng giật mình nữa là, khi việc sùng kính LTXC được quảng bá rầm rộ khắp nơi thì cũng là lúc lòng sùng kính dành cho TTCGS âm thầm rơi vào quên lãng: hình ảnh TTCGS dần dần bị thay thế bởi hình ảnh LTXC, hình ảnh LTXC đang dần chiếm chỗ hình ảnh TTCGS trong các nhà thờ và các gia đình Công Giáo; việc đọc sách suy tôn TTCGS trong tháng Thánh Tâm và các ngày Thứ Sáu đầu tháng hầu như đang biến mất được thay thế bằng những buổi cầu nguyện và lần chuỗi LTXC; việc lần chuỗi LTXC cũng đang làm cho việc lần chuỗi Mân Côi bị coi nhẹ và lãng quên!

Bất cứ khi nào có nghi ngờ về tính chân thực của một giáo lý hay thực hành mới nào, thì sự khôn ngoan mách bảo chúng ta buộc phải trung thành với giáo lý và thực hành truyền thống trước đó của Giáo Hội. Không phải thấy bất cứ thực hành nào có vẻ nhuốm màu đạo đức là vồ vập chạy theo. Do vậy, điều khôn ngoan và thực tế nhất mà người tín hữu cần làm trong thời đại người ta đang tìm cách nới lỏng luật Chúa và hợp thức hoá tội lỗi này là gì? Thưa, đó là gia tăng lòng sùng kính mến yêu dành cho TTCGS hơn là sùng kính LTXC; là trưng bày trên bàn thờ gia đình hình ảnh TTCGS hơn là hình LTXC; là siêng năng đọc kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu và lần chuỗi Mân Côi hơn là lần chuỗi LTXC! Siêng năng sám hối và xưng thú lỗi hơn là tôn thờ suông LTXC. Nếu không có việc sùng kính LTXC thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ơn cứu độ. Nhưng nếu bỏ không tôn sùng TTCGS, không lẫn chuỗi Mân Côi, và không sám hối tội lỗi thì sẽ là một tai hoạ cho lớn lao cho phần rỗi. Hãy thức tỉnh!

Có thực sự đúng đắn và cần thiết phải quảng bá việc sùng kính LTXC hay không, đang khi đã có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu vốn tập trung vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa? Việc Giáo Hội thời hậu Vatican II, bất chấp lệnh cấm năm 1959, đã phục hồi và quảng bá việc sùng kính lòng LTXC là một quyết định đúng đắn hay lại tiếp tục là một hành động nữa nhằm dẫn đưa tín hữu đến cái apostasy của thời kỳ cuối mà lời Chúa và Đức Mẹ đã cảnh báo??      

Mẹ Fatima, cầu cho chúng con!

Thánh Tâm Chúa Giêsu, cầu cho chúng con!


[1] Xem: Công Báo Toà Thánh (Acta Apostalicae Sedis) số 51, năm 1957, trang 271)

[2] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina (Stockbridge, MA: Marian Press, 1987), 699.
[3] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 23.
[4] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 89.
[5] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 168.
[6] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 378.
[7] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 288.
[8] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 400.
[9] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 417.
[10] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 583.
[11] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 374.
[12] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 382.
[13] Divine Mercy in My Soul, The Diary of Sr. Faustina, 208.
[14] Piô XII, Thông Điệp Đấng Trung Gian Của Thiên Chúa. Số 162.
[15] Xem: Công Báo Toà Thánh (Acta Apostalicae Sedis) số 29, năm 1937, trang 304)
[16] Malachi Martin, The Jesuits: The Society of Jesus and the Betrayal of the Roman Catholic Church (New York: Linden Press, Simon & Schuster, 1987), 223–225.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét