Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

LINH MỤC CÔNG GIÁO LÀM CÔNG TÁC MỤC VỤ NHƯ MỤC SƯ TIN LÀNH

ỦNG HỘ HÀNG GIÁO PHẨM – NÂNG CAO DÂN TRÍ CỦA GIÁO DÂN – XÓA TAN KHOẢNG CÁCH GIỮA HÀNG GIÁO PHẨM, GIÁO SĨ VÀ GIÁO DÂN.

LINH MỤC CÔNG GIÁO LÀM CÔNG TÁC MỤC VỤ
NHƯ MỤC SƯ TIN LÀNH

Ai đã đọc những tờ báo, tạp chí Công giáo từ những năm 1945 và những năm gần đây trên trang mạng Thi Ca Cầu Nguyện, có thể thấy xuất hiện đều đặn tên THẾ KIÊN DOMINIC, một nhà thơ lão thành, chuyên sang tác những bài thơ dựa theo Kinh Thánh, Giáo Huấn Giáo Hội và đặc biệt chăm chút thể thơ Đường luật.

Tiếc rằng công trình giới thiệu cac nha thơ Công giáo do nhóm Linh mục Trăng Thập Tự lại không thấy tên Ông. Cá nhân tôi cho đó là một thiếu sót không nhỏ. Ông là bạn tâm giao của nhạc sư Hải Linh, hiểu rất rõ về gia cảnh, gia đình và hoạt động của nhạc sư Hải Linh. Ông cũng cùng nghĩa phụ với linh mục Ngô Duy Linh. Ông và nhạc sư Hải Linh có nhiều dự án định thực hiện ở Hoa Kỳ, nhưng khi ông sang định cư ở Mỹ thì nhạc sư Hải Linh đã qua đời.

Tôi đến thăm Ông ngày sinh nhật thứ 96 của Ông (02.01.1918 – 02.01.2014) ở Giáo Xứ An Lạc, Tổng giáo phận Sàigòn.. Ở tuổi 96, tuy việc đi lại có đôi chút khó khăn vì thoái hóa cột sống, nhưng sức khỏe vẫn hết sức tốt, trí óc của Ông vẫn hết sức minh mẫn và ngày ngày vẫn miệt mài sáng tác trên máy vi tính.
Điều tôi muốn ghi lại ở đây, là tâm tình yêu mến Giáo Hội của một giáo dân trí thức lão thành, luôn suy nghĩ về Giáo Hội, luôn cập nhật tin tức về Giáo Hội và Đức Thánh Cha và vẫn kiên trì với ước mong (ước mơ) VÀ CHỦ TRƯƠNG ấp ủ từ gần 70 năm qua.
Đó là : ỦNG HỘ HÀNG GIÁO PHẨM – NÂNG CAO DÂN TRÍ CỦA GIÁO DÂN – XÓA TAN KHOẢNG CÁCH GIỮA HÀNG GIÁO PHẨM, GIÁO SĨ VÀ GIÁO DÂN.

Nhưng làm sao để thực hiện được các điều nầy, nhất là điều sau cùng, về khoảng cách có vẻ như khó thu hẹp giữa hàng Giáo Phẩm, Giáo Sĩ và Giáo Dân?
Tôi rất đồng ý với Ông, rằng một số thay đổi "bề ngoài”, trong giao tiếp, trong phụng vụ, trong sinh hoạt giáo xứ, dễ khiến cho các Vị Chức Sắc Giáo Hội "an tâm” rằng "Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”( ).
Cảm tưởng ấy dễ trở thành ảo tưởng và chận đứng những suy tư và canh tân mục vụ và công tác mục vụ nơi các Giáo Sĩ.
Ông phân tích ba loại linh mục;
Ông gọi loại linh mục thứ nhất, là "linh mục hành chánh”, những giáo sĩ làm đầy đủ các chức năng một tư tế; dâng Thánh Lễ, làm các Bí Tích, sử sang nhà thờ, cung thánh, nhà xứ (và ‘thu nhập”).
Loại thứ hai là các giáo sĩ qúa xăng xái "việc đời”, dây mình vào đủ thứ những điều thuần trần tục, như kinh tế, chính trị, xã hội, mà quên đi mất các Ngài là "sứ giả Tin Mừng”, Alia facienda, non alia omittenda (làm điều nầy mà không được bỏ điều kia).
Loại linh mục mà Ông ao ước có trong Giáo Hội là những giáo sĩ được đào tạo bài bản, có nền tảng đạo đức, thánh thiện, khiêm nhường, nghèo khó và trung thành với Giáo Hội, với Đức Thánh Cha, nhưng trên hết, trong tư cách và mang trọng trách một mục tử, linh mục (đặc biệt linh mục quản xứ, quản nhiệm) phải hết lòng, hết sức yêu mến giáo dân Chúa và Giáo Hội giao phó cho các Ngài. Linh mục không phải là "mercenaire” (NV. "lính đánh thuê”), không phải là người àm thuê ăn lương, không phải là khách qua đường, mang tâm lý "quan nhất thời, dân vạn đại”: Ngài được sai đến và sẽ được (bị?) chuyển đi nơi khác, cho nên chẳng phải mặn mà gắn bó làm gì.

Tôi chờ đợi hình ảnh một Vị Giáo Phẩm, một vị Giáo Sĩ mà Ông tâm đắc, và hết sức ngạc nhiên khi hình ảnh Ông đưa ra, lại là ước ao của Ông về LINH MỤC LÀM CÔNG TÁC MỤC VỤ THEO GƯƠNG MỤC SƯ TIN LÀNH, một hình ảnh, một suy tư, một ước ao thật sự độc đáo, khá lạ lùng và "sáng tạo”. Ông giảng giải:
Ngày nay, các Dòng Nữ hầu như đã bỏ danh xưng ‘Mẹ Bề Trên”, mà thay vào cụm từ "Tổng Phụ Trách”, cho thấy sự gần gũi, gắn bó trong đời sống tu đức lẫn trong sinh hoạt hằng ngày, tập thể cũng như cá nhân. Giữa vị Tổng Phụ Trách (Mẹ bề trên) và các nữ tu không thể có một khoảng cách, một cách biệt nào trong tuân giữ linh đạo và đường hướng tu đức của Hội Dòng. Chỉ duy nhất trách nhiệm là khác biệt. Từ tinh thần đó, không chỉ y phục, sinh hoạt học tập và lao động, mà cả đời sống tu trì mang ý nghĩa mới mẻ, sống động, gắn bó hơn trong cộng đoàn, hấp dẫn nhiều ơn gọi tận hiến.
Các Dòng Nam như từ khi được sáng lập, vẫn duy trì danh xưng ‘huynh, đệ”,không chỉ trong lời nói, chữ viết, mà cả trong cách cư xử tôn trọng, gần gũi thân thiết. Tôi theo dõi những sinh hoạt của Dòng Phan Sinh, từ Dòng ‘nhất”, Dòng "nhì” (Clara) và Dòng Ba (Phan Sinh Tại Thế) và thấy rõ ràng đó là một GIA ĐÌNH.
Đó là hình ảnh đẹp đẽ và hùng biện nhất về mặt truyền giáo trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Đó là "kim chỉ nam” của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, khi Người chọn Vị Tánh Atxidi Khó Nghèo làm Niên Hiệu cho triều đại Giáo Hoàng của Người : MỘT GIÁO HỘI HOÀN VŨ ( dĩ nhiên cũng cho Giáo Hội Địa Phương và giáo xứ) mở ra với thế giới, nghèo khó (như Chúa Ki-tô trần truồng trên thập giá khi trao hiến cho nhân loại) và mang Chúa Ki-tô đến với mọi người.

Những điều đó phải là tâm tư, phải là cuộc sông của một giáo sĩ, không thể khác được, không thể "đẽo gọt”, dùng ni tấc của mình may một chiếc áo linh mục "như ý”.CÁC MỤC SƯ TIN LÀNH ĐANG LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ.

Khác với các linh mục (nhất là các linh mục quản xứ), các mục sư không có được một cộng đoàn ổn định và có tổ chức chặt chẽ như các Giáo xứ hoặc cộng đoàn Công giáo.
Công việc của mục sư là phải luôn "bám trụ” vào các cá nhân, gia đình tín hữu, hiểu tường tận mọi mặt trong đời sống của các tín hữu, can thiệp kịp thời, đúng việc, đúng người, trong giới hạn cho phép, luôn tôn trọng sự riêng tư và quyền quyết định của đương sự. Các mục sư rất mạnh dạn (có khi gần đến mức "lì lợm’) trong việc rao giảng Tin Mừng: không chỉ phân phối tài liệu, Kinh Thánh, họ còn giảng công khai, dai dẵngbám "mục tiêu”, năn nỉ, thuyết phục và đặt "mục tiêu” trong tâm trí, trong cầu nguyện (cả trong quan tâm giúp đỡ, do vậy đôi khi họ mang tiếng là dùng vật chất để lôi kéo người theo đạo).
Nên biết rằng: ở Trung Quốc, Công giáo chỉ non 8 triệu, trong khi người ta đồng nhất ước tính con số tín hữu Tin Lành có thể nằm khoảng….100 triệu!
Ở Hàn Quôc, tín hữu Tin Lành vẫn đông hơn Công giáo: 19, 7% so với 9, 8%.
Sau bao thăng trầm, biến động, con số hơn 1 triệu tín hữu Tin Lành ở Việt Nam so với hơn 6 triệu tín hữu Công giáo (có lịch sử truyền giáo lâu dài hơn rất nhiều so với Tin lành), cũng cho thấy sự năng động trong truyền giáo của anh em Tin Lành. Sự năng nỗ, sáng tạo, hy sinh, hòa đồng, chia sẻ và cả những gương dũng cảm vì giáo lý, vì đức tin, vì cộng đoàn tín hữu, là "ánh sáng, muối đất, men bột” làm cho kết bông đơm trái.

Hãy thử đặt vấn đề: Nếu không có được một cấu trúc giáo xứ đầy đủ, chặt chẽ, gần như giúp "kiểm tra và kiểm soát” có hệ thống các thê hệ tín hữu, thì liệu sẽ giữ chân được hết mọi thành phần và thành viên trong một giáo xứ không?
Liệu lớp trẻ (nhất là nam thanh thiếu niên) có thật sự thấy gắn bó với đức tin, với sinh hoạt của giáo xứ, trong giáo xứ, mà họ thấy mang nặng tính chất phô trương, nặng truyền thống và đôi khi vô nghĩa?
Đã có được bao nhiêu giáo xứ trong đó thế hệ trẻ thích thú học hỏi Lời Chúa, yêu mến Thánh Thể, quan tâm Chuỗi Mân Côi và năng chịu các Bí Tich, nhất là Bí Tích Giải Tội?
Bí Tích Hòa Giải là dấu chỉ rõ ràng nhất sự tin tưởng, gắn bó, yêu mến của giới trẻ đối với Chúa Ki-tô, với Giáo Hội, với Vị mục tử của họ.
Điều nầy các mục sư muốn có cũng không thể có được. Tại sao giáo sĩ lại lơ là, bỏ qua?

Nhà thơ Công giáo lão thành Thế Kiên Dominic kết luận :
Nói về đề tài nầy, thì nunquam satis - không bao giờ cùng! Nhưng nếu quan sát, tìm hiểu và thật sự yêu mến Chúa Ki-tô, yêu mến Giáo Hội, yêu mến con chiên của mình, thì linh mục không khó tìm thấy câu trả lời thỏa đáng cho cuộc sống linh mục của mình và nhất là cho công tác mục vụ của Ngài.
Đấy là ý nghĩa của câu Thánh Augustinô nói : Ama et fac quod vis – hãy yêu mến (đã) rồi làm điều bạn muốn.Tôi vẫn thấy riêng trong công tác mục vụ, linh mục Công giáo nên học hỏi, bắt chước gương các mục sư Tin Lành.

Sàigòn, những ngày đầu năm 2014
Giuse Nguyễn-Thế-Bài
Giáo dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét