Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

MẮT THẤY - TAI NGHE


Nguồn gốc của cụm từ “dòm giỏ ngó treo”:
Để tránh sự dòm giỏ ngó treo của bọn chó săn, các thơ từ của chí sĩ, thơ nhà cũng như thơ ngoài, đều gởi cho quan huyện Tân Định.”Trích từ nhatrangonline
“Chọn được người yêu mình hết lòng như anh ấy, lại hợp tính hợp nết, mẹ chồng còn trẻ trung không cổ hủ lạc hậu lúc nào cũng dòm giỏ ngó treo xét nét con dâu như mẹ mấy nhỏ bạn, chồng mình lại là con một, mình sẽ không chịu cái cảnh em dâu - chị chồng. Theo Afamily
Từ “dòm giỏ ngó treo” được dùng trong hai trường hợp trên đều mang nghĩa không tốt, khi ai đó cố ý dòm ngó, soi xét về công việc, hành động của một con người, một tổ chức nhằm tìm kiếm thông tin, khiếm khuyết, bí mật để thực hiện ý đồ của họ.

Hình thành cụm từ dòm giỏ ngó treo từ bao giờ không biết, nhưng đây là từ thuần Việt.
Khi xưa người nông dân Việt Nam sống trong nhà luôn có hai vật dụng cần thiết đó là giỏ và treo. Giỏ được đan bằng tre, mây, có hình dạng to nhỏ khác nhau, thường dùng để đựng nông sản, đôi khi đựng những thứ quý giá mà họ có. Treo là một vật thường làm bằng mây (hay gọi là gióng) có đáy hình vuông, tròn và hai quai nối với bốn góc của đáy. Gióng có nhiều cỡ, to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Người ta dùng gióng treo những chiếc nồi bằng đất, đồng hay những chiếc giỏ, thúng, rổ rá… trên cao (thường là dàn bếp, mái, xà nhà…) để cất đồ ăn hoặc những thứ khác, nhằm tránh heo, gà…nên có cụm từ “chó treo mèo đậy” hoặc “cám trên treo để heo nhịn đói” (xưa không có tủ đụng thức ăn như bây giờ). Người ta còn dùng gióng để gánh. Giỏ và treo thường kín, bên trong chứa gì nhìn bên ngoài không thể biết rõ. Và ai đó phải cố ý mới biết được bên trong. Và cụm từ dòm giỏ ngó treo đã nói lên ý không tốt.
LXC sưu tầm

“Du côn”
Trong tiếng Việt từ “du côn” được dùng để chỉ những kẻ chuyên gây sự, hành hung, suốt ngày lang thang lêu lổng. Và một cử chỉ hành động hay tính cách mang những đặc điểm trên được gọi là “hành động du côn”, “tính cách du côn”,… “Du côn” là từ du nhập từ tiếng Hán. “Du” có nghĩa là rong chơi, chơi bời”, nó giống với nghĩa của “du” (quân trộm cướp); “côn” có nghĩ là “quân vô lại”, là hạng người xấu, như “ác ôn” là bọn người hung ác vô lại ức hiếp dân chúng (biết đâu từ “ác ôn” lại chẳng được sinh ra từ từ này), “đổ côn” là con bạc, “tụng côn” là tên xúi bẩy, tên cò mồi trong các vụ kiện tụng. Như vậy “du côn” nếu hiểu theo lối chiết tự của tiếng Hán có nghĩa là “quân vô lại lêu lổng”. Mặc dù được bắt nguồn từ tiếng Hán, nhưng trong từ điển tiếng Hán hiện đại không thấy có từ này.
Theo Trung Thuần
“Ý TRUNG NHÂN”
Trong tiếng Việt, “ý trung nhân” có nghĩa là người yêu theo lối nói sách vở. “Ý trung nhân” là một từ gốc Hán, “ý” có nghĩa là “tâm lý”, “ý trung nhân” là “người trong tâm lý,  người mà mình hằng nghĩ tới trong lòng” (và lẽ dĩ nhiên, “nhân” ở đây phải là người khác giới). “Ý trung nhân” trong tiếng Hán được bắt nguồn từ một câu thơ trong bài thơ “Thị Chu Duyện tổ tạ” của Đào Tiềm: “Dược thạch hữu thời nhân, Niệm ngã ý trung nhân”. Về sau “ý trung nhân” được dùng để chỉ người khác giới mà minh ái mộ. Như trong bài từ “Tố trung tình” của Yến Thu có câu: “Đông thành nam mạch hoa hạ, phùng trước ý trung nhân”. Và trong từ điển tiếng Hán hiện đại, “ý trung nhân” cũng được giải thích theo nghĩa vừa nêu.
Theo Trung Thuần
“Nợ như chúa Chổm”
Ai mà bị mắc nợ nhiều, nợ chồng nợ chất, không còn biết làm cách nào để trả, người ta bảo người ấy là “nợ như chúa Chổm”. Tuy “nợ như chúa Chổm” đã thành câu cửa miệng, người ta vẫn muốn biết được gốc tích của “chúa Chổm”. Tương truyền, “chúa Chổm” là nhân vật có thật trong lịch sử nước ta, đó là Lê Ninh, người đã mắc nợ rất nhiều trước khi lên làm vua (tức vua Lê Trang Tông, 1533-1548). Lại tương truyền, khi lên ngôi vua và được rước về kinh thành Thăng Long, ông bị đòi nợ suốt dọc đường. Mới đầu, cứ ai hỏi là “chúa Chổm” trả, bất kể là chủ nợ thật hay chủ nợ vờ. Song đến khi thấy các chủ nợ mỗi ngày một đông, “chúa Chổm” bèn ra lệnh chỉ trả cho đến khi về tới ngã tư cổng thành Cửa Nam. Vi thế, chỗ ngã tư này đựoc gọi là ngã tư Cấm Chỉ.   
Theo Trung Thuần

“Thạc sĩ”
“Thạc sĩ” được Từ điển tiếng Việt định nghĩa là “Học vị cấp cho người được công nhận là có trình độ giảng dạy ở bậc trung học hay đại học ở một số nước”.
Theo tiếng Hán, “thạc” xưa kia vốn có nghĩa là “đầu to”, sau chuyển nghĩa được dùng để gọi tất cả những gì là “to”. Như “thạc quả” có nghĩa là quả to. Trong “Kinh dịch”, quẻ Bác có câu: “Thượng Cửu, thạc quả bất thực” (Hào chín Trên, quả lớn chưa bị hái xuống ăn). Về sau, tất cả những gì khó lòng có được đều được gọi là “thạc quả”, nói “thạc quả cẩn tốn” là để ví với những người hoặc vật đáng quý, hiếm có qua sàng lọc, đào thải còn được lưu tồn lại. “Thạc đại vô bằng” được dùng để miêu tả sự to lớn không gì sánh được. Còn “thạc nhân” được người Trung Quốc xưa dùng để gọi những người “thịnh đức”, có đức hạnh cao dày. Trong tiếng Hán cổ, từ “thạc nhân” còn được xuất hiện trong bộ “Kinh thi”, là tên đặt cho một thiên của phần “Vệ phong”, nội dung ca ngợi gia thế, vẻ đẹp của nàng Trang Khương – chính thất của Vệ Trang Công, là em gái của thái tử Đắc Thần nước Tề. Trong “Thi tự” nói rằng: “Vì Trang Công chỉ đem lòng sủng ái với bầy thiếp của mình mà tỏ ra lạnh nhạt với Trang Khương, nên Trang Khương không có con”. “Quốc nhân” vì thương xót nàng mà làm bài thơ nầy. Người nước Vệ đã quá khen tặng sự tôn quý của gia tộc nàng, để cho thấy nàng mới thực là chính đích phu nhân, phải đáng được yêu mến trọng hậu, và than thở cho sự mê hoặc tối tăm của Vệ Trang Công. Rồi người đời sau thường gọi các mỹ nhân là “thạc nhân”.
“Thạc sĩ” theo nghĩa trước đây có nghĩa là “thạc học chí sĩ”, chỉ những người có phẩm tiết cao thượng, học vấn uyên thâm. Còn “thạc sĩ” theo nghĩa đang sử dụng hiện thời được dùng để chỉ một loại học vị, thường là học vị bậc hai. “Thạc sĩ” theo tiếng Anh là Master (M.A), theo tiếng Pháp là Mastère. Tùy theo từng đặc điểm riêng của mỗi quốc gia, mà nội dung của học vị “thạc sĩ” có những điểm không hẳn tương đồng. Nhưng thường những người được công nhận học vị thạc sĩ là những người có trình độ đại học thứ hai, là các nghiên cứu sinh trong các trường cao đẳng hay các cơ quan nghiên cứu khoa học, hoặc những người có trình độ học vấn ngang bằng với những người nói trên. Thạc sĩ là những người có trình độ học thuật đã đạt đến trình độ nắm vững các lý luận cơ bản và hệ thống kiến thức về ngành học của mình, có khả năng làm công tác nghiên cứu khoa học hoặc độc lập đảm đương được nhũng công việc kỹ thuật chuyên môn.
Theo Trung Thuần

Dùng thành ngữ có đúng ?
Trên một bài viết có đoạn sau:
“… Gia đình một trai tráng miền cát Quảng Bình đang hứng chịu nỗi đau khổ tận cam lai khi căn bệnh quái ác đột nhiên đổ ập xuống 6 đứa con đang mơn mởn tuổi đến trường…” 
 Đọc đoạn văn trên chắc nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Khi nói đến nỗi đau cùng cực, quá sức chịu đựng của một gia đình có đến 6 đứa con cùng bị căn bệnh quái ác. Nhưng lại dùng thành ngữ “khổ tận cam lai” có nghĩa khổ cực hết thì vui tươi đến.
 Mời xem định nghĩa:
 Khổ tận cam lai
Đây là câu thành ngữ Hán Việt.
Khổ: nghĩa là đắng, khốn khổ (như từ "thống khổ" tức đau khổ)
Tận: nghĩa là hết, đến tận cùng
Cam: nghĩa là ngọt (như từ "cam thảo" tức cỏ ngọt)
Lai: nghĩa là đến, tới (như từ "tương lai" tức sắp đến, sắp tới)
Khổ tận cam lai nghĩa là đắng hết ngọt đến, khổ cực hết thì vui tươi đến.

Bàn về từ “cho”
“CHO” là từ thuần Việt tưởng không có gì phải bàn. Vậy mà càng ngày càng có không ít người chưa biết dùng đúng chỗ. Đơn cử một số trường hợp sau đây:
1. Một trò cũ đã vào nghề dạy học viết thư gửi thăm thầy giáo cũ có câu:
- Thưa thầy, đã lâu con không có thư cho thầy.
Trong thư trả lời, thầy lại có câu:
- Tôi nhận được thư anh đã lâu, hôm nay mới viết gửi anh được.
Như vậy trò thì dùng từ “cho” mà thầy lại tránh dùng.
2. Một cháu nhỏ đưa cho ông quả cam và nói:
- Thưa ông, cháu cho ông quả cam.
Ông uốn nắn lại:
- Cháu phải nói “biếu” ông chứ, sao lại nói cho ông?
- Ông cảm ơn, ông cho lại cháu.
- Ông lại nói cho rồi! Cháu thắc mắc.
- Ông là bề trên nói thế được. Cháu là bề dưới phải nói là biếu, hiểu chưa?
3. Con đi làm ở xa về thăm nhà đưa cho bố mẹ gói quà và nói:
- Con có chút quà đem về cho bố mẹ.
Bố mẹ nhận và trả lời:
- Cho bố mẹ nhiều thế!
Như vậy cũng từ “cho”, con dùng không đúng chỗ mà bố mẹ lại dùng đúng.
4. Một người mở ví lấy tiền đưa cho người hành khất và nói:
- Tôi đãi ông (bà, cháu…) chút nhỏ.
Người cho tiền dùng từ “đãi” để tránh từ “cho”.
5. Người đến cậy nhờ công việc với một người thường nói:
- Xin ông (bà, bác…) giúp cho tôi (em, cháu…) một việc.
Người giúp đỡ cho công việc không dùng từ “cho” đáp lại mà trả lời: “Được, tôi sẽ cố gắng giúp”.
6. Trong quan hệ bạn bè, người ta cũng không dùng từ “cho” khi nói, khi viết với người mình giao tiếp mà chỉ dùng từ “cho” khi mình được nhận thư, nhận quà, nhận sự giúp đỡ…
- Tôi đã nhận được thư (hay quà…) bạn gửi cho.
- Bạn đã giúp cho, tôi xin cảm ơn.
- Bạn đã cho, vâng, tôi xin nhận hoặc cho tôi xin …(Từ bạn là chỉ chung, tuỳ theo lứa tuổi mà xưng hô cho phù hợp).
Tóm lại, ngoài những trường hợp có quan hệ trong gia đình, họ mạc như ông bà cho cháu, bố mẹ cho con, anh chị cho em, người nhiều tuổi cho người ít tuổi…
Người có văn hoá không bao giờ dùng từ cho trong quan hệ xã hội nhất là với người mình cho của, giúp đỡ cho công việc với tính cách ban ơn hoặc cậy công.
Cách đây bốn, năm mươi năm ít thấy có chuyện dùng từ “cho” một cách tuỳ tiện, dù ở nông thôn hay thành thị. Về sau càng nhiều người dùng từ “cho” trong quan hệ giao tiếp không đúng chỗ. Cả trên báo chí, điện ảnh, ti vi cũng thường thấy có những trường hợp dùng từ “cho” một cách tuỳ tiện.
Từ của dân tộc Việt Nam ta phong phú, nhưng sử dụng sao cho có văn hoá, hợp ngữ cảnh, đối tượng… lại là việc của mỗi người. Đó chính là văn hoá giao tiếp.
Theo Tuấn Dũng

Viết như thế nầy có phải do lỗi hay chưa hiểu từ?
“-Nội dung họp:
       + Tổng kết hoạt động của Chi hội NCT thôn… năm 2012.
       +Vạch định phương hướng hoạt động của Hội NCT năm 2013.
Rất mong quý đại biểu…..đạt kết quả cao./.”
Đây là đoạn trích từ một giấy mời của Chi hội Người cao tuổi – Đã cao tuổi mà sai khó chấp nhận!
Mời xem nghĩa của từ Hán Việt hoạch định
1.011 hoạch  (có 5 nghĩa, hoạch định nằm ở nghĩa thứ 4)
1. dùng dao rạch ra 2. vạch ra, phân chia 3. nét ngang 4. bàn tính, hoạch định 5. chèo thuyền. Viết: 劃, Số nét: 14, Loại: Phồn thể
2.0418 định (có 2 nghĩa)
1. định 2. yên lặng, Viết: 定, Số nét: 8, Loại: Cả hai
3.Vạch (từ thuần Việt)
Động từ:
- Tạo thành đường, thành nét (thường là khi vẽ, viết)
vạch một đường thẳng trên nền đất
vạch phấn để đánh dấu
Đồng nghĩa: gạch
- Gạt sang một bên để có được một khoảng trống, để làm lộ ra phần bị che khuất
vạch rào chui ra
vạch áo cho người xem lưng (tng) 

“Kiếm kế sinh nhai”
Trong tiếng Việt, người ta hay nói phải đi đâu đó để “kiếm kế sinh nhai”. Như vậy “kiếm kế sinh nhai” có thể hiểu là “tìm cách làm ăn để duy trì cuộc sống cho mình”. “Sinh nhai” là một từ gốc Hán. Trong tiếng Hán “sinh nhai” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất chỉ “cái cực hạn của đời người”. Như trong “Dương Sinh Tử” của Trang Tử có câu: “Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai” (Cuộc đời ta là có giới hạn, còn cái sự biết là không có giới hạn), và trong “Nhạc phủ thi tập” thì có câu: “Sinh nhai bản man man, thần lí tạm siêu siêu”. Đó là nói về cuộc đời, ngoài ra “nhai” còn được dùng để chỉ đường ranh giới nói chung, như “thiên nhai hải giác” (chân trời góc biển), “nhất vọng vô nhai” (nhìn hút tầm mắt không thấy bến bờ).
Nghĩa thứ hai của “sinh nhai” là chỉ “cuộc đời”, hay “cuộc đời” làm một hoạt động hay một nghề nghiệp gì đó”, như “giáo thư sinh nhai” (cuộc đời dạy học), “cách mạng sinh nhai” (cuộc đời làm cách mạng). “Sinh nhai” trong “kiếm kế sinh nhai” chính là theo nghĩa này. Trong “Dữu Tử Sơn tập” của Dữu Tin thời Bắc Tống có câu: “Phi thường chi tích, nãi ích sinh nhai” (Phần được ban thưởng lớn nhất vẫn là cuộc đời tuyệt vời). Hay trong “Đỗ Công Bộ thảo Đường thi tiên” của Đỗ Phủ đời Đường có câu: “Thuỳ năng cánh câu thúc, lạn tuý thị sinh nhai” (Ai có thể trói buộc được hơn, say khướt là cuộc đời).
Theo Trung Thuần

“Trai tứ chiếng, gái giang hồ” hoặc “người tứ chiếng”.
Vậy “tứ chiếng” là gì? Nguồn gốc từ đâu?
 Chữ chiếng do đọc chệch chữ chính mà ra. Chữ chính có nhiều nghĩa. Ở đây chính là “cơ bản phương vị” là 4 hướng chính: đông tây nam bắc. Vậy tứ chiếng là người 4 phương.
Chữ “tứ chiếng” có ở miền Nam từ cuối thế kỷ XVII. Năm 1698, sau khi hoàn toàn thôn tính Chiêm Thành, Chúa Nguyễn Phúc Chu mở đất miền Nam, sai ông chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm kinh lược đất Thuỷ Chân Lạp. Ông chưởng cơ bèn đặt dinh trấn, chia đất Đông, Phố thành quận huyện, lại chiêu mộ những người lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất.
       Xứ Bến Nghé khi xưa dân cư chẳng có bao nhiêu bỗng trở thành một đại đô hội: Người chỗ này, người chỗ kia lui tới tấp nập. Người neo thuyền ở tạm thì gọi là dân “giang hồ”, người kết đoàn ở ngụ thì gọi là dân “tứ chính” hay “tứ chánh”.
       Trong “Gia Định thành công chí”, An toàn hầu Trịnh Hoài Đức giảng: “Chính là người bèo nước bốn phương hợp thành đoàn vậy”, và có chua thêm: “Tục gọi người bốn phương là tứ chánh (tứ chiếng) bởi quy tập người lưu lạc bốn phương lại thành làng mạc, không phải tổ phụ là chính người nối đời ở đó. Họ ở đông thành làng riêng, nên về buổi đầu thời Minh Mạng, Gia Định thành đã có 5 “Tứ chánh thôn” và 8 “Tứ chánh điếm”.
       Thường những người lưu lạc, “giang hồ” là những hạng người mạo hiểm, nên lâu đời tiếng “trai tứ chiếng” đối với “gái giang hồ” có nghĩa rộng hơn – thường là nghĩa không tốt, là trai phiêu lưu mạo hiểm “dọc ngang”.
       Tiếng chính có nhiều nghĩa, và tuỳ nghĩa còn chuyển ra tiếng nôm:
       1. Chính là đầu tiên, trước hết, cho ra tiếng chiếng trong ngôn ngữ miền Nam: “bông chiếng:, “trái chiếng” để nói: “cây mới nở hoa lần đầu” hay “cây mới có quả lần đầu”.
       2. Chính là “thật”; “chính hảo” là “thật tốt” cho ra tiếng “chiếng” là thật tốt, như nói: “mặc đồ chiếng”; “đi xe chiếng” (không phải chiến). Tiếng “chiếng” thông dụng trong đại chúng, ít dùng trong văn học.
       3. “Tứ chính” cho ra “tứ chiếng” như trình bày ở trên.
       4. “Chính nguyệt” nghĩa là tháng đầu trong năm, cho ra tiếng “tháng giêng”. Âm ch đổi ra âm gi ; “chi” ra tiếng “gì”; “chủng” là “trồng” cho ra “giồng”v.v…
       Như vậy chính tả mỗi tiếng đã có lý do của nó. Không giữ được đúng chính tả có thể làm giảm giá trị của bài văn, vì người đọc đã hiểu ra nghĩa khác.                                           Theo Triệu Bảo

Nguồn Gốc và ý nghĩa của chữ
“Tết” và “Năm”.
Chữ Việt ngày nay chia ra làm Kim văn và Cổ văn: Kim Văn là nói chung về chữ viết của ngày nay, và Cổ Văn là chữ của ngày xưa; ngày nay chữ Việt được viết bằng mẫu tự La-tin, Ngày xưa, chữ Việt được viết bằng chữ Tượng hình; Cổ văn của Việt là Hán-Nôm, lại chia ra làm 2 phần Hán-Việt và Nôm.
Khi nhắc đến văn tự của thời xưa, thì phải đặc tên và gọi là “Cổ văn” cho dễ phân biệt rõ ràng! Cổ xưa lại chia ra làm trung cổ, rồi thượng cổ và thậm chí là thời nguyên thủy v v… đó là cái rắc rối khi diễn đạt bằng ngôn ngữ-khác với cách diễn đạt bằng hình ảnh!
Thật ra thì ngôn ngữ chỉ là ngôn ngữ, và chữ viết đơn thuần chỉ là chữ viết; Nhưng, ngôn ngữ và chữ viết luôn luôn biến đổi do hoàn cảnh lịch sử và sự tiến bộ của văn minh và văn hóa của mỗi dân tộc và của nhân loại. Chữ Việt của người Việt ngày nay đã là “chữ Việt”, và chữ viết của người Việt thời xa xưa cũng đã là “chữ Việt”-“chữ Việt cổ”.
Bài viết nầy chứng minh rõ hơn về chữ Việt cổ, và nhân dịp đón xuân, xin bàn luận về nguồn gốc và ý nghĩa của những chữ “Tết”, và “Năm” .
*Khảo Cứu Hán _ Nôm : Chữ “Tết” hay “Tiết” = 節.
Tết là gì? Tết dương lịch của văn hóa phương Tây quá phổ biến trên toàn thế giới! Và dần dần thì câu “Happy new year” ai cũng biết! Ở đây, xin nói về tết “Ta”, tết của Âm-Lịch.
Tết âm lịch: Tết năm mới, tết nước, tết lúa, tết mùa v v...của Việt, Hoa, Ấn,Thái, Mường, Chăm, khmer v v…
Trước hết, ta xét thấy: Tiếng Việt ngày nay gọi là Tết.
“Tết” là danh từ của Lễ mừng năm mới của khoảng chừng 1/3 dân số trên thế giới ngày nay: Bao trùm vùng Đông Nam Á, Trung-Hoa, Hàn, Nhật, Ấn, Nepal v v…
-Việt Nam gọi là Tết.
-Trung quốc gọi là Xuân Tiết.
- Thái gọi là Thết/ Thrếts (trong kinh Lễ Ký, Khổng Tử gọi là Tế-sạ)
- Zhuang gọi là: XIT / SIT
- Nùng: TẾT
- Muờng:Thết
- Chàm: TÍT / kTÊH
- Mon: kTEH
- Khmer: CHÊTR
- India: CHETR (là tên tháng tư và tháng năm của cổ lịch Ấn độ, hai tháng giao mùa đem mưa đến [mois du début de la mousson]).
- Nepal: TEEJ (lễ đầu năm của Nepal)
- Mustang: TIDJ (lễ đầu năm của xứ Mustang, sát với xứ Nepal)
- Munda: TEEJ (lễ ăn mừng mùa mưa đến/ the ancient melodies of Teej, marking the return of the monsoon and the promises of prosperity [National Geographic magazine] )
Vậy, so sánh phong tục đón tết và ngôn ngữ thì thấy có rất nhiều ngôn ngữ đều có Tết/Tiết/Thết/Tít/Xít v v…
Qua khảo cứu với chứng cứ và tài liệu, Bằng chữ viết và ngôn ngữ học, thêm vào các môn khoa học khác nữa với văn hóa phong tục v v…, thì thấy rằng “Tết” là có cội nguồn và ý nghĩa của văn hóa Việt. Bởi các lý do sau đây:
_ Chữ Viết cổ xưa nhất là “Giáp cốt văn” đã vẽ hình “cây lúa có hạt lúa chín” khi nói về “Năm”/ 1 năm-Tết; Tết –năm gắn liền với cây lúa. (và Cổ Việt tộc được lịch sử phương Đông và phương Tây công nhận là tộc biết cấy lúa sớm nhất trên thế giới).
_ Khoảng 2000 năm trước, Hứa Thận đã giải thích chữ “Niên” là “Lúa chín” trong sách “Thuyết Văn”.
_ Chữ “Tết” hay Tiết hay Tít v v…đều có cùng phát âm giống gần nhau và có ý nghĩa rõ ràng chỉ giải thích được một cách cụ thể bằng chữ và nghĩa của tiếng Việt. (Chữ Việt cổ là chữ Tượng hình, không phải là chữ viết theo mẫu tự La-Tin như ngày nay).
_ Ngày của tết, tên của tết-ý nghĩa, phong tục và lễ hội đón tết gắn liền với văn hóa lúa nước.
Xin mời quý vị xem rõ chi tiết của “Tết” như sau:
Tết còn là “節-Tiết”/(Trong hiện tại).
-Tiếng Bắc Kinh đọc là “節-chẻ”.
-Tiếng Quảng Đông và Thượng Hải đọc là “節-chit”
-Tiếng Triều Châu đọc là “節-chôi”.
-Tiếng Nùng: Tết/Choang đọc là : 節-Xit (Nùng - Choang có liên hệ mật thiết huyết thống và ngôn ngữ).
-Quảng Âm (Thời Đường và Tống –“Quảng đại quần chúng đọc âm nầy”) đọc là : 節-Tết.
* Chữ “節-Tết” ngày xưa: Khoảng 2000 năm về trước đọc là “節-Tết”, chứ không đọc là “節-tiết”; Thời nhà Hán cũng đọc là: “節-Tết”. Cho nên phiên thiết bằng cách viết là “子結切-Tử kết thiết = “節-Tết”.
-Xem bằng chứng trong sách “thuyết văn” của 2000 năm trước:
=> Sách Thuyết Văn: 2865 節 竹 竹約也。从竹即聲。 子結切.
(Sách Thuyết Văn: Số thứ tự 2865: 節-Tết 竹-Trúc 竹約也-Trúc Ước Dã. 从竹即聲-Tùng Trúc Tức thanh. 子結切-Tử Kết Thiết)/ (Phiên dịch: Tết; là “Trúc”/ cây Trúc (được) thắt hay bó lại vậy (Được “chiết” ra để trồng), viết theo bộ Trúc-竹, đọc theo thanh“. Tức-即” phiên thiết: 子結-Tử kết =節-Tết). Nghĩa là:
- “Ước-約” hay Tước, hay Tách, triết, chiết, trẻ, chẻ, trích, tét, tếch, “tết” cây Trúc ra để mà trồng thì gọi là “節-Tết”.
- Chữ “節-Tết” Cổ xưa nhất là chữ Tượng hình, là vẽ hình dùng dụng cụ nông nghiệp để “Tết”/Tách “Búp Măng” của Trúc/Tre ra để mà trồng:
- - Chữ “Tết” cổ đại là Hình vẽ “bộ Trúc” phía trên và “măng tre” bên dưới-bên phải là dụng cụ nhà nông để Tách-Tết cây mà trồng. (881http://www.chineseetymology.org/CharacterASP/CharacterEtymology.aspx?characterInput=%E8%8A%82&submitButton1=Etymology
Bàn luận và nhận định: Chữ “節-Tết” là sản phẩm văn hóa của người thời xưa, của nhóm người gần gũi với “竹-trúc/Tre”, là của dân tộc sống nhờ nghề Nông và đã “định cư”-Biết cách “節/chiết-Tết-Tách” cây Trúc/tre để trồng, và phát âm Cổ là “節-Tết” chứ không phải “節-Tiết( Hán-Việt”)/(Xem bằng chứng trong sách “thuyết văn”), “節-Tết” là âm cổ của chữ Việt Cổ - và phát âm nầy liên hệ chặc chẽ với nhiều cách phát âm tương tự như là “Tết” của Vùng Đông Nam Á và Đông Á và cả Nam Á.
Sau khi đã thấy rõ nghĩa và phát âm có chứng minh của nguồn gốc xa xưa của chữ “Tết”/ Tách/ Tiết v v…thì sẽ dễ hiểu một năm được “tách” làm 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông, và ngày nay được gọi là Tiết Xuân-Tiết Hạ- Tiết Thu- Tiết Đông. (Nhưng, các cổ thư để lại vết tích cho thấy ngày xưa người ta chỉ phân biệt và tách 1 năm ra làm 2 mùa mà thôi! Mùa có mưa và mùa không có mưa! HAY LÀ mùa Xuân và Mùa Thu! Sách “Xuân-Thu” nói về thời Xuân Thu-Chiến Quốc của Đông Chu Liệt Quốc là 1 ví dụ cụ thể; Sách ghi chép về suốt năm thì chỉ cần ghi tên của 2 mùa Xuân và Thu là nói lên ý nghĩa “chuyện quanh năm”)! Hãy xóa bỏ những hiểu lầm về chữ “節-Tết”! (Và cũng cần làm cho rõ ý nghĩa của chữ “年-Niên” tức là “年-Năm”)!
*Khảo Cứu Hán_Nôm : “Năm” hay “Niên” = 年.
-Ngày nay tiếng Việt “年-Năm” là 1 năm.
-Hán-Việt gọi Năm là “年-Niên”
Ngoài ra, Tiếng Quảng Đông gọi là “年-Niềnh”, Triều Châu gọi là “年-Nía”, Bắc Kinh gọi là “年-Niẽn” v v…
Có thuyết cho rằng chữ “年-Niên” là tên của con thú dữ! Điều nầy phi lý!!! Chẳng qua là sự thêu dệt bởi chữ Niên có cái “sừng”/(年) phía trên - rồi kết hợp với việc múa Lân đón năm mới mà nói chơi cho vui không cần căn cơ-bằng chứng-dẫn chứng v v...; Lại có người căn cứ vào chữ Việt cổ và truyền thống nông nghiệp “lúa nước” của Thủy Tộc/ Người Lạc Việt ở Quí Châu và Quảng Tây của Trung Hoa ngày nay mà suy ra, là Chữ “年-Niên” có cái Lưỡi liềm cắt lúa ở phía trên! 2 nét ngang phía dưới là 2 mùa nắng mưa của 1 niên! Nét dọc nối liền 2 nét ngang của 2 mùa nói lên ý nghĩa “trọn 1 niên” mà chỉ có Thủy tộc/Lạc Việt với văn hóa lúa nước được bảo tồn cùng với chữ cổ thì mới nói lên được ý nghĩa “làm lúa 1 niên”... mà chữ Hán và Hán Tộc đã bị thất truyền và mai một mà quên đi ý nghĩa chính của chữ “年-Niên”! Giải thích như trên xem ra rất là “hữu lý” và có tính “thuyết phục” rất cao! Và được “tin tưởng” trong cái nhìn mới theo tinh thần khoa học có khảo cứu, có dẫn chứng trong hiện tại! Thuyết “年-niên” là 1 niên làm lúa với tra cứu sách “thuyết văn” và nhiều cổ thư khác như sách “Xuân Thu”, “Nhỉ Nhả” v v ...đã bác bỏ “年-Niên” là thú dữ! Nhưng, giải thích như vậy chưa đúng, chưa đủ và Không phải vậy!
2000 năm trước, sách “thuyết văn” giải thích chữ “年-Niên” xếp trong bộ chữ 禾-Hòa (Lúa/Mạ) và ghi chú là:
穀孰也從禾千聲春秋傳曰大有年《說文解字》Cốc Thục dã tùng hòa thiên thanh Xuân Thu truyện viết đại hữu niên (Thuyết Văn Giải Tự)…Nghĩa là “Niên’ là Lúa chín, và viết theo chữ Hòa, đọc theo âm “thiên”-Truyện Xuân Thu nói Đại Hữu Niên!!!
Cũng trong sách “Thuyết văn”, lại có thêm chữ “稔-Nẳm/Nhẳm=Lúa chín”. (Theo tôi, đây chính là chữ “年-Năm” mà viết theo cách mượn âm chữ “念-Niệm” để diễn đạt âm chữ “稔-Năm”; và cũng giống như
“年Năm”.Và ngày xưa …không cần phân biệt thanh Ngang-sắc-huyền-hỏi–ngã-nặng v v…cho nên có thể đọc là Năm=Nắm=nằm=Nậm=Nẳm-Nẩm …= 年 / 稔
(Trích): 4423 稔 禾 穀孰也。从禾念聲。春秋傳》曰:... 而甚切
(Nẳm Hòa Cốc thục dã. Tùng Hòa Niệm Thanh. 《Xuân Thu Truyện》Viết: …Nhi Thậm Thiết) …Nhi -Thậm = Nhậm / (=>chính xác là “Nậm/Nẳm/nằm/năm…”
Xét cho kỹ và xa xưa hơn nữa là “giáp cốt văn” đã vẽ hình chữ “年-Niên” là hình cây lúa “Nằm”/ Lúa ‘chín” thì nặng trĩu nhánh bông lúa mà “Năm/Nằm-年”.
Kim văn thời nhà Chu-Nối tiếp thời nhà Thương cũng thể hiện chữ “年-Niên” là cây lúa có Hạt đã chín…cho nên bị “nặng trĩu” và phải “Nằm” - do trọng lượng của Hạt lúa đã kéo nhánh bông lúa “nằm” xuống.
Và cây, bông, hạt lúa nằm… dần dần được viết bằng cách biến đổi 1 bãi lúa đã “nằm” ở trên ruộng lúa, và cũng giống như hình ảnh 1 bàn tay 4 ngón đã nắm lại và ngón cái cũng nắm lại đặt trên 4 ngón tay kia…là “nắm-” để thể hiện âm thanh“Nằm”/ Nắm: “Năm/Nằm-Lúa nằm/ ”/ Chữ cổ-Chữ Việt Cổ và từ đó mới đơn giản thành chữ “年-Năm” mà đa số hiện giờ đọc là “年-Niên”! Xem bằng chứng:
(http://www.chineseetymology.org/CharacterASP/CharacterEtymology.aspx?characterInput=%E5%B9%B4&submitButton1=Etymology)
Thể kỷ 21…có rất nhiều viện nghiên cứu Hán ngữ, Hán Việt, Hán-Nôm, ngôn ngữ học v v…trên toàn thế giới từ đông sang tây …ở Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Hàn quốc, Nhật, USA v v…; Tôi “phục nguyên” chữ “tiết” là “Tết” và “年-Niên” là “年-Năm” - và giải nghĩa rõ ràng cụ thể theo khoa học biện chứng: Đó là chữ Việt, Phát âm Việt, Phát âm chỉ thấy đúng và rõ nhất qua tiếng Việt, và ý nghĩa “nông nghiệp” và “lúa nước” đã được thể hiện rõ trong “chữ Việt Cổ” và phát âm cũng được “phục nguyên” bằng những bằng chứng vừa đủ! 1 bài viết được đưa lên Internet ngày nay là tất cả mọi người và tất cả các “Viện nghiên cứu ngôn ngữ” đều có thể đọc được! cho nên: Đây là 1 bài viết để công bố sự thật 1 cách nghiêm túc - không “giỡn chơi” được! Và Đây là 1 sự Khảo cứu kỹ lưỡng với bằng chứng và khoa học! Xin đọc giả và các viện nghiên cứu ngôn ngữ hay nghiên cứu Hán-Nôm tin tưởng sự nghiêm túc và chân thật của bài viết nầy.
Kết luận: Chữ “節-Tết” và “年-Năm” cùng với các chữ tượng hình khác là “chữ Việt Cổ”.
-Chữ tượng hình cổ xưa nhất là “Giáp cốt Văn”, 1 chi nhánh của người Lạc Việt đã giữ được “chữ Việt Cổ” là “Giáp cốt văn/Bản hoá thạch sống” mà hiện nay họ vẫn đang dùng! Đây cũng là 1 bằng chứng mà không ai phủ nhận được! Trước khi dừng lại ở bài khảo cứu Hán-Nôm và Chữ Việt cổ nầy:
-Xin Dẫn đường Link để quý vị nào biết đọc Hán-Nôm thì có thể tham khảo và nghiên cứu cho rõ thêm chữ Việt cổ của người Lạc Việt hiện đang ở Quí Châu và Quảng Tây của nước Trung Hoa ngày nay:
http://www.56china.com/56mz_pd/56mz_sz_uhpd/
Giáp Cốt văn của người Lạc Việt:
http://www.56china.com/2009/1019/70757.html
Tự Điển – Chữ viết của người Lạc Việt: 水书常用字典.pdf
Nghiên cứu hay học và hiểu Hán văn hay Hoa văn hay là Hán-Nôm đến trình độ có thể nghe, đọc, viết, Hát, làm thơ và phân tích ý nghĩa của các từ ngữ cổ đại – Trung Cổ đại – hiện đại mà đi đến tận cùng và hiểu đến tận cùng thì sẽ quay về “chữ Viết tượng hình” với phát âm “Nôm” / -Nam / -Việt, Đó là “chữ Việt Cổ”.

ĐÊM TRỪ TỊCH LÀ GÌ?
Đêm trừ tịch, còn được gọi là đêm ba mươi, là khoảng thời gian trước nửa đêm, thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới.
Đêm trừ tịch là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những muộn phiền đã qua.
Trừ tịch do hai chữ Hán "trừ" và "tịch" ghép lại: Trừ có nghĩa: loại bỏ, phép trừ; Viết: 除 Số nét: 10 _ cái chiếu trúc; Viết: 篨; Số nét: 16. Tịch có nghĩa: yên tĩnh, hoang vắng; Viết: 寂; Số nét: 11 _ cái chiếu; Viết: 席; Số nét: 10 _ buổi chiều, buổi tối; bóng tối; Viết: 夕; Số nét: 3. Trừ tịch có nghĩa là loại bỏ khi đã qua đêm; (còn có giải thích khác: trừ là bỏ đi, tịch là chiếu, tức là lễ thay chiếu _ ­wikipedia.org).
Đêm trừ tịch được hiểu là đêm giao thừa và theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh nghĩa là: cũ giao lại, mới tiếp lấy. Phong tục Việt Nam tin rằng, mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cần phải có lễ trừ tịch để cúng tế tiễn ông cũ và đón ông mới. “Tối trời như đêm ba mươi”, nhưng nửa đêm về sáng lại là thời gian của ánh sáng. Bởi vậy, đêm trừ tịch được coi là khoảng thời gian của sự yên nghỉ, giũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng. Trong đêm trừ tịch vào trước nửa đêm, người ta lo quét dọn sạch sẽ những gì là nhơ bẩn, dọn sạch những phiền muộn, bất hoà của đời sống để chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu của năm mới.
Lễ trừ tịch cử hành vào giờ Tý (11 giờ đến 1 giờ), khoảnh khắc bao hàm trong nó một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới.
Việc cúng tế này cốt ở tâm thành và đượm vẻ trang nghiêm tại các đình miếu cũng như tại các tư gia. Bàn thờ cúng trừ tịch được thiết lập ở giữa trời với một chiếc hương án được kê ra và trên hương án có đỉnh trầm hương hay bình hương. Hai bên đỉnh trầm hương có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và được bày trên hương án trước giờ trừ tịch. Người xưa cũng cho rằng, năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật. Trái lại, nếu gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới sẽ chịu mọi thứ khổ.
Lễ trừ tịch còn được các gia đình thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, cúng trừ tịch với mâm xôi, con gà trống luộc hoặc mâm xôi với chân giò lợn. Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hoà với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện. Dù không có tôn giáo nào hay chẳng có gia đình để sum họp, trong giờ khắc thiêng liêng đó mọi người cũng thường rủ nhau đến chùa, đến nhà thờ hay nơi linh thiêng nào đó để thắp nén nhang và hái lộc đầu năm.
Khác với Việt Nam, lễ trừ tịch của người Trung Quốc còn là lễ khu trừ ma quỷ. Vào ngày trừ tịch, họ dùng 120 trẻ con trạc 9, 10 tuổi mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để khu trừ ma quỷ. Tại Mexico, đêm trừ tịch được coi là thời điểm tốt nhất để giao tiếp với những hồn ma nhằm chuyển tải một thông điệp hoặc xin chỉ dẫn. Việc này không diễn ra tại nhà cá nhân nào mà nó được tiến hành một cách hợp pháp. Người Chile cũng tin rằng những người thân yêu qua đời của họ đang chờ đón họ ở nghĩa địa và tất cả sẽ cùng nhau đón năm mới. Vì vậy, người ta đã biến nghĩa địa trở thành một địa điểm lễ hội với nhạc cổ điển nhẹ nhàng và ánh đèn lung linh. Tập tục này khởi đầu vào năm 1995 khi một gia đình ở địa phương nhảy qua hàng rào nghĩa trang để đón năm mới gần mộ cha. Hiện rất nhiều người chấp nhận tập tục này với hy vọng bỏ đi hết những điều xấu dở của năm cũ để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới.
Những người phụ nữ độc thân ở Ireland thì lại luôn chờ đợi cái đêm trừ tịch vì nó được coi là sẽ mang tới tình yêu cho cuộc đời của họ. Họ có niềm tin đặt lá tầm gửi dưới gối sẽ tìm được chồng như ý trong năm mới. Trong văn hóa Ireland, điều này còn giúp người ta tránh được vận đen trong năm. Còn ở Ecuador có một phong tục vô cùng độc đáo, đó là làm và đốt bù nhìn vào đêm giao thừa. Người dân sẽ mặc quần áo cho bù nhìn, bên trong nhét đầy giấy báo và các mẩu gỗ. Chờ lúc sắp đêm giao thừa, mọi người sẽ tụ tập bên ngoài và đốt bù nhìn. Tập tục truyền thống này được tin là giúp cuốn trôi tất cả những vận đen, không may mắn trong năm cũ để đón chào một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc.
Tổng hợp từ nhiều nguồn

THÁNG CỦ MẬT LÀ GÌ?
Đã từ lâu cứ đến gần Tết, vào tháng Chạp, người ta lại bảo nhau: “Tháng này là ‘tháng củ mật’ đấy, phải cẩn thận!”. Bởi theo kinh nghiệm dân gian, vào tháng giáp Tết, rất hay xảy ra trộm cắp, nên lúc nào cũng cần phải xem xét, giữ gìn đồ đạc vật dụng cho cẩn thận.
Tháng chạp còn gọi là tháng củ mật là từ để chỉ tháng thứ mười hai (12) trong âm lịch đối với các năm âm lịch thường hoặc tháng thứ mười ba (13) trong những năm âm lịch nhuận. Tháng âm lịch nào cũng chỉ có thể có từ 29 đến 30 ngày, tùy theo thời điểm diễn ra hai kỳ trăng mới (new moon) kế tiếp nhau theo giờ địa phương. Ở Việt Nam đó là GMT+7. Tháng chạp là tháng luôn luôn diễn ra sau ngày đông chí. Cách tính số lượng ngày trong tháng âm lịch và số tháng trong năm cũng như việc xác định tháng nào là tháng nhuận (nếu có trong năm âm lịch đó) tương đối phức tạp.
Xưa kia các cụ gọi tháng chạp là “tháng củ mật” bởi tháng ấy nhiều trộm cắp, mọi người, nhất là các tuần đinh (ngày nay là công an, trật tự) phải củ soát cẩn mật.
Từ “củ mật” trong “tháng củ mật” mới đầu, chắc ai cũng nghĩ từ này là từ thuần Việt. Đó chỉ là cảm tính, vì nếu thử đố một ai đó giải thích xem tại sao lại gọi là “củ mật” thì chắc là bị “bí”.
Từ “củ mật” thực ra là được rút gọn từ “củ soát cẩn mật”, đây cũng lại là cách nói được tạo ra từ những từ gốc Hán. Trong tiếng Hán củ có nghĩa: 1.cái khuôn; 2. khuôn phép; Viết: 矩; Số nét: 10 Loại: Cả hai; Viết: 榘 Số nét: 14; Loại: Phồn thể. “củ” có nghĩa là xem xét, kiểm tra theo khuôn phép. Còn “soát”, theo đúng âm tiếng Hán là “sát”, có nghĩa: xem kỹ; Viết: 察; Số nét: 14; Loại: Cả hai; Viết: 詧; Số nét: 13; Loại: Phồn thể. Sát có nghĩa là xem xét kỹ. “Củ sát” theo tiếng Hán có nghĩa là “kiểm tra, xem xét kỹ việc thực hiện theo khuôn phép”. Từ “củ sát” được du nhập vào tiếng Việt từ lâu với âm đọc “củ soát”. Ngày nay trong tiếng Việt, “củ soát” thuộc về lớp từ cổ, không còn được dùng rộng rãi. Ngoài nghĩa nêu trên, nó còn có nghĩa là “xem xét cẩn thận để xem có đúng hay không”, như “củ soát văn bản” để xem có lỗi hay không. “Củ soát lễ vật” trước khi cúng xem cón thiếu những gì…
Cách nói rút gọn “củ soát cẩn mật” thành “củ mật” cũng tương tự như các kiểu rút gọn “chỉnh đốn huấn luyện” thành “chỉnh huấn”, “giao thông liên lạc” thành “giao liên”,…

Có nhiều cách hiểu chữ "Hôn nhân"
Trong giao tiếp, từ Hán Việt "Hôn nhân" không phải là một từ lạ. Nó xuất hiện nhiều trong quá trình ngôn hành đặc biệt là trong mùa cưới. Tuy nhiên, xoay quanh một từ cứ ngỡ là quen thuộc này lại có nhiều vấn đề vẫn chưa được sự thống nhất cao trong cách hiểu, cách lý giải. Trong Từ điển Hán Việt Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Tôn Nhan đã chú:
Hôn 婚
(1) Lễ con gái lấy chồng, con trai lấy vợ, vợ chồng hòa hợp gọi là hôn nhân.
(2) Cha mẹ vợ cha mẹ chồng cũng gọi nhau là hôn nhân (thông gia).
Nhân 姻
(1) Gọi chung họ hàng bên nhà trai
(2) Hôn nhân
Thế nhưng tác giả Bửu Kế trong Từ điển Hán Việt từ nguyên do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn  hành năm 2009 (tái bản) thì lại chú:
- Hôn: Cha vợ
- Nhân: Cha chồng
Về sau trai gái kết duyên gọi là hôn nhân (tr 828).
Tác giả Trịnh Thanh Vân trong Thành ngữ - điển tích – danh nhân từ điển Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2008 đã viết ngắn gọn hơn: Hôn nhân: Hai nhà kết hôn với nhau, tình thông gia. Các tác giả trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê - chủ biên thì cho rằng: Hôn nhân là việc nam nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng (tr 461).
Một từ trong Hán ngữ cổ thường có nhiều nghĩa. Trong số các nghĩa đó, nhất thiết phải có một nghĩa gốc, còn các nghĩa khác đều là nghĩa mở rộng. Giữa nghĩa gốc và nghĩa mở rộng thường có mối quan hệ gắn bó. Qua những cách giải thích trên chúng ta nhận thấy nghĩa gốc của từ hôn nhân phải hiểu như tác giả Bửu Kế. Hôn: cha vợ  - Nhân: cha chồng. Mở rộng hơn sẽ là nét nghĩa. Hôn: Bên nhà vợ  - Nhân: Bên nhà chồng. Từ đó đã phát sinh nghĩa mở rộng như cách hiểu của ngày hôm nay, "Hôn nhân" là chỉ việc trai gái kết duyên.
Ngoài ra, vấn đề tầm nguyên chữ Hôn nhân cũng không phải là một điều dễ dàng nhận được sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu. Trong chuyên luận Dạy và học Từ Hán Việt ở trường phổ thông, Giáo sư Đặng Đức Siêu đã từng nêu một chi tiết: Gần đây có nhà văn còn viết: “Cưới vợ thường đón dâu vào buổi chiều (hoàng hôn) nên mới gọi là hôn (lễ)" (tr 95). Và GS Đặng đã chỉ ra chỗ sai của cách giải thích trên: "Có biết đâu rằng hôn trong hoàng hôn có nghĩa là tối (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như hôn quân, hôn ám…) và hôn trong lễ thành hôn hoặc hôn lễ có nghĩa là kết duyên vợ chồng" (tr 95). Tuy nhiên, học giả Đào Duy Anh, một học giả uyên thâm về Hán học lại cho rằng "Chữ hôn nguyên nghĩa là chiều hôm, xưa làm lễ cưới vào lúc chiều hôm là lúc dương qua âm lại, âm dương đương giao hoán với nhau" (Xưa và Nay, số 251 & 252 tháng 1 – 2006).
Khi phân tích mặt chữ chúng ta nhận thấy cách lí giải của GS Đặng Đức Siêu có cơ sở hơn vì chữ Hôn055 婚 trong hôn nhân vốn là chữ nằm trong bộ nữ 0女 còn chữ hôn 0昬 với nghĩa là đêm thì lại nằm trong bộ tâm 0芯. Và hai chữ này hoàn toàn khác nhau về nghĩa.

Hiểu đúng câu “…, ngũ thập nhi tri thiên mệnh...”
Khổng Tử đã nói: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”. “Tam thập nhi lập” nghĩa là người ta đến 30 tuổi mới có thể tự lập, dựng nên sự nghiệp cho mình. Theo giáo lý Khổng Học, điều này thường để áp dụng cho đàn ông và con trai. Tuy nhiên, cái tuổi 30 dù là trai hay gái cũng là tuổi có thể tự lập và có sự nghiệp vững vàng nếu được chuẩn bị từ nhỏ. Theo Khổng Tử, con người đến một mức tuổi nào đó mới hiểu rõ được một số điều mà những người chưa đến tuổi đó không hiểu nổi.
Ngoài tuổi “tam thập nhi lập”, con người ta đến 40 tuổi mới có trình độ “tứ thập nhi bất hoặc” tức là có thể hiểu được lý lẽ trong thiên hạ, phân biệt được điều phải điều trái, ai tốt ai xấu, và ít khi sai lầm; đến 50 tuổi mới có trình độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” tức là có thể hiểu được mệnh trời hay chân lý của tạo hóa; đến 60 tuổi mới có trình độ “lục thập nhi nhĩ thuận” tức là có học vấn và kinh nghiệm trường đời chín mùi, sự hiểu biết và việc làm mới chu đáo, không thấy những gì nghe được là khó hiểu hay chướng ngại, và có thể phán đoán được ngay mọi việc; đến năm 70 tuổi mới có trình độ “thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” rất tự nhiên, tức là khi 70 tuổi thì hễ nói hay làm một điều gì là tự nhiên thể hiện đúng chủ tâm của mình, muốn sao được vậy, không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý hay lẽ phải.
Muốn đạt tới mức hiểu biết ở mỗi độ tuổi như đã đề cập ở trên, không phải cứ sống tới tuổi đó là được, người ta còn phải chuyên tâm vào việc học hỏi liên tục từ khi còn trẻ mới đạt kết quả ấy.
Thông minh tài giỏi không cứ phải do tuổi tác nhiều mà có. Người xưa thường nói “Lão ô bách tuế không bằng phượng hoàng sơ sinh” (con quạ già trăm tuổi không bằng chim phượng hoàng mới sinh ra) là vậy. Thông minh có thể do nòi giống và sự bẩm sinh mà có. Kiến thức và kinh nghiệm phải do học hỏi mà thành. Tuổi đời cộng thêm việc học hỏi và từng trải mới đạt được các trình độ “tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”.
Ta cần phải chú tâm về việc học ngay từ khi còn trẻ và tiếp tục học mãi cho đến già. Học phải bao gồm từ sự bắt chước, trau dồi kiến thức, nghiên cứu, áp dụng, thực hành, đến việc học làm người, nhất nhất đều cố tâm thì mới mong “tam thập nhi lập” một cách đúng nghĩa của nó được./.
                          Tổng hợp từ nhiều nguồn

Nguồn gốc, ý nghĩa chữ SONG HỶ (Song hỷ lâm môn)
Đăng 18-03-2012 bởi Yen Nguyen
Song hỷ: 
Song: Hai cái, một đôi. Hỷ: mừng.
Song hỷ là hai điều vui mừng đến một lượt.
Song hỷ còn có nghĩa là hai việc vui mừng song song với nhau: nhà trai cưới được vợ cho con trai, nhà gái gả được chồng cho con gái.
Chữ Hỷ 0喜  gồm bộ Sĩ ở trên, bên dưới lần lượt là Khẩu, Thảo, Khấu.
(Theo Cao đài tự điển, Từ điển Hán Việt Thiền Chửu)
Chữ Hỷ trong song hỷ đã dược lược bỏ bộ thảo
Song Hỉ là chữ Trung Quốc nhưng lại trở thành “biểu tượng” cho lễ cưới của người Việt. Mặc dù có nhiều người không hiểu về chữ này nhưng mặc nhiên, trong suốt thời gian dài, người ta vẫn chấp nhận nó như một phần không thể thiếu của lễ cưới.
Tóm lược điển tích:
Vương An Thạch đời nhà Tống đã sáng tạo nên chữ Song Hỷ bằng 2 chữ Hỷ được lược bớt bộ Thảo, để nói về hai lần gặp may lớn của mình là vừa thi đỗ cao lại vừa lấy được vợ đẹp. 
Chi tiết điển tích:
Vương An Thạch, năm 20 tuổi lên kinh đô để thi Trạng nguyên, dọc đường dừng chân nghỉ tại một thị trấn có trang viện của Mã Viên ngoại. Vương An Thạch thấy trước nhà có treo một cái đèn kéo quân, trên đó có dán một vế câu đối:
Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.
Nghĩa là:
Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt quân ngừng đi.
Vế đối còn chờ người. Vương An Thạch xem xong nói:
- Câu nầy dễ đối thôi.
Nói rồi liền bỏ đi. Người nhà của Mã Viên ngoại nghe được, chưa kịp vào trình với Viên ngoại thì cậu thiếu niên Vương An Thạch đã lên đường lên kinh đô.
Nơi trường thi, Vương An Thạch làm bài thi xong, đem nộp quyển trước tiên. Quan Chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài, rồi bảo Vương qua thi vấn đáp.
Quan Chủ khảo thấy lá cờ vẽ hình con cọp đang bay phất phơ trước gió, liền nghĩ ra vế đối:
Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.
Nghĩa là:
Cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuộn hổ ẩn mình.
Vương An Thạch chợt nhớ vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại, nếu đem đối vào đây thì rất hay và rất chỉnh, liền ứng khẩu đọc vế đối cho quan giám khảo nghe:
Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.
Quan Chủ khảo không ngờ Vương An Thạch có tài ứng đối mau lẹ như vậy, câu đối rất chỉnh, nghĩa lý xuất sắc.
Thế là Vương An Thạch coi như đã thi đậu đầu trong kỳ thi ấy, chỉ chờ chánh thức đăng tên lên bảng vàng và giấy báo mà thôi.
Vương An Thạch trở về quê nhà, đi ngang qua nhà Mã Viên ngoại, người nhà của Mã Viên ngoại nhận biết Vương là người mà trước đây đã nói rằng vế đối dán trên đèn kéo quân dễ đối thôi, nên mời Vương vào nhà trình với Mã Viên ngoại.
Mã Viên ngoại yêu cầu Vương đọc vế đối. Vương liền lấy vế đối của quan Chủ khảo đọc lên:
Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.
Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh rất khéo, nên nói với Vương An Thạch rằng:
- Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới chịu ưng làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt.
Thế là đám cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang.
Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có, và ở luôn tại nhà Mã Viên ngoại.
Cũng ngay trong ngày đám cưới đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch được chấm đậu Trạng nguyên, được triều đình đòi lên kinh đô lãnh chức.
Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: một là cưới được vợ tài giỏi giàu có, hai là được chấm đậu Trạng nguyên.
Vương An Thách rất hứng chí, lấy giấy viết lớn hai chữ HỶ 喜 dán trước nhà và ngâm:
Vận may đối đáp thành song hỷ,
Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.
Vậy, gốc tích của chữ SONG HỶ là do điển tích nầy, tức là vừa cưới được vợ, vừa thi đậu Trạng nguyên.
Khéo đối thành ra khúc hỷ ca,
Ngựa phi hùm chạy thực giao hòa.
Động phòng hoa chúc, tên đề bảng,
Tiểu đăng khoa lại Đại đăng khoa.
Hai niềm vui lớn cùng đến một lúc còn được gọi là SONG HỶ LÂM MÔN (2 niềm vui cùng vào cửa)
Nhưng về sau, chữ SONG HỶ được dùng với ý nghĩa khác hơn một chút: là hai việc vui mừng song song nhau: nhà trai vui mừng có dâu mới, nhà gái vui mừng có rể mới.
Trong đám cưới người Việt, chữ Song Hỷ biểu đạt niềm vui, hạnh phúc của hai dòng họ cũng như của cặp tân lang - tân nương. Chữ Song Hỷ xuất hiện rất nhiều trong đám cưới của người Việt từ thiệp cưới, phông cưới đến vỏ hộp bánh cốm, chè, hạt sen, quả cau, lá trầu… Nó được dán từ nhà ra ngõ, từ cổng khách sạn vào phòng ăn để thông báo với mọi người về đám cưới và nơi gia đình tổ chức bữa cơm chia vui mời khách khứa, họ hàng... Mặc dù không biết chữ Hán nhưng nhìn thấy biểu tượng song hỷ thì ai cũng biết là có đám cưới.
Ngày nay biểu tượng SONG HỶ không chỉ được viết 2 CHỮ HỶ theo các kiểu "Chân, Khải, Lệ, Triện" mà được trang trí, biến tấu, cách điệu rất phong phú./.  

Lễ yết công cô:
Lễ yết kiến công cô là Lễ ra mắt cha mẹ chồng, dâu bái yết cha mẹ chồng và thân thuộc bên nhà chồng.
Trong Lễ nầy đại diện gia đình nhà chồng công bố với nàng dâu mới các nghi thức, khuôn phép, cách thức cư xử, ăn nói, nề nếp và công việc của gia đình nhà chồng… để nàng dâu biết thực hiện.
Ngày nay một số gia đình biến thể Lễ này thành dịp tặng quà cưới của cô bác, anh em bên chồng gây nhiều phiền hà.
Có người còn nói chưa đúng từ công cô mà nói ông cô là ra mắt ông với cô ?!

Chuyện mèo mả gà đồng                                 
                                             AN CHI
Cứ tưởng hai ẩn dụ trong câu thành ngữ mèo mả, gà đồng đã rõ như ban ngày nhưng sự thật thì lại chẳng đơn giản đến thế. Bằng chứng là trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm (Nxb Văn Nghệ, 2009), tác giả Lê Gia đã thay chữ đổi nghĩa của vế trước thành “mèo mã” mà hiểu như sau:
“Mèo mã, cũng nói là ‘mèo mỡ’. Do hai chữ miều mã là cô gái lẳng lơ chỉ có bộ mã tốt đẹp bên ngoài. Chữ miều (cũng đọc là miêu, đồng âm với chữ miêu là con mèo), có nghĩa là cô gái lẳng lơ, lãng mạn, gái đĩ, chơi bời, bắt nhân tình với nhiều người. Chữ mã là nhãn hiệu dán trên gói hàng. Dáng vẻ đẹp tốt bên ngoài (hàng mã). Mèo mỡ thì chữ mỡ được hiểu thêm theo chữ mã là nhìn xéo, liếc mắt, đá lông nheo, và chữ mộ là tìm kiếm, rủ rê (…) Cũng hiểu thêm là con mèo chờn vờn miếng thịt mỡ.”
Những lời giảng “ly kỳ” kiểu như trên có rất nhiều trong quyển 1575 của ông Lê Gia. Nhưng nó chỉ có thể “hấp dẫn” những độc giả thích phiêu lưu mạo hiểm trong rừng chữ nghĩa mà không cần đến nguyên tắc và phương pháp chứ làm sao có thể đứng vững được trước một sự soi rọi chặt chẽ và nghiêm cẩn về ngữ nghĩa và từ nguyên. Từ hình thức gốc là mèo mả (chữ mả dấu hỏi) sang “mèo mã” (chữ “mã” dấu ngã), rồi “mèo mỡ” đã là cả một sự đại nhảy vọt cực kỳ vô lý về chính tả và từ ngữ mà chẳng có tác giả nào nghiêm túc và có kiến thức tối thiểu về ngôn ngữ dám thực hiện. Nhưng cái sai nặng nề nhất của tác giả Lê Gia là ở chỗ ông đã không hề quan tâm rằng mèo trong mèo mả là mèo thú còn mèo trong mèo mỡ thì lại là mèo người. Xin lưu ý là ở đây, ta đang  nói về nghĩa gốc của chữ mèo trong từng danh ngữ đang bàn, chứ không phải nghĩa bóng.
Ngay từ cái câu đầu tiên mà chúng tôi trích thì ông Lê Gia đã nhầm. Ông khẳng định rằng mèo mã cũng nói là “mèo mỡ”. Hoàn toàn sai! Ông không biết hai tiếng “cũng nói” dùng để làm gì. Nó dùng để nói về những biến thể ngữ âm của cùng một đơn vị như: giở chứng cũng nói trở chứng; giở giời cũng nói trở trời; dát gái cũng nói nhát gái; dáo dác cũng nói nháo nhác; bình an cũng nói bình yên; v.v.. Từng cặp thí dụ này chỉ khác nhau về mặt ngữ âm chứ về ngữ nghĩa thì chúng hoàn toàn như nhau vì thực ra chỉ là một. Chúng khác với các đơn vị cận âm cận nghĩa, nhất là có một âm tiết trùng nhau tuyệt đối như: đại diện và đại biểu; hoa liễu và da liễu; hành động và cử động; v.v.. Tuy đại diện và đại biểu là hai đơn vị đồng nghĩa nhưng ta không thể nói rằng “đại diện cũng nói đại biểu”. Dẫn chứng: đại biểu quốc hội không thể nói thành đại diện quốc hội; đại diện của Liên đoàn Bóng đá Argentina không thể nói thành đại biểu của Liên đoàn Bóng đá Argentina; v.v.. Còn hoa liễu chỉ là một khái niệm hẹp hơn da liễu nên ta không thể nói rằng “hoa liễu cũng nói da liễu”. Cũng thế, “mèo mã” (theo cách “sáng tạo” và cách hiểu của ông Lê Gia) và mèo mỡ rất khác nhau về mặt nghĩa nên làm sao có thể nói “mèo mã cũng nói là mèo mỡ”! Ở đây, mã đâu có phải là một biến thể ngữ âm của mỡ. Huống chi, “mèo mã” chỉ là một danh ngữ ảo do tác giả Lê Gia sáng tác ra chứ làm gì có trong tiếng Việt.
Rồi đến hai chữ “miều mã”, thì cũng chỉ là một cấu trúc ảo do ông sáng tác. Huống chi nếu miều là một yếu tố Hán Việt thì ông cũng chẳng hề cho ta biết tự dạng của nó ra sao. Và nếu đây có đích thực là một yếu tô Hán Việt thì cũng không thể nói rằng chữ miều cũng đọc thành miêu như ông đã viết. Lý do: “cũng nói”, “cũng đọc” là những tiếng dùng để nói về từng cặp hiện tượng đồng đại. Còn miều và miêu thì lại là những hiện tượng lịch đại, nghĩa là cái sau kế thừa cái trước chứ không tồn tại trong cùng một giai đoạn lịch sử với nó. Ngữ âm học lịch sử về các yếu tố Hán Việt đã chứng minh rằng giữa hai tiếng có cùng phụ âm đầu d-, l-, m-, n-, v.v., cùng gốc mà cùng vận khác thanh, thì tiếng mang thanh 2 (dấu huyền) xưa hơn tiếng mang thanh 1 (không dấu): – dầm trong mưa dầm xưa hơn dâm 淫 trong dâm vũ; – liền trong gắn liền xưa hơn liên 連 trong liên từ; – màng trong mùa màng xưa hơn mang 忙 trong mang nguyệt; v.v.. Khi miêu xuất hiện thì miều chết dần, rồi chết hẳn trong ngôn ngữ hằng ngày mà chỉ còn tồn tại trong thư tịch; trong khi đó thì giở và trở, dáo dác và nháo nhác, dát và nhát, an và yên, có thể cùng tồn tại song song, thường là ở những địa phương khác nhau. Vì vậy nên mấy tiếng “cũng nói”, “cũng đọc”  mới áp dụng được cho những trường hợp này mà không áp dụng được cho trường hợp của miều – miêu.
Ông Lê Gia lại giảng rằng “chữ mã là nhãn hiệu dán trên gói hàng”. Thì cũng sai. Chữ mã này, Hán tự là 碼, có nghĩa là chữ số, phương tiện để thể hiện con số; rồi trong tiếng Việt, nó mới có nghĩa rộng là ký hiệu bằng số dùng để đánh dấu riêng cho từng mặt hàng. Với cái nghĩa rộng này, nó mới có mặt trong danh ngữ đẳng lập mẫu mã. Mã đâu phải là nhãn hiệu hàng hóa. Mà cũng chẳng phải là “dáng vẻ đẹp tốt bên ngoài” vì đây chỉ đơn giản là cái dáng vẻ bên ngoài nói chung, không phân biệt đẹp, xấu, như đã được giảng trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên:
“ Mã: [khẩu ngữ] vẻ bên ngoài, cái hình thức phô ra bên ngoài: –Con gà tốt mã vì lông, Răng đen vì thuốc rượu nồng vì men – (…) từ ngày nghỉ hưu bác ấy xuống mã nhanh quá (..)”.
Ông Lê Gia còn gắn chữ mỡ trong mèo mỡ với chữ “mã” (?) là “nhìn xéo, liếc mắt, đá lông nheo”, và cả chữ “mộ” là “tìm kiếm, rủ rê” (…). Đây là một kiểu liên hệ hoàn toàn không thích hợp, như chúng tôi đã có nhận xét nhiều lần, kể cả trên Đương Thời. Thực ra, ở đây, mèo là một danh từ hoàn toàn độc lập với mèo trong mèo mả, mèo chó, v.v.. Nó có nghĩa là bồ, là nhân tình và chỉ dùng  cho phái nữ. Còn mỡ cũng có tính chất giống hệt như chuột trong mèo chuột, nghĩa là một từ bị truất nghĩa để đồng hóa về nghĩa với mèo (chỉ người), nhằm diễn đạt một cách không có thiện cảm cái nghĩa “nhân tình nhân ngãi nhăng nhít”. Vậy về mặt cú pháp - ngữ nghĩa, mèo mỡ là một cấu trúc giống như những phe phẩy, văn nghệ văn gừng, chính trị chính em, v.v., những cấu trúc hài hước - chê bai, mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập. Và vì nó mang tính chất này, và chỉ tính chất này mà thôi, nên cấu trúc mèo mỡ cũng chẳng dính dáng gì đến chuyện “con mèo chờn vờn miếng thịt mỡ” cả.
Tóm lại, đây chỉ là chuyện mèo mả, với chữ mả (dấu hỏi) trong mồ mả, không liên quan gì đến chữ “mã” (dấu ngã) của ông Lê Gia. Nhưng để chống đỡ cho chữ “mã” của mình, ông Lê Gia biện hộ:“ Và có lẽ do liên tưởng đến cái mả ngoài đồng nên trong dân gian ta lại có câu Mèo mả gà đồng và dùng theo nghĩa: Con mèo bỏ nhà ra sống ở gò mả, nơi có nhiều hang ổ chuột (…) Nhưng thực tế ít có con mèo nào làm như vậy.” Thực ra thì rất nhiều con mèo “thích” làm như vậy, nghĩa là thích ở mả, như có thể thấy trong vô số ảnh ở trên mạng. Chúng còn họp bầy họp đàn nữa ấy chứ! Những con mèo ở các nghĩa trang Montmartre (Pháp), Recoleta (Argentina) hay Guayaquil (Ecuador), v.v., là mèo mả chứ không phải mèo nhà. Đó là những con mèo hoang, không còn “thường trú” tại nhà chủ nữa. Ở Paris chẳng hạn, nơi mà mèo là con vật yêu, tây đầm ôm chum chủm. Thậm chí còn cho ngủ chung giường thì chẳng con mèo nhà nào lại thỉnh thoảng vào nghĩa trang chơi rồi về. Sống ở nghĩa trang chỉ là những con mèo bỏ nhà chủ, “nhất khứ bất phục hoàn” mà thôi. Huống chi, một nghĩa trang như Père-Lachaise ở Paris rộng hơn 43 ha thì mèo vào đấy chỉ để sống chung với Molière, Honoré de Balzac, La Fontaine, Colette và những danh nhân khác chứ làm gì có chuyện vào chơi rồi về. Lạ một điều là nhiều con rất tốt mã. Ở một số nước, người ta phải lập kế hoạch triệt sản những con mèo này; nếu không thì đội quân của chúng sẽ càng ngày càng đông.
Vậy mèo trong mèo mả là mèo thú, còn mèo trong mèo mỡ là mèo người, hoàn toàn khác nhau cả về ngữ nghĩa lẫn từ nguyên. Đồng thời mả ở đây đồng nghĩa với mồ và đi chung với danh từ này để tạo thành danh ngữ đẳng lập mồ mả. Góp phần khẳng định cho cách hiểu này về từ mả là vế trước của câu tục ngữ Mèo lành chẳng ở mả; ả lành chẳng ở hàng cơm. Với sự tồn tại của từ mả trong câu tục ngữ này thì toàn bộ lập luận có vẻ như rất bác học của ông Lê Gia cũng đã bị lật đổ./.
http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/an-chi-meo-ma-ga-dong-la-gi.html

Ta thán hay ca thán?
Có người dùng từ ca thán để thay cho từ ta thán nhằm diễn đạt việc oán trách, kêu ca về vấn đề nào đó.
Theo thiển ý từ ca thán không có trong từ điển Hán Việt và từ điển Tiếng Việt.
Hãy tham khảo các từ Hán sau:
ta:
thương xót
Viết:0 嗟
Số nét: 13
Loại: Cả hai
thán:
1. kêu, than thở
2. tấm tắc khen
3. ngân dài giọng
Viết:0 嘆
Số nét: 13
Loại: Phồn thể

Chuyện về câu “tam ngu thành hiền”
Trong đám tang nọ có người nói “3 ngày nữa ông (người chết) thành hiền”, theo người nầy sau lễ cúng 3 ngày (còn gọi 3 ngu) người chết sẽ thành hiền.
Câu nói “tam ngu thành hiền” của người xưa có ý:
“Ngu” là cách nói chỉ người không có hiểu biết, không có học, kém tri thức…
“Hiền” chỉ người có đức hạnh, tài trí hơn người.
Nghĩa là 3 cái ngu hợp lại sẽ thành 1 đức tốt là HIỀN.
Đó là ý của người xưa. Vậy mà có người chưa hiểu!
Mời các bạn tham khảo bài viết sau để hiểu hơn câu nói nầy:
“Tam ngu…. anh mù sờ voi”!
S22ư phạm ÁONÂU Đà Lạt
”Tam ngu thành hiền” ! Câu nói của người xưa ắt không sai!
“Ngu” là cách nói chỉ người không có hiểu biết, không có học, kém tri thức….. nhưng trong cuộc sống xã hội con người ta chẵng có ai ngu cả, không ai là không có hiểu biết. Trong cuộc sống xã hội với các mối quan hệ con người – xã hội, thiên nhiên, sản xuất, lao động… con người sẽ tích luỹ kinh nghiệm cho chính mình, qua đó, sẽ “biết” (tri thức, kinh nghiệm) để tránh cái sai, biết cái đúng, ứng xử, giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống (bản thân, gia đình, xã hội, lao động, ….).
“Hiền” chỉ người có đức hạnh, tài trí hơn người. Nhưng, “tam ngu” sao thành “hiền”? Nếu “hiền” là nguời ai nói cũng nghe, phải cũng gật, không phải cũng gật, không phân biệt phải, trái, đúng sai, hoặc làm ra vẻ “hiền”, xuôi chiều trong mọi việc, lợi cho mình là được… Nguời như vậy có phải là “hiền”(!?)!
“Tam ngu”, bởi những “ngu ý” trong bàn luận nên thêm một nghĩa là khiêm tốn, biết lắng nghe, học hỏi; có suy nghĩ độc lập, bổ sung cho nhau vì mỗi người có một suy nghĩ, nhận thức, hiểu biết khác nhau, nhân duyên cuộc sống khác nhau, kinh nghiệm khác nhau…
Khi có những ý kiến khác nhau thì phải bàn cho ra lẽ… và khi bàn tất phải bình đẳng; mỗi ý kiến đều được tôn trọng, không áp đặt (cả 3 đều “ngu” thì ai hơn ai, lấy gì hơn nhau để áp đặt! … ); có tranh luận, nếu không tranh luận thì dễ xuôi chiều, “dân chủ 100%”. Sự vật đều có 2 mặt, không xem xét cả 2 mặt phải trái thì làm sao nhìn sự vật, vấn đề toàn diện và như vậy làm sao có thể có kết quả mới, rõ hơn, đúng đắn hơn sau khi bàn mà có kết luận đúng, phù hợp với thực tế, có tính khả thi… Qua sinh hoạt ấy, “lượng” đã biến thành “chất”. Sinh hoạt ấy ắt có dân chủ!
Trong đời sống hiện nay của xã hội, bể học mênh mông, tri thức, kinh nghiệm con nguời là hạt cát. Có nhận, có biết mình có “ngu” để trở thành “hiền” chứ nếu chỉ có một người “hiền”, mình là “đèn pha” rồi bắt người khác theo, hoặc vì do chức quyền nên người ta tôn họ là “hiền”; hoặc “hiền” theo cách trục lợi cá nhân, cấp trên lúc nào cũng đúng, cấp dưới co mình lại, đổi màu nhanh chóng như con tắc kè, lấy lợi ích cá nhân mình làm chuẩn… thì “tam ngu“ chỉ càng ngu thiệt, ngu hơn còn “hiền” trở thành như “quan hoạn”! “Tam ngu thành hiền”, câu nói của người xưa không sai!
“Tam ngu thành hiền” khi có dân chủ; nếu mất dân chủ, dân chủ hình thức, tam ngu như…. anh mù sờ voi.                  Nđl            

Hiểu rõ các thành ngữ để không giải thích lệch:
Vắng Như Chùa Bà Đanh
(Trích Langmykhe.tripod.com)
Chùa Bà Đanh là tên gọi Nôm của chùa Châu Lâm. Chùa này được cất lên cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nộị. Vì để tránh húy miếu vua Thiệu Trị nên sau này Thụy Chương phải đổi thành Thụy Khuê. Vào thời đó, viện Châu Lâm được dùng làm chỗ ở cho những người Chiêm Thành được đưa về sau các cuộc chiến tranh, còn chùa Châu Lâm là nơi dành cho họ cúng lễ (vì hầu hết những người này đều theo đạo Phật).
Sau khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đã chiếm khu vực đất này để lập trường Trung học bảo hộ (1907) - nay là trụ sở của trường trung học Chu Văn An, vì thế chùa Châu Lâm phải dời về phía Tây Nam, ở cuối làng và đổi sang tên mới là chùa Phúc Lâm. 
Dấu tích của chùa Phúc Lâm hiện vẫn còn giữ lại được tấm bia ghi rõ: Bà Đanh tự (chùa Bà Đanh). Theo tục truyền, Bà Đanh là một người đàn bà đã có công dựng lên chùa này, vì thế mà ngôi chùa mang tên bà. Từ khi viện Châu Lâm bị bãi bỏ, số người đến lễ bái chùa này ngày một ít đi. Chính vì thế mà không khí ngôi chùa này ngày càng trở nên vắng vẻ. Trong bài "Tụng Tây Hồ phú" của Nguyễn Huy Lượng có ghi lại cảnh vắng của chùa này: 
Dấu bố cái rêu in nền phủ
Cảnh Bà Đanh hoá khép cửa chùa.
Cảnh vắng vẻ, thiếu người đến lễ bái của chùa Bà Đanh dần dần đã trở thành một hình ảnh để so sánh với bất cứ một cảnh vắng vẻ nào. "Vắng như chùa Bà Đanh" là một sự vắng vẻ yên tĩnh gợi nên vẻ lạnh lẽo, cô quạnh, thiếu hơi ấm của con người. Ca dao Hà Nội có câu:
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh.

Giá Áo Túi Cơm
Thời Ngũ Đại, có một người tên là Mã Ân, tiếm ngôi vua. Mã Ân nguyên trước chỉ là một vị quan võ nhỏ, bộ hạ của quan Vũ An Tiết Độ Sứ đời Đường là Lưu Kiến Phong. Rồi sau, Lưu Kiến Phong bị bộ hạ giết, Mã Ân được tôn lên làm Thống soái. 
Rồi đến khi Chu Ôn soán được thiên hạ của nhà Đường, đổi quốc hiệu là Lương (sử gọi là nhà Hậu Lương), thì Mã Ân được phong làm Sở Vương, làm chủ cả một giải đất Đông Bắc tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây, quyền uy lừng lẫy một thời. 
Nhưng Mã Ân thật sự lại chỉ là một kẻ tầm thường, bất tài, chuyên lo hưởng thụ, người đương thời rất khinh thường Mã Ân, và gọi Mã Ân là "Tửu nang phạn đại", ý nói rằng Mã Ân chỉ là cái túi để chứa rượu, đựng cơm mà thôi.
Về sau, người đời biến "Tửu nang phạn đại" thành thành ngữ để chỉ hạng người bất tài vô đức, không giúp gì được cho quốc gia xã hội, trái lại chỉ chạy theo lợi danh, mưu cầu cơm áo cho mình mà thôi. 

Người ta nói làm nghề giáo thì phải biết mười chỉ để nói một, phải nói những gì ít sai sót nhất, vậy nhưng trong quá trình tiếp xúc tôi thấy có người nói, viết chưa được chuẩn.
Xin ghi lại chuyện dùng và hiểu từ “đồng tính luyến ái”, có người nói “đồng tình luyến ái”.
Khi nghe tôi đã cố ý để được nghe nói lại và tìm cách để khẳng định từ tính hay tình thì người này vẫn nói tình.
Xin mạng phép giải thích chữ tính ở đây là giới tính, chỉ người cùng giới có quan hệ, người nói tình hiểu rằng họ đồng ý để quan hệ.
Xin được lắng nghe ý kiến của quý bậc cao minh.
Nói thêm: Nêu vấn đề này chỉ nhằm mục đích thông tin để cùng suy xét, không dám phê phán hay chỉ trích một ai.

Xin được hầu chuyện cùng quý vị, quý thầy cô và các bạn.
Câu:  cao chạy xa bay xem minh chứng)
Theo thiển ý thì phải viết cao bay xa chạy hay xa chạy cao bay, không thể cao chạy vì có ai chạy được lên cao nào? Câu chữ Hán “cao phi viễn tẩu”  đã rất sát nghĩa rồi.
 Đơn vị đo mưa.
Có người nói hôm nay trời mưa to trên 80 ml (mi li lít). Người này hiểu nước nên đo bằng lít.
Nói đúng phải là trên 80 mm (mi li mét). Để hiểu rõ hãy Xem chi tiết  đây
 Nếu bất ngờ có người hỏi bạn nói “tán gái” nghĩa là sao, bạn sẽ giải thích thế nào? Hãy thử với vài người bạn của bạn xem sao nhé.
Chữ tán   trong tiếng Hán có nhiều nghĩa, ở trường hợp này là khen ngợi.
Ví dụ trong từ tán thưởng, tán dương...
Bạn sẽ giải thích được rồi đó.
Câu: Thượng bất chính, hạ tác loạn có người đọc là tắc loạn.

Chữ Hán  (tác) có nghĩa làm, tạo nên. Còn chữ tắc (quy tắc, bắt chước, làm theo).

Câu nầy có nghĩa trên không chính trực, dưới làm loạn.

 Tao khang chứ không phải tào khang
Có nhiều người nói về tình nghĩa vợ chồng hay dùng từ nghĩa tào khang.
Nghĩa vợ chồng thì chữ Hán  là “tao khang”, tao  là hèm (bã) rượu, khang  là cám gạo, những thứ mà người nghèo khó phải dùng làm thức ăn, nghĩa bóng dùng để chỉ tình nghĩa vợ chồng từ lúc còn nghèo khó không nỡ bỏ nhau (Xin xem các mục từ “tao khang” trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, hoặc Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh).
Ca dao Việt Nam có câu: "Đôi ta là nghĩa tao khang, xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau".
 Dẫn câu tục ngữ không phải cách
Trong một đám giỗ nọ khi trò chuyện
có người nói với người đến muộn:
“Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”.
Nếu chúng ta đọc tiếp lời của một bài hát:
Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau,
tục ngữ có câu để khuyên người ham ăn mà lăn đi trước, mà lăn đi trước...
Thì thật là buồn cười với câu dẫn này!.
 Đánh Trống Bỏ Dùi  
Thoạt nghe, tưởng chừng thành ngữ "đánh trống bỏ dùi" chẳng có vấn đề gì về mặt chữ nghĩa, vậy mà chính nó là một thành ngữ khá phức tạp, không đơn giản như nhiều người vẫn hiểu. Tất cả cũng tại một chữ "dùi" !
Thông thường, nhiều người diễn giải rằng "đánh trống bỏ dùi" là dùng dùi để đánh trống và đánh xong thì đem vất dùi đi. Từ đó mà suy ra nghĩa của thành ngữ. Có người còn suy ra là người đánh trống, khi xong công việc thì chỉ mang trống về, chỉ giữ gìn lấy trống mà vất dùi lại, chẳng tiếc gì thứ "rẻ tiền" đó nữa.
Trách ai tham trống bỏ dùi (Ca dao)
Nhưng lại có một cách hiểu khác về chữ "dùi". "Dùi" là tên gọi những tiếng trống lẻ sau những hồi trống dài, liên tục. Như vậy, "dùi" còn mang ý nghĩa như "tiếng" do phép hoán dụ, dùng phương tiện hành động chỉ kết quả hành động. Trong thổ ngữ Nghệ Tỉnh, "dùi" và "tiếng" song song tồn tại bên nhau và có khả năng thay thế cho nhau: "ba hồi chín dùi = ba hồi chín tiếng". Đáng lưu ý là những "dùi" trống riêng lẻ này rất quan trọng vì chúng là tín hiệu góp phần phân biệt quy định các hiệu lệnh khác nhau của hồi trống "ba hồi chín dùi" có nội dung thông báo khác với hiệu lệnh "ba hồi ba dùi". Đánh trống mà bỏ (không đánh) những "dùi" lẻ này thì người nghe không thể biết đó là hiệu lệnh gì để đáp ứng yêu cầu kịp thời. Ấy vậy là làm việc không chu đáo và thiếu trách nhiệm.

Cù lao khác với thù lao
Có người đọc câu Chín chữ cù lao thành Chín chữ thù lao.
Trong chữ Hán thì chữ cù  nghĩa: nhọc nhằn, chữ thù  nghĩa: mời rượu; đền đáp lại.
Khi làm việc gì được trả công để đền đáp gọi là thù lao.
Chín chữ cù lao là nói đến 9 việc nhọc nhằn của cha mẹ.
9 chữ đó là:
 SINH     
Đẻ
CÚC   
Nâng niu
 PHỦ
Vuốt ve, âu yếm
SÚC
Cho ăn, cho bú
TRƯỞNG
Nuôi nấng đến lớn
 DỤC
Dạy dỗ
CỐ
Săn sóc, trông nôm
PHỤC
Tùy tính mà uốn nắn theo
PHÚC
Che chở
 Diễu hành không phải Diễn hành
Có người nói: “Kỷ niệm 40 năm giải phóng Hoài Ân, người ta tổ chức Diễn hành rầm rộ”.
Hãy xem tự điển giải thích:
Diễu hành là Động từ (chỉ đoàn người) đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường để biểu dương sức mạnh hoặc để biểu thị thái độ chính trị: đoàn biểu tình diễu hành qua các phố lớn.
Đồng nghĩa: tuần hành
Từ Hán Việt
nước mênh mông
Có nơi viết Diểu (dấu ?) là chưa chuẩn và có nghĩa khác.
 Câu chuyện từ việt dã.
Thật bất ngờ khi tôi nghe có người nói (người này có trình độ học vấn, từng là hạ sĩ quan trong quân đội): “Ngày mai xem chạy giặc giả”.
Tôi hỏi thì được biết: Ngày sau đó có giải việt dã do huyện tổ chức nhân kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4.
Rấc tiếc người này hiểu là diễn lại việc chạy loạn trong chiến tranh!
Xin xem từ Hán Việt:
vượt quá; nước Việt; họ Việt.
đồng nội; không thuần.
việt dã: vượt đồng.
Gần nghĩa còn có việt vị (vượt vị trí) trong bóng đá mà có không ít người đọc là liệt vị.
Xin cẩn trọng khi nói và viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét