Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Tặng vật tình yêu



Khách trên xe buýt nhìn với vẻ thương cảm phụ nữ trẻ, xinh đẹp, lần mò lên xe buýt bằng cây gậy màu trắng. Cô trả tiền cho bác tài và dùng tay dò dẫm từng chiếc ghế ngồi, từ từ đi xuống theo lối giữa xe và tìm được ghế trống mà bác tài đã nói. Rồi cô ngồi vào chỗ, đặt chiếc cặp lên lòng và cây gậy dựa vào chân.

Đã một năm rồi, từ ngày bị mù khi mới ba mươi tuổi, do chẩn đoán y khoa sai lầm, Susan thành khiếm thị. Cô đột nhiên rơi vào thế giới tối đen, phẫn nộ, tuyệt vọng, chỉ còn biết thương thân, trách phận. Và cô phải bám chặt vào chồng cô, Mark, sĩ quan Không Quân, yêu vợ với cả trái tim, bằng lòng chung thủy: mối tình mãnh liệt như năm năm trước lúc họ mới yêu nhau. Khi vợ bị mất thị lực, thấy cô chìm sâu trong tuyệt vọng, anh xót thương nàng và quyết định giúp vợ lấy lại sức mạnh cũng như lòng tự tin – những gì cô ấy cần để có thể tìm lại sự độc lập cho bản thân.
 Cuối cùng, Susan cảm thấy cô đã sẵn sàng trở lại làm việc, nhưng cô sẽ đi đến sở bằng cách nào? Trước đó, cô vẫn thường đi xe buýt; nhưng, bây giờ, cô quá sợ nên không thể đi lại một mình trong thành phố. Mark tự nguyện lái xe đưa cô đi làm hàng ngày mặc dù nơi làm việc của họ ở hai đầu thành phố. Susan được an ủi là điều khiến Mark cảm thấy dễ chịu vì đã bảo vệ được người vợ khiếm thị từng bất an trong mọi chuyện.
 Tuy nhiên, chẳng bao lâu, Mark nhận ra cách sắp xếp như thế không ổn, chẳng giúp Susan hòa nhập vào hoàn cảnh mới. Anh tự nhủ: Susan cần phải đi xe buýt trở lại. Nhưng cô còn quá yếu đuối, quá bi quan, cô sẽ phản ứng như thế nào trước những tình huống trên xe? Đúng như Mark dự đoán, Susan kinh hoàng trước ý kiến đi xe búyt như trước.
 Cô cay đắng nói: “Em mù lòa! Làm sao em biết em đang đi đâu? Em có cảm giác anh muốn bỏ em.”
 Trái tim Mark như vỡ ra khi nghe những lời này, nhưng anh biết mình phải làm gì. Anh hứa với Susan rằng anh sẽ đi xe buýt với cô mỗi sáng và mỗi chiều, bao lâu cũng được cho đến khi cô đã quen và tự lo liệu.
 Quả đúng như vậy. Trong suốt hai tuần, Mark, mặc bộ quân phục, cùng vợ trên xe buýt đi và về mỗi ngày. Anh bày cho cô cách dựa vào các giác quan, nhất là thính giác, để xác định mình đang ở đâu và làm sao thích nghi với hoàn cảnh mới. Anh giúp cô kết bạn với các tài xế xe buýt, với những người có thể trông chừng cô và dành cho cô một chỗ.
 Cuối cùng, Susan quyết định sẵn sàng tự mình đi xe buýt. Buổi sáng thứ sáu đó, trước khi đi làm, cô vòng tay ôm Mark, người bạn đồng hành trên xe buýt, người chồng, người bạn tốt nhất đời cô... Mắt cô đẫm lệ, những giọt lệ biết ơn lòng chung thủy, sự kiên nhẫn của chồng cô và vì tình yêu của anh nữa. Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm …. Mỗi ngày qua đi với những chuyến xe buýt mà cô tự lên xuống thành công và cảm thấy như chưa bao giờ cuộc đời chìm trong bóng tối của cô có thể tốt hơn. Cô đang làm được việc đó. Cô sẽ tiếp tục đi làm một mình.
 Sáng thứ sáu, Susan đón xe buýt đi làm như thường lệ. Khi cô trả tiền vé để xuống xe, bác tài nói: “Này cháu, bác ghen với cháu đó.” Susan không chắc là bác tài đang nói với mình. Xét cho cùng, còn ai trên đời này lại đem lòng ganh tị với một phụ nữ bị mù, phải vật vã tìm hi vọng sống trong một năm qua? Ngạc nhiên, cô hỏi bác tài: “Tại sao bác nói bác ghen với cháu?”
 Bác tài đáp: “Cháu biết đấy, suốt tuần rồi, sáng nào cũng vậy, một người đàn ông đẹp trai, mặc quân phục, đứng ở góc đường, nhìn cháu xuống xe. Anh ấy chờ cháu băng qua đường an toàn, rồi nhìn cháu đi vào tòa nhà văn phòng. Anh chàng gửi cho cháu một nụ hôn gió, vẫy tay chào, rồi quay đi. Cháu là phụ nữ thật may mắn.
 Những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn trào trên má Susan. Dù không thể nhìn thấy Mark, cô vẫn cảm nhận sự có mặt của anh. Cô thật may mắn, may mắn vô cùng vì anh đã biếu cô tặng vật quý giá hơn cả thị giác của cô, tặng vật mà cô chẳng cần nhìn thấy mới tin. Tặng vật của tình yêu đã đem ánh sáng đến soi nơi chỉ có bóng tối bủa vây.

(Phan văn Phước sưu tầm.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét